leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Yêu tiếng nước mình lắm, giận kẻ xúc phạm tiếng nước mình lắm, ông mới nói thế và thế mới là yêu! Yêu “thường thường bậc trung”, “nửa nạc nửa mỡ” thì nói làm gì?

Ở nước ta, hiện một số nhà nghiên cứu vẫn đang bỏ công sức ra để chứng minh rằng, người Việt có chữ viết (chữ Việt cổ) trước cả người Hán. Yêu tiếng Việt đến như thế mới là yêu!

Nhưng trước khi tìm ra thứ chữ Việt cổ, cái “vỏ” Việt của tiếng nói Việt ấy, ta có gì để yêu tiếng nước ta?

Trước hết, đó là tiếng nói Việt (âm Nôm), mà người nước ngoài mô tả là “líu lo như tiếng chim”.

Suốt mấy nghìn năm, tiếng nói Việt sống và vạm vỡ lên, tinh xảo lên, trong cái “vỏ” chữ Nho (chữ Hán). Bằng cách viết chữ Nho mà vẫn đọc theo lối Việt-chả đọc theo ai/ cần thì “bút đàm”-cha ông ta đã có cả một kho tàng văn tự phi thường. Riêng về thơ thôi, Phan Huy Chú viết: “Nếu chẳng phải trải qua cướp bóc, đốt phá mà hóa tro tàn, thì hẳn là trâu kéo đến toát mồ hôi, chứa đầy đến tận xà nhà” (Lời tựa thiên Văn tịch chí trong “Lịch triều hiến chương loại chí”). Sự cướp bóc, đốt phá ấy là như thế nào? Trong Sắc chỉ 10 điều gửi ngày 21 tháng Tám (ta) năm 1406 cho tướng Nam chinh là Chu Năng đi đánh Việt (thuộc thời nhà Hồ), Minh Thành Tổ viết rằng: “... Một khi binh lính (nhà Minh) đã vào nước Nam, trừ các sách kinh và các bản khắc in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra, hết thảy mọi sách vở, văn tự, cho đến cả những loại sách ghi chép ca lý dân gian hay sách dạy trẻ.., một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp nước Nam, phàm những tấm bia do Trung Hoa dựng xưa nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các tấm bia do An Nam dựng lên thì phá hủy tất cả, một chữ cũng chớ để còn”.

Ấy thế mà tiếng ta vẫn sống. Tiếng ta sống vì không ai đốt phá nổi tiếng nói Việt, tâm hồn Việt, văn hóa Việt, văn hiến Việt!

Rồi sau, tiếng nói Việt lại tìm cách sống trong cái “vỏ” chữ Nôm-cải tiến mặt chữ Nho để có cái “vỏ” riêng cho tiếng nói Việt-mà có những thành tựu vĩ đại như thơ Nôm (thơ Quốc âm) của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến... và bao văn thơ Nôm khuyết danh khác, nhưng cuối cùng, chỉ vì nhược điểm chí tử của chữ Nôm-mặt chữ Nôm còn phức tạp hơn cả mặt chữ Nho và phải giỏi chữ Nho thì mới giỏi chữ Nôm được-mà chữ Nôm không thể trở thành Quốc tự của ta.

Mặc dù thế, Quốc âm-âm Nôm (âm Nam?)-tiếng nói Việt-vẫn ngày càng vạm vỡ, ngày càng tinh xảo, chứ không bao giờ mai một. Cái tình yêu với Quốc âm ấy là bất biến! Tình yêu ấy làm cho Quốc âm trường tồn.

Sau đó nữa, tiếng nói Việt lại sinh tồn và phát triển trong cái “vỏ” Quốc ngữ, với mẫu tự La-tinh cho đến tận giờ. Ba tháng thì xóa được mù chữ, Quốc ngữ lợi hại như vậy, sao lại không dùng? Đã từ lâu, ta điềm nhiên dùng chữ Quốc ngữ để “phiên” chữ Nho ra cho dân ta đọc theo âm Việt. Ta hay gọi đó là lối phiên âm Hán-Việt. Nhiều người bảo, âm Việt-tiếng nói Việt-có trước, rồi sau mới “chui” vào cái “vỏ” chữ Nho, thế thì phải gọi lối phiên âm ấy là lối phiên âm Việt-Hán mới phải chứ? Sao lại gọi đó là lối phiên âm Hán-Việt được? Nghe mà yêu! Mà yêu là thế.

