Đại úy Kso Kha say sưa luyện tập bên đàn T’rưng
Đàn, sáo theo bộ đội ra thao trường
Từ đằng xa, chúng tôi đã nghe thấy âm thanh réo rắt của tiếng đàn T’rưng. Âm thanh ấy vang lên trong giờ giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3). Hòa mình cùng không gian âm nhạc của cánh lính trẻ, chúng tôi có một cảm giác thật lạ, thật đặc sắc. Rất nhiều chiến sĩ trở thành “nghệ sĩ”, say sưa trong các tiết mục đàn T’rưng, sáo, đinh goong, ghi-ta...
Các binh nhất: Siu Kăo, Kso Fép, Kso Káo, Phan Văn Thái; Thượng sĩ Nguyễn Đình Tuấn tự tin phối hợp cùng nhau trong bản hòa tấu đàn T’rưng “Mừng Tây Nguyên thắng trận” khiến ai cũng chăm chú lắng nghe. Với dàn “nghệ sĩ” hùng hậu này, chỉ trừ những hôm mưa gió thì bộ đội mới chịu “nhịn đói” âm nhạc.
Bộ đội chủ lực là vậy, bộ đội địa phương cũng không chịu “kém miếng”. Thượng tá Lê Ngọc Nghĩa, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Văn hóa cơ sở, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai khoe với chúng tôi: Nhiều “nghệ sĩ” trong đội như: Đại úy Kso Kha, Thượng úy Kso Vanh và Thượng úy Rmah H’Na đều là những tay đàn “cừ khôi”. Nếu họ phối hợp với nhau, sử dụng đàn T’rưng trong tiết mục hòa tấu “Trở về Tây Nguyên” thì nghe “đã đời”. Kso Kha kể về những lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội và bà con vùng sâu: “Chúng tôi chọn những ca khúc, những bản hòa tấu mà bộ đội và bà con biết và thích. Nhiều lúc chúng tôi biểu diễn, bà con lên sân khấu xin được đánh đàn, được hát cùng bộ đội, còn đám trai làng cũng “cháy” hết mình với anh em”.
Những “nốt thăng” đậm chất lính
Trung úy QNCN Dương Hữu Dũng, nhân viên câu lạc bộ Trung đoàn 24 cho biết, nhờ phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển nở rộ nên nhiều “hạt nhân” văn nghệ xuất hiện và câu lạc bộ chính là “cầu nối” để những hạt nhân có cơ hội biểu diễn phục vụ các liên hoan, hoạt động của nhân dân địa phương. Mới đây, tại liên hoan văn nghệ quần chúng cấp sư đoàn, những “nghệ sĩ” của Trung đoàn 24 đã ẵm giải nhất và nhiều giải cá nhân được thể hiện bằng nhạc cụ dân tộc.
Khẳng định tính chuyên nghiệp hơn là những “nghệ sĩ” ở Đội Tuyên truyền Văn hóa cơ sở Gia Lai, với nhiều “tay trống”, “tay đàn”, giọng ca như: Đại úy QNCN Phi Ưng, Trung úy QNCN Kso Alư, Thượng úy QNCN Đinh Thị Hiền, Đại úy QNCN Kso Bala... Những “nghệ sĩ” áo lính nơi đây đã thể hiện nhiều ca khúc, nhiều bản hòa tấu như: “Tây Nguyên chào mặt trời”, “Anh hùng Núp”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”... hay những tiết mục hòa tấu đặc sắc như: “Trở về Tây Nguyên”, “Cô gái vót chông”, “Mừng Tây Nguyên thắng trận”... làm say lòng bộ đội và đồng bào.
Không chỉ say mê với nhạc cụ dân tộc, các “nghệ sĩ” còn sáng tác ca khúc. Từ lời thơ của Kpa Ylăng, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan đã phổ nhạc thành công ca khúc: “Tiếng chiêng anh bộ đội”, với những nốt nhạc trẻ trung, những ca từ hùng tráng, lãng mạn: Lung linh ánh lửa hồng, mênh mông đêm cao nguyên. Tiếng chiêng anh bộ đội, chiêng mời gọi vòng xoang. Rộn ràng đêm cao nguyên, với em cùng rượu cần, cùng tấm lòng đôi mắt, bàn tay nắm chặt tay. Đại úy QNCN Phi Ưng có “gia tài sáng tác” hơn 20 ca khúc, chủ yếu viết về vùng đất và con người Tây Nguyên.
Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy hầu hết các đơn vị ở cơ sở có đời sống âm nhạc phong phú, đa dạng; cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu âm nhạc được thể hiện mình trên thao trường, bãi tập, trong các liên hoan văn nghệ quần chúng... Đặc biệt, các tiết mục “tự biên, tự diễn” có nhạc cụ dân tộc được những “nghệ sĩ-chiến sĩ” thể hiện rất tài năng, dí dỏm, sinh động”.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH