Theo tài liệu khoa học “Cương Gián xưa” của cố nhà Nho, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Hồng Huy: “Trong đời sống, sinh hoạt, nghi lễ của người Cương Gián không thể thiếu vắng ca hát. Từ xa xưa, người Cương Gián thường ứng Kiều, lẩy Kiều, hát ví, giặm đối đáp với nhau mọi lúc, mọi nơi: Đất Long Cương cảnh thú/ Miền Phượng Gián vui thay/ Kẻ nông vụ cấy cày/ Người lo nghề chài lưới” (vè giặm bài “Phong thổ làng ta”). Hay từ cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, người dân nơi đây đời sống khấm khá hơn nên có vè giặm rằng: Ba buồm, một lái/ Trông về đến Lạch Kèn/ Mọi người mọi khen/ Khen ta giàu là phải/ Đất mình giàu là phải (vè giặm bài “Rùng rùng”)...

leftcenterrightdel
Ca sĩ Dương Linh Tuyết đoạt ngôi quán quân tại Cuộc thi “Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh lần thứ 25”. Ảnh: Xuân Cương. 

Từ xa xưa, xã Cương Gián nổi tiếng có tuồng Kiều Song Phượng. Song Phượng nay là thôn, làm nghề đánh cá và làm muối, nổi tiếng diễn tuồng Kiều. Tuồng Kiều Song Phượng được hình thành sau khi tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du lan tỏa vào đời sống. Người dân nơi đây từ lẩy Kiều mà sinh ra tuồng Kiều, bói Kiều... Tuồng Kiều là một loại hình nghệ thuật buộc diễn viên phải thể hiện sinh động nhiều kỹ năng: Vừa hát ví, giặm hay, vừa lẩy Kiều giỏi, vừa diễn xuất sinh động, có kịch tính... mới có khả năng chuyển tải giá trị nghệ thuật của kiệt tác “Truyện Kiều” trên sân khấu.

Ngày nay, tuồng Kiều Song Phượng đã mai một, nhưng các câu lạc bộ dân ca ví, giặm lại được duy trì và phát triển, bổ sung thêm năng lượng vào đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu âm nhạc cho người dân. Chúng tôi về Cương Gián đúng dịp NSƯT Bích Ngọc, Đoàn Văn công Quân khu 4 về bồi dưỡng cho các em trong Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Trường Trung học cơ sở Cương Gián. Chị Ngọc là con dâu của làng, là người luôn trách nhiệm, say sưa luyện tập cho các em. Theo NSƯT Bích Ngọc, các em trong các câu lạc bộ dân ca ví, giặm của làng hát rất tốt, có khả năng luyến láy ngọt ngào, có âm vực cao. Thêm vào đó, các em được thừa hưởng từ ông bà, bố mẹ cũng là những người hát ví, giặm truyền cảm, đã kèm cặp từ rất sớm nên em nào hát cũng hay.

Những năm gần đây, dòng dân ca phát triển, có nhiều cuộc thi, liên hoan lớn, nhỏ, con em xã Cương Gián cũng hăng hái tham gia dự thi và đạt kết quả cao. Giải Sao Mai năm 2009, “cô gái hoa quả” Bùi Lê Mận, người thôn Song Phượng, đã đoạt giải nhất dòng nhạc dân gian; năm 2015, Dương Linh Tuyết, người làng Cương Gián, lại về đích sau 9 vòng tranh tài để đoạt ngôi quán quân Cuộc thi “Tiếng hát truyền hình Thành phố

Hồ Chí Minh” lần thứ 25... Câu lạc bộ dân ca ví, giặm của xã Cương Gián tham gia liên hoan dân ca ví, giặm hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đoạt giải nhất toàn đoàn... Đến nay, xã có các ca sĩ như: NSƯT Bích Ngọc; ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Xuân Đông; ca sĩ Bùi Lê Mận, Dương Linh Tuyết, Diệu Thúy, Hoàng Thị Hạnh... Các ca sĩ hầu hết trúng tuyển và theo học thanh nhạc ở các trường âm nhạc có uy tín như: Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam... Nhiều em nhỏ từ 10 đến 15 tuổi đã đoạt giải trong các cuộc thi âm nhạc như: Ngọc Trâm, Vân Anh, Thu Hà, Thu Huệ...

Nhu cầu thưởng thức âm nhạc, mà đặc biệt là những làn điệu dân ca ví, giặm như khẩu phần, “cơm ăn nước uống” mỗi ngày của bà con nơi đây. Một đám cưới hay một nghi lễ bao giờ cũng có âm nhạc, nên về Cương Gián rất dễ dàng được nghe một làn điệu dân ca. Cô giáo Trần Thị Thơi, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Cương Gián cho hay: “Dân ca ví, giặm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con Cương Gián nói chung. Đặc biệt, trong nhà trường, dân ca ví, giặm đã trở thành một sân chơi ngoại khóa hấp dẫn cô và trò”. Hiện nay, tất cả các thôn ở xã Cương Gián hầu hết đều có câu lạc bộ dân ca ví, giặm và sinh hoạt đều đặn.

Dân ca ví, giặm bao đời nay đã tồn tại cùng thời gian, trở thành niềm đam mê không thể thiếu của người xứ Nghệ nói chung và các thế hệ người Cương Gián nói riêng. Trong niềm đam mê ấy, nhiều con em xã Cương Gián đã khẳng định được chất giọng, tình cảm của mình với những làn điệu dân ca. Hay như lời chia sẻ của nhạc sĩ Hoàng Xuân Đông: “Mỗi tiếng hát của con em Cương Gián đã được nuôi dưỡng, tắm mát giữa dòng dân ca mượt mà, sâu lắng để rồi thăng hoa, cất cánh. Nếu có dịp, mời bạn về với “Làng hát hay” để được yêu, cùng say đắm với những cụ già móm mém và các em nhỏ hát dân ca, để lạc vào không gian của dòng thác dân ca bất tận...”.

NGUYỄN VĂN HẠNH