Thế là, tiếng nói Việt, dù khoác áo ký tự tượng hình hay ký tự tượng... hài, cứ sống mãi và ngày càng đẹp, ngày càng hay, ngày càng giàu khả năng diễn đạt và biểu cảm, kể cả lúc ở ngoài lĩnh vực văn chương, kinh kệ.

Từ lâu, tiếng nói Việt, tiếng Việt đã đủ để dân gian truyền dạy đạo lý, lối sống: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Có xáo thì xáo nước trong/ Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con”, “Đừng bao giờ mắng ăn mày/ Búng tay một cái, ăn mày là ta”...; đủ để truyền dạy kinh nghiệm sản xuất, thời tiết, thời vụ: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa...”, “Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”, “Mây thành vừa hanh vừa giá”, “Mống đông vồng tây, chẳng mưa dây cũng bão giật”...; đủ để diễm tình: “Chí làm trai say mê yêu nước/ Em dạ nào trách móc tình ai”, “Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”, “Tóc dài em kết làm quang/ Gánh nước sông Hán đổ sang sông Hồ/ Ai ngờ sông Hán cạn khô/ Để cho sông Hán, sông Hồ xa nhau!”, “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay”, “Gió bay đôi dải yếm đào/ Anh thò tay vào bắt cặp nhạn xanh/ Bao giờ thưa thốt cùng anh/ Thì anh mới thả nhạn xanh cho về”, “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”, “Bếp còn thiếu đĩa mầm măng/ Em lên Cao Bằng xẻ rãnh trồng tre/ Hết rơm, em đi buôn bè/ Ba năm chở củi đem về thay rơm/ Hết mắm, em còn đi đơm/ Ba năm mắm ngấu, làm cơm thết chàng/ Thôi thôi, ta giã ơn nàng/ Chờ xong một bữa thì vàng mắt ra”, “Ngày xưa có anh Trương Chi/ Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay” v.v..

Tinh hoa thì viết: “Gót danh lợi bùn pha sắc xám/ Mặt phong trần nắng nhuốm mùi dâu... Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ/ Đường thế đồ gót rỗ khi khu” (Nguyễn Gia Thiều), “Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” (Nguyễn Du), “Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom” (Hồ Xuân Hương), “Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại, để dành hơi” (Tự Đức), “Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo” (Nguyễn Khuyến), “Ước gì ta hóa ra dưa/ Để cho người rửa nước mưa chậu đồng/ Ước gì ta hóa ra hồng/ Để cho người bế người bồng trên tay” (Tú Xương), “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng... Em luống trông tin chàng...” (Cao Văn Lầu) v.v.. và v.v..

Khát vọng cha ông là thế, gắng gỏi bao đời là thế, quằn quại đi tìm cái “vỏ” cho tiếng nói Việt là thế, thành tựu rực rỡ là thế, làm người Việt, ta không yêu tiếng nước ta nhất thì yêu tiếng nước nào? Cho đến giờ, bao người viết vẫn học theo các cụ, chay tịnh và thắp hương rồi mới “khai bút”. Bị mắng là chưa (hay không) yêu tiếng Việt, là bị mắng rất nặng. Không đau, không buồn, cũng khó! Nhưng bắt mọi người phải lập tức yêu tiếng Việt bằng nhau và phải lập tức làm cho tiếng Việt trong sáng, thì cũng khó... như vậy!

*

*     *

Bởi vì, tiếng Việt (như bất kỳ tiếng nước nào khác) có hai mảng chính: Tiếng Việt thông dụng và tiếng Việt nghệ thuật (ở đây chưa kể tới các mảng tiếng Việt chuyên ngành, trong đó, tiếng Việt hành chính cần phải rất chuẩn xác).

Với tiếng Việt thông dụng thì trước hết, cứ “tiện” là dùng, nhưng càng ngắn gọn và dễ hiểu-càng đông người hiểu-càng tốt. Mọi sự khiên cưỡng, pha tạp, thậm chí lố bịch, sẽ rơi vãi đi, vì nhất định người ta phải tiến (dần) tới sự chính xác, ngắn gọn, giản dị. Việc trót lười biếng (hoặc là vội vàng hay chưa đủ nhạy cảm) mà làm cho tiếng Việt thiếu trong sáng, chỉ là “tạm thời”, mỗi khi gặp những từ hoặc cú pháp mới ngoại nhập mà thôi.

