“Kỳ nhân” ở Lùng Tám
Cách TP Hà Giang chỉ 60km, men theo con đường đèo dốc quanh co hướng lên cao nguyên đá Đồng Văn khoảng nửa đường, tôi tìm đến Hợp tác xã (HTX) Dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám thuộc thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Con đường dẫn vào Lùng Tám mang một vẻ đẹp rất dung dị, tạo nên cảm giác quen thuộc như vào một ngôi làng ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Đón chúng tôi là người phụ nữ đã trạc ngoài 50 tuổi. Bà là Vàng Thị Mai-Chủ nhiệm HTX Dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám. Chỉ vào những tấm lanh rực rỡ trong nắng sớm, bà khoe: “Đó là hàng đặt của nhà thiết kế Minh Hạnh đấy!”.
Bà Mai bên những tấm vải lanh được phơi trong nắng
Với những hiểu biết ít ỏi của mình về vải lanh của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang, tôi hỏi bà Mai về kỹ thuật in họa tiết sáp ong và nhận lại từ bà một nụ cười rất đắc ý: “Kỹ thuật này là hồn cốt tấm vải lanh của người Mông, khó làm lắm. Tôi sẽ cho cô gặp một người!”.
Rồi bà dẫn tôi đi dọc con đường làng nhà cửa san sát. Đi qua một con ngõ nhỏ đường đất ẩm ướt sau trận mưa rào ban sáng, bước nhẹ vào khoảng sân trước nhà um tùm một màu vàng của những thân cây ngô phơi khô để dành làm chất đốt cho mùa đông, bà Mai nhẹ cất tiếng: “Cụ Cở ơi!”.
Có bóng người lom khom cặm cụi chuẩn bị bữa trưa cho đàn lợn. Đó chính là cụ Sùng Thị Cở, 93 tuổi, nghệ nhân vẽ sáp ong cao tuổi nhất hiện nay của HTX.
Cụ Cở từ tốn nở nụ cười móm mém đón khách rồi quay lại khoảng sân trước nhà, nhẹ nhàng nhóm lại đống lửa tàn vẫn còn vương hơi ấm. Lúc này, tôi mới có dịp nhìn ngắm đôi bàn tay của cụ. Thật khó để diễn tả khi thấy đôi bàn tay đặc biệt này. Nó gầy gò, đen sạm và toàn bộ các ngón đã bị rút lại, co quắp với nhau. Nhưng sự ngỡ ngàng chưa dừng lại ở đó, cụ Cở đặt lên ngọn lửa hồng một chiếc bát bằng sứ có chứa sáp ong đã bị đông cứng, lấy ra một chiếc bút vẽ đặc chủng có ngòi là miếng đồng dẹt mỏng và đeo lên mắt chiếc kính lão đã ngả màu. Sáp ong bắt đầu tan chảy tỏa mùi thơm khẽ khàng, cụ Cở mở cuộn vải đang vẽ dở rồi đặt bút. Cụ cầm bút bằng bàn tay trái-bàn tay bị co rút nặng nề nhất!
Cụ Sùng Thị Cở bên bàn vẽ họa tiết sáp ong
Có lẽ đó là khung cảnh gây ám ảnh mạnh mẽ nhất đối với tôi trong chuyến đi này! Cụ đặt từng nét bút một cách dứt khoát, tinh xảo, từng đường sáp màu nâu vàng óng ả cứ thế hiện lên trên tấm vải trắng tinh khôi…
Bà Mai kể, hồi cụ Cở khoảng 70 tuổi, cụ bị bệnh thấp khớp nặng khiến các ngón tay và phần cẳng chân bị co rút lại. Tưởng rằng cụ sẽ không qua khỏi. Thế rồi may mắn hồi đó cụ vẫn sống, nhưng căn bệnh để lại di chứng rất nặng nề. Thế nhưng chưa bao giờ cụ Cở ngừng vẽ. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến trưa, cụ ngồi cặm cụi bên hiên nhà, tỉ mẩn từng nét, từng nét.
