Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, thôn Địa Linh nổi tiếng lâu đời với nghề nặn tượng ông Công, ông Táo. Ở Huế, mỗi gia đình đều có một ban thờ ông Công, ông Táo ở trong bếp, ngay phía trên chỗ nấu nướng. Ban thờ luôn có một bộ tượng 3 Táo quân bằng đất nung, sơn màu đỏ hoặc hồng. Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, mỗi gia đình khi làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, người dân mang tượng cũ đến để dưới gốc cây ở miếu thờ ông Công, ông Táo của thôn. Sau đó, họ mua một bộ tượng mới về để thờ với mong ước một năm mới ấm no, đủ đầy.

leftcenterrightdel
 Tượng ông Công, ông Táo khi thành phẩm.

Hiện tại, ở thôn Địa Linh chỉ còn gia đình hai anh em ruột Võ Văn Nam và Võ Văn Đức làm nghề nặn tượng ông Công, ông Táo. Chúng tôi đến gặp anh Nam đúng dịp gia đình anh đang tất bật chuẩn bị hàng cho khách. Trong nhà, ngoài sân tràn ngập màu đỏ của tượng. Lò nung cũng đỏ lửa suốt đêm ngày. Vừa đóng gói tượng, anh Nam vừa kể: “Trước kia, gần như cả thôn Địa Linh đều làm nghề nặn tượng ông Công, ông Táo, nhưng bây giờ có nhiều công việc thu nhập cao hơn nên nhiều người bỏ nghề này, chỉ còn hai anh em tôi”.

Theo lời anh Nam, gia đình anh đã theo nghề làm tượng từ nhiều đời nay. Ông bà của anh cũng không biết chính xác nghề này có từ bao giờ. Đến đời anh Nam, từ nhỏ đã giúp và tập làm tượng theo bố mẹ, đến khi lớn lên lại tiếp tục theo nghề.

leftcenterrightdel
 Vợ anh Võ Văn Nam đóng gói hàng.

Để kịp hàng phục vụ cho dịp Tết ông Công, ông Táo, từ tháng 4, 5 âm lịch, gia đình anh Nam đã phải mua đất sét và vỏ trấu để chuẩn bị làm tượng. Công việc làm tượng thường bắt đầu từ tháng 8 âm lịch. Đất sét mua về là loại đất được lựa chọn kỹ, có màu vàng đẹp, sạch tạp chất. Sau đó, đất sét được lọc lại một lần nữa và nhào cho thật mịn, thật dẻo, quánh rồi mới đổ vào khuôn gỗ. Khuôn gỗ cũng phải làm rất chi tiết, thẩm mỹ để sao cho nổi được rõ hình dáng của 3 vị Táo quân với kích thước nhỏ chỉ bằng ngón tay cái của người lớn. Sau mỗi lần đổ một tượng, người làm phải lau khuôn để đất sét không dính lại, làm mất chi tiết những tượng tiếp theo. Để tượng đẹp hơn, người thợ sẽ nặn, vuốt lại tượng một lần nữa. Sau đó, tượng được mang ra sân phơi rồi cho vào lò nung đúng 5 ngày đêm. Lò nung không đốt bằng than mà được ủ bằng vỏ trấu với mức nhiệt nhất định. Anh Nam cho biết, mức nhiệt trong lò được điều chỉnh hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm chứ không dùng máy móc. Nếu nhiệt độ cao quá tượng sẽ nứt, vỡ trong quá trình nung, còn thấp quá tượng sẽ dễ vỡ sau khi thành phẩm. Tro của trấu sau mỗi mẻ nung tượng sẽ được nghiền mịn, trộn với đất sét nặn tượng và dùng để xoa lòng khuôn đúc tượng.

Tượng ra lò được để nguội rồi sơn màu đỏ, phơi cho khô, sau đó vẽ thêm chi tiết cho tăng độ thẩm mỹ. Mỗi năm, nhà anh Nam làm được khoảng 20.000 sản phẩm, bán cho khách buôn với giá trung bình gần 1.000 đồng/sản phẩm. Với loại tượng màu hồng, được làm kỳ công thì có giá đắt hơn một chút.

Mặc dù nổi tiếng là nơi làm ra những tượng ông Công, ông Táo phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa, nhưng những người làm nghề này ở thôn Địa Linh không coi đây là nghề chính. Với những gia đình như nhà anh Nam, đây chỉ là công việc mùa vụ và họ vẫn phải làm thêm nhiều việc khác để kiếm sống. Sở dĩ, anh vẫn làm nghề này là vì muốn cố gắng giữ gìn nghề truyền thống của ông cha để lại.

Bài và ảnh: THU HÒA