Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), quê tôi thành lập hợp tác xã rất sớm. Bà con hồ hởi vào hợp tác, chung tư liệu sản xuất, dồn ruộng, đi làm tập trung. Tiếng kẻng gọi đi làm vang từ đầu thôn đến cuối xóm. Cho tới bây giờ, câu thơ của nhà thơ Tố Hữu vẫn vang vọng trong tôi: Dân có ruộng, dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng, ấm áp làng quê/ Chiêm mùa, cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn. Những đêm trăng, tiếng đập lúa ở sân kho hợp tác như bản hòa âm một nhịp sôi động. Lũ trẻ con chúng tôi thì nô đùa, chơi “tàu bay, tên lửa”, dùng những lượm lúa sau khi đã đập xong ném vào nhau. Rồi chúng tôi chơi trốn tìm, chui vào đống rơm sau khi phơi bên đường hoặc trong sân vườn nhà. Có đứa vì chơi nhiều, mệt quá, chui vào đống rơm ngủ một mạch, để bố mẹ phải đi tìm đến nửa đêm mới thấy...

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Ngày mùa, sân kho hợp tác bao giờ cũng nhộn nhịp. Các đội sản xuất cử xã viên đập lúa, phơi thóc, rồi đến chiều chia thóc, chia rơm. Mỗi nhà một phần to, nhỏ theo số lượng nhân khẩu và công điểm có được. Nhà tôi được chia phần bao giờ cũng ít hơn, vì bố tôi đi bộ đội từ thời kháng chiến chống Pháp, không ở nhà. Mẹ tôi bận nuôi con nhỏ, lại ốm đau nhiều, nên công điểm ít. Mỗi lần lấy phần chia về, mẹ tôi chỉ một lần gánh nhẹ đã xong.

Rồi trai tráng làng tôi thưa dần. Làng chỉ còn nhiều người già, phụ nữ và trẻ con. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào những năm tháng khốc liệt nhất. Tiền tuyến lớn miền Nam vẫy gọi. Phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” ở quê tôi không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành hành động. Anh trai tôi mới lớn đã xung phong theo bố vào bộ đội. Tiếng kẻng hợp tác không chỉ thúc giục xã viên ra đồng, mà còn báo động máy bay Mỹ. Cũng trong những ngày này, tiếng kẻng có khi là hiệu lệnh tập trung thanh niên của làng tôi lên đường nhập ngũ...

Rồi Tết đến, Xuân về, làng tôi như vắng vẻ hơn. Thi thoảng nhà ai có chồng hoặc con là bộ đội tranh thủ về nghỉ Tết thì bà con đến thăm hỏi, trò chuyện râm ran tận khuya, qua cả Giao thừa. Cũng có nhiều nhà đón Xuân trong hương vòng tỏa biếc, tiếng khóc sùi sụt, bởi mới nhận được giấy báo tử từ huyện chuyển về... Thế nhưng, những ngày Tết vẫn là những ngày đặc biệt. Đáng nhớ nhất là các cấp ủy Đảng, chính quyền xã, Ban chủ nhiệm hợp tác xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đi thăm hỏi, tổ chức những trò chơi vui Xuân, ngày hội xuống đồng...

Chuyện mua hàng phân phối ở cửa hàng mậu dịch và chia thực phẩm ở sân kho hợp tác xã trong ngày Tết thì khó có thể quên được. Ở quê tôi, đã thành nền nếp, chế độ, những gia đình có người đang trong quân ngũ thì Tết có phần quà tặng của chính quyền địa phương và hợp tác xã. Về hàng bách hóa có thêm gói chè, bao thuốc, hộp bánh hoặc hộp mứt Tết. Gia đình bộ đội được tặng một cân thịt lợn đối với mỗi người. Gia đình tôi có bố và anh cả đang trong quân ngũ, nên vào ngày hợp tác xã chia thịt tiêu chuẩn Tết, mẹ thường sai tôi ra sân kho hợp tác xã nhận phần và không quên nhắc “nhà có hai suất bộ đội”. Tiêu chuẩn thêm cho gia đình bộ đội tuy nhỏ, nhưng thể hiện tấm lòng của người hậu phương đối với tiền tuyến; sự quan tâm đến các gia đình bộ đội. Nhà tôi cũng như bao gia đình bộ đội khác cảm thấy ấm lòng hơn trước tình cảm của lãnh đạo các cấp bộ Đảng, cán bộ chính quyền và nhân dân quê nhà.

Thời gian trôi qua, quê tôi cũng như bao vùng quê khác bước vào công cuộc đổi mới, thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, giao ruộng cho từng gia đình. Rồi hợp tác xã giải tán, việc sản xuất và phân phối sản phẩm theo quy luật thị trường. Những năm qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, quê tôi phát triển, giàu đẹp hơn. Nhiều gia đình giàu có xây nhà cao tầng, có sân rộng, xe ô tô vào tận cửa. Tết đến, Xuân về, nhà nào cũng nhộn nhịp, đi chơi thăm hỏi nhau, không ai còn lo đến việc tích trữ thức ăn, đồ uống. Hàng hóa ngày Tết chỉ cần mấy giờ ra chợ mua sắm đầy đủ hoặc điện thoại là có người cung ứng đến tận nhà. Đời sống no ấm là thế, nhưng sao tôi cứ bâng khuâng nhớ đến món quà, tiêu chuẩn Tết cho gia đình bộ đội. Chỉ một gói chè, cân thịt lợn thêm cho mỗi gia đình quân nhân mà sao chứa chan tình cảm, sự tri ân đối với cán bộ, chiến sĩ. Chính từ món quà nhỏ hậu phương làm ấm lòng bao chiến sĩ để họ vững vàng, yên tâm làm nhiệm vụ, chắc tay súng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, góp phần để đất nước có cuộc sống bình yên hôm nay!

XUÂN GIANG