Trung bình một tháng, cụ Cở có thể vẽ 5 đến 6 cuộn vải, mỗi cuộn dài 5m. Ngoài chuyện bàn tay “kỳ lạ” thì thu nhập hằng tháng của cụ cũng là điều đem đến cho tôi một sự ngỡ ngàng không nhỏ. Với mỗi cuộn vải 5m, giá trung bình HTX thu mua từ cụ là 3 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng, cụ bà 93 tuổi nặng chưa nổi 40 cân, với đôi bàn tay gầy guộc, tài hoa của mình có thể làm ra ít nhất là 18 triệu đồng-mức thu nhập hằng tháng có thể coi là rất cao tại vùng kinh tế còn nhiều khó khăn như Hà Giang!
Cụ Cở có tất thảy 5 người con, nhưng tiếc thay trong nhà không có ai ngoài cụ biết vẽ sáp ong, cũng không ai có ý định theo nghề này. Hằng năm, vào mỗi dịp hè, cụ vẫn rất phấn khởi nhận dạy truyền nghề vẽ họa tiết sáp ong tại các lớp học nghề của HTX tổ chức. Tấm lưng còng ấy, đôi chân tập tễnh ấy vẫn cứ bền bỉ bước trên những con đường làng, truyền nghề cho những người trẻ, cho những ai còn nặng lòng với nghề truyền thống của đồng bào.
Sợi ấm sợi no
Vải lanh gắn bó mật thiết và đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Mông ở Hà Giang. Nó đã đi sâu vào đời sống bởi những tập tục đã tồn tại bao đời, bởi những câu đồng dao trẻ em thường hay hát: Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Gái xinh chưa biết cầm kim là hư…
Để làm nên một sản phẩm từ cây lanh, người phụ nữ Mông phải thực hiện tổng cộng 41 công đoạn. Trong đó, có 9 công đoạn chính: Trồng lanh (làm đất, tra hạt, chăm sóc cây trong hai tháng rưỡi để thu hoạch) rồi phân loại sợi to, nhỏ phơi khô; bóc tách sợi, tước sợi, giã sợi; nối sợi, quay guồng, tháo sợi; nấu từ 3 đến 4 lần để sợi dệt trắng ra; lăn sợi cho nhẵn bóng rồi chia sợi, xỏ sợi vào trục, cuốn sợi; dựng khung dệt, dệt thành tấm; luộc rồi lại đem lăn vải cho bóng nhẵn; nhuộm màu, từ đó đem đi cắt may và làm ra thành phẩm.
Đôi bàn tay tài hoa của cụ Cở
Hơn 20 màu sắc được nhuộm trên vải lanh của người Mông Hà Giang hiện nay đều là các màu có nguồn gốc tự nhiên. Sau các bước nhuộm sẽ có bước hắng màu. Người Mông đun vải với một ít cây hắng. Chất từ cây hắng thôi ra sẽ giúp cho màu vải luôn giữ nguyên như lúc mới nhuộm.
Nhận thức được giá trị và công sức để tạo nên một tấm vải lanh, bà Vàng Thị Mai đã cố gắng bằng mọi cách phát triển được nghề truyền thống đáng quý này. Năm 1999, bà dành toàn bộ tiền tích cóp được để thành lập tổ hợp dệt lanh. Lúc đó, xưởng chỉ có vẻn vẹn 10 người. Bà Mai đã đi khắp bản làng để vận động chị em. Bà kêu gọi mỗi thành viên tham gia cố gắng dành một phần đất canh tác trồng lanh để chủ động nguồn nguyên liệu. Nhưng lúc đó, bà đã rất xót xa và tức giận khi một số trường hợp chị em bị chồng bạo hành, vì cho rằng họ đã không chuyên tâm chăm sóc gia đình, không lo trồng ngô lấy lương thực mà dám trồng lanh. Bước qua mọi khó khăn, sau một năm làm ăn nhỏ lẻ nhưng đem lại kết quả khả quan, năm 2000, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang bắt đầu tạo điều kiện cho các chị em với hình thức hỗ trợ cấp vốn ban đầu và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Với số vốn ban đầu chỉ 13 triệu đồng, bà Mai cùng các thành viên đầu tư hạt giống, phân đạm, bắt đầu gieo trồng lanh. Năm đó, với 400m2 trồng lanh, chị em đã có lãi hơn 2 triệu đồng. Trong khi cũng với diện tích đó, trồng cây ngô chỉ đem lại hiệu quả kinh tế là 60 nghìn đồng.