Nhưng nếu cứ mặc kệ thế, cứ để cho tiếng Việt thông dụng “tự lọc” tự nhiên thế, thì chậm và dở! Cho nên nhà trường (đặc biệt là nhà trường phổ thông) và những nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp không được lười biếng như thiên hạ trong việc “chuẩn hóa” tiếng Việt và dù có không vội vàng thì cũng phải thường xuyên nhanh nhạy viết sách (và dạy) thiên hạ tu từ. Phép tu từ được dạy từ khi người ta còn bé là tốt nhất (“Học ăn, học nói, học gói, học mở” mà lại). Sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa về tiếng Việt của ta lâu nay còn dài dòng và chưa tốt lắm!

Sau sách giáo khoa thì những tác phẩm văn học tiếng Việt (hoặc những tác phẩm văn học dịch ra tiếng Việt) hay là những “công cụ” tu từ tốt nhất. Nhưng nói thế là đã nói đến mảng tiếng Việt nghệ thuật rồi.

Tiếng Việt nghệ thuật thì cũng xuất phát từ tiếng Việt thông dụng, nhưng dần được các “khuyết danh” nghìn đời lọc lựa tạo nên (trong ca dao, tục ngữ, dân ca, truyện cổ tích, truyện thơ dân gian), rồi lại được văn nghệ sĩ “hay chữ” nghìn đời dần chọn dùng và nâng cao thêm trong các tác phẩm của họ. “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân” chỉ là tiếng Việt thông dụng, nhưng “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” thì nếu không “trọng mai kính tuyết”, nếu không “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” như Nguyễn Du thì không thể viết tiếp vào đó để cùng hai câu trước gộp lại mà thành ra tiếng Việt nghệ thuật được! “Lép nhép dăm hàng tỏi-Lơ thơ mấy bụi khương” thì người thường cũng viết được, nhưng viết tiếp hai câu sau để bài tuyệt cú của mình thành ra “tuyệt cú”, thì chỉ có Nguyễn Gia Thiều: “Vẻ chi tèo teo cảnh/ Thế mà cũng tang thương!” v.v..

Cho nên, khi nhà trường dạy tu từ tốt; khi văn chương ta trong sáng, thuần Việt, đẹp đẽ, hay ho; khi truyền thông ta (cực quan trọng với đương thời) cố gắng không vì vội vàng mà mắc mãi những lỗi khiên cưỡng, pha tạp, lố bịch; thì từ việc nhỏ như việc đặt nghệ danh, cho tới những việc lớn như việc làm cho tiếng Việt trong sáng, tất thành!

Thì đấy, thường người “có chữ” đặt tên con... hay hơn người “ít chữ”. Cho nên xưa nay mới có việc đi xin tên, xin chữ. Mà biết đi xin tên, xin chữ cũng đã là biết yêu tiếng Việt nghệ thuật rồi. Tiếng Việt nghệ thuật nâng cao và “hàn lâm hóa” dần tiếng Việt thông dụng theo kiểu ấy.

Điều cuối cùng, không vui gì nhưng phải thừa nhận, là có nhiều người (ngày càng nhiều) đặt tên, đặt hiệu, nói năng và viết lách vì những mục đích khác (hoặc không, chỉ) với mục đích làm trong sáng tiếng Việt, thậm chí, nhiều “tác giả” văn chương cũng làm thế. Thí dụ, có nhà thơ viết bằng tiếng Việt hẳn hoi, mà lại khuyên các đồng nghiệp trẻ rằng: “Phải làm thơ sao cho dễ dịch ra tiếng nước ngoài thì mới dễ nổi tiếng”. Khổ quá! Thơ mà đã “dễ dịch” thì nào có mấy khi hay? Nào có mấy khi “đậm đà bản sắc” Việt? Mà khi đã không “đậm đà bản sắc” Việt thì sao nhà thơ lại có công trong việc bảo vệ và nâng cao tiếng Việt được? 

ĐỖ QUẾ ANH