Với giới khoa học công nghệ, 2016 là một năm bội thu với nhiều phát hiện mang tính đột phá...

Phát hiện thế kỷ của ngành vật lý

Theo Thuyết tương đối của Anh-xtanh, thời gian và không gian có thể bị bẻ cong vì sóng hấp dẫn. Suốt 100 năm qua, các nhà khoa học cũng công nhận điều này nhưng chưa có đủ công nghệ để chính thức xác nhận. Nay, với công nghệ LIGO (Đài Quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser), các nhà khoa học đã phát hiện rằng, việc hai hố đen khổng lồ sáp nhập sẽ giải phóng một khối năng lượng khổng lồ dưới dạng sóng hấp dẫn trong vài phút cuối cùng. Nguồn năng lượng này thậm chí còn lớn hơn 50 lần năng lượng của toàn bộ các ngôi sao trong vũ trụ này.

leftcenterrightdel
Sóng hấp dẫn đã được tìm thấy. 

Vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 390 triệu người bị sốt xuất huyết tại 120 quốc gia, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, châu Mỹ La-tinh và châu Phi. Căn bệnh này do muỗi trung gian truyền, gây sốt cao, đau đầu nặng, nôn mửa và có thể dẫn tới tử vong.

leftcenterrightdel
Vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên đã được WHO cấp phép lưu hành 

Những thiệt hại do căn bệnh sốt xuất huyết gây ra được ước tính lên tới nhiều tỷ USD trong nhiều thập niên qua nhưng giới y học vẫn “bó tay” trong việc tìm ra phương cách đối phó. Phải đến ngày 15-4-2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chính thức phê chuẩn vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới. Loại vắc-xin này có tên là Dengvaxia, là thành quả của hợp tác nghiên cứu khoa học trong hơn hai thập kỷ qua, cũng như 25 nghiên cứu lâm sàng tại 15 quốc gia trên toàn thế giới. Theo nhà sản xuất-Sanofi Pasteur-Dengvaxia có hiệu quả tới 70% ở những người đã phơi nhiễm trước đó với vi-rút gây sốt xuất huyết và hiệu quả ngăn chặn bệnh diễn biến trầm trọng đạt khoảng 90-95%.

Việc phát triển được vắc-xin Dengvaxia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sự biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa đang khiến ngày càng nhiều người bị nhiễm căn bệnh sốt xuất huyết.

“Trái Đất thứ hai”

Theo thông báo của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ châu Âu (ESO), các nhà khoa học vũ trụ đã tìm thấy những bằng chứng rõ ràng về một hành tinh xoay xung quanh Proxima Centauri (Cận tinh). Hành tinh đó được đặt tên là Proxima b. Proxima b xoay xung quanh ngôi sao của nó theo chu kỳ 11 ngày, với khoảng cách “chuẩn” để có một nhiệt độ rất cân đối, đủ để duy trì nước dạng lỏng trên bề mặt. Tuy nhiên, bề mặt hành tinh này có thể chịu ảnh hưởng rất mạnh của tia cực tím, mạnh hơn rất nhiều so với những gì Trái Đất đang phải hứng chịu hiện nay.

leftcenterrightdel
“Trái Đất thứ hai” Proxima b. 

Proxima b có khối lượng chỉ bằng 1,3 lần Trái Đất và là một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời gần với chúng ta nhất, chỉ khoảng 4,5 năm ánh sáng.

Proxima b được đánh giá là có khả năng duy trì sự sống. Tuy nhiên, việc đến được “Trái Đất thứ hai” này không hề đơn giản. Khoảng cách 4,5 năm ánh sáng tương đương 42,57 nghìn tỷ ki-lô-mét, một con số quá khủng khiếp, gấp khoảng 100 triệu lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng. Trong khi đó, ở hiện tại, con tàu vũ trụ có tốc độ nhanh nhất là New Horizon có vận tốc khoảng 58.000km/giờ. Nghĩa là ngay cả với con tàu vũ trụ nhanh nhất, chúng ta cũng cần đến... 734 triệu giờ, tương đương 83 nghìn năm mới có thể tiếp cận được Proxima b.

Lỗ hổng tầng ozone đang hồi phục

Cuộc sống trên Trái Đất tồn tại được hoàn toàn nhờ vào sự bao bọc của tầng ozone. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, vào năm 1985, các nhà khoa học đã phát hiện những lỗ hổng khổng lồ ở tầng ozone tại Nam Cực. Sau đó, họ còn phát hiện ra các lỗ hổng tại khắp các vị trí trên Trái Đất. 

leftcenterrightdel
 Tầng ozone đang được “vá” lại.

Trong phát hiện mới nhất, tính từ năm 2000 tới nay, lỗ hổng tầng ozone nằm ở Bắc Cực đã giảm 1,5 triệu dặm vuông diện tích. Đây là kết quả của nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mặc dù lỗ hổng này sẽ chưa hồi phục hoàn toàn cho tới sớm nhất là giữa thế kỷ 21, nhưng điều này là một tin vui đối với các nhà khoa học đã ủng hộ Hiệp định Montreal. Hiệp định quốc tế được ký năm 1987 này cấm sản xuất công nghiệp khí ChloroFluoroCarbons (CFC)-một hóa chất chứa clo có khả năng hủy hoại tầng ozone.

Tên lửa đẩy hạ cánh theo phương thẳng đứng

Chiều 8-4-2016, hàng chục nghìn người trên khắp thế giới nín thở chờ đón khoảnh khắc tên lửa Falcon 9 đáp xuống Đại Tây Dương. Và giây phút Falcon 9 hạ cánh nhẹ nhàng xuống một bệ nổi trên biển theo phương thẳng đứng khiến tất cả vỡ òa trong hạnh phúc.

Trước cú đáp lịch sử này, dự án SpaceX của tỷ phú người Mỹ Ê-lôn Mu-cơ (Elon Musk) đã 4 lần thất bại trong việc thử nghiệm việc đáp tên lửa trên biển.

leftcenterrightdel
Tên lửa Falcon 9 đáp xuống mặt biển. Ảnh: wordpress 

Thành công trong việc hạ cánh tên lửa theo phương thẳng đứng trên biển mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ. Bởi thứ nhất, hạ cánh trên biển cho biên độ an toàn cao hơn, đặc biệt là khi tàu vũ trụ SpaceX tiến xa hơn vào không gian và trở về Trái Đất với vận tốc cực lớn. Khi đó, chỉ tính toán sai một chút, vị trí đáp đất sẽ lệch đi rất xa. Mặt biển sẽ an toàn hơn gấp nhiều lần vì rộng, dễ ứng phó và di dời bệ nổi nếu cần. Trong khi đó, bệ đáp cố định trên mặt đất khó di dời và đất liền có nhiều dân cư. Thứ hai, việc hạ cánh trên biển sẽ giúp tên lửa tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tên lửa Falcon 9 sẽ không phải “uốn lượn” theo một quỹ đạo chuyển động khá phức tạp để quay về đúng bệ đáp được chỉ định. Bệ nổi trên biển sẽ tự căn chỉnh vị trí cho phù hợp với vận tốc và hướng bay của tên lửa. Thậm chí, SpaceX cũng có thể bố trí nhiều bệ nổi khác nhau trên biển để linh động hơn nếu có sai số trong việc dự đoán điểm đáp.

TRẦN VÂN (tổng hợp)