Dựa trên sự tính toán rất khả quan đó, năm 2001, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ đã thành lập HTX Dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám với 60 thành viên ban đầu và duy trì đến nay đã được 15 năm.
Bước đầu giải quyết được khâu sản xuất sao cho chất lượng tốt, đồng đều, bà Mai lại phải đối mặt với thách thức lớn hơn là khâu đầu ra cho sản phẩm. Bà Mai cố gắng tham gia thật nhiều hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở Hà Nội, sau đó đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong những lần tham gia hội chợ, bà là người trực tiếp bán lẻ từng mét vải lanh, từng sản phẩm cho khách hàng, không ngần ngại giới thiệu bao công đoạn miệt mài để tạo ra sản phẩm. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, bà Mai đã bán được 3.000m vải lanh thô với giá hơn 30 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, năm 2006, 2007, Chương trình hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ đã hỗ trợ HTX một phần kinh phí, nâng cao kỹ thuật nhuộm màu, tìm các nguồn đặt hàng. Bắt đầu từ đây, những sản phẩm của HTX Dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám được đa dạng hóa và bắt đầu sản xuất các sản phẩm phục vụ trang trí nội thất như: Khăn trải bàn, chăn, ga giường, các loại khăn, túi xách...
Trong 3 năm (2008, 2010 và 2011), bà Vàng Thị Mai đã được Đại sứ quán Pháp và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mời tham dự Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu. Cũng bắt đầu từ đây, những tấm vải lanh đầu tiên của người Mông tại Hà Giang bắt đầu vươn ra thế giới và được tiêu thụ chính ở các nước: I-ta-li-a, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ… Năm 2011, sản phẩm lanh Lùng Tám nhận cúp vàng hàng thủ công mỹ nghệ các nước được tổ chức tại Ma-lai-xi-a.
Nhờ sự thành công đó mà đến nay, HTX Dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 130 phụ nữ Mông với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hằng năm của HTX đã lên đến gần 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh việc đóng góp công sức rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho địa phương, HTX còn củng cố cuộc sống cho các chị em bằng cách hỗ trợ cho vay vốn, bao tiêu sản phẩm đạt chất lượng trong toàn huyện, xây nhà tình nghĩa cho các hộ khó khăn... Năm 2009, HTX được Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tuyên dương, tặng Bằng khen vì đã giúp đỡ nạn nhân của nạn buôn bán người qua biên giới hòa nhập, ổn định cuộc sống.
Với những cống hiến không biết mệt mỏi của mình cho nghề truyền thống của dân tộc, năm 2008, bà Mai được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân và năm 2015 được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng. Năm 2010, 2012, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bầu chọn là “Gương phụ nữ năng động, sáng tạo”...
Những thành công của bà Mai nói riêng và HTX Dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám nói chung đã được tạo nên bởi sự cần cù, chịu khó nhưng rất năng động cùng với đôi bàn tay tài hoa vốn có của người phụ nữ Mông. Từ đó, bao gia đình đi lên, bao phận người đã đổi khác, bao ấm no đã về.
Và cứ thế, hình ảnh đôi bàn tay của cụ Cở, nụ cười của bà Mai, tiếng dệt vải của bao bà mẹ người Mông cứ vang lên trong núi rừng hùng vĩ với những câu hát còn mãi vấn vương trên môi người thiếu nữ:
Mùa lanh về, mùa lanh về, tiếng khèn rộn rã, núi biếc rừng xanh.
Mùa lanh về, mùa lanh về nắng sớm lung linh.
Vui ngàn vui bàn tay em khéo léo nhanh nhanh để em nối sợi lanh thêm dài...
Bài, ảnh: TỐNG HOÀNG HÀ MY