Điều thú vị ở Allianz-Arena
Nơi đầu tiên tôi đến là Munich, Allianz-Arena. Dĩ nhiên nơi này đã có rất nhiều nhà báo Việt Nam đặt chân đến, nhưng không phải ai cũng chú ý đến những điều đặc biệt. Lịch sử sân vận động (SVĐ) này, số chỗ ngồi hay mặt cỏ trồng ra sao thì ai cũng biết, nhưng khi bỏ 20 ơ-rô (khoảng 500.000 đồng) vào tham quan sân, tôi mới tìm hiểu những thứ mình chưa đọc được ở đâu. Tôi hỏi người hướng dẫn viên: Sức chứa sân 69.000 chỗ, vậy số chỗ đỗ xe ô tô là bao nhiêu, và để sơ tán chừng ấy cổ động viên (CĐV) từ trong sân ra bên ngoài an toàn sẽ mất bao lâu? Anh hướng dẫn sau một hồi nói chuyện điện thoại, đã trả lời tôi rằng ở Allianz-Arena có thể đỗ 12.000 xe hơi, và hầu hết CĐV đều đi xe bus hoặc tàu điện. Còn thời gian sơ tán 69.000 người từ trong sân ra bên ngoài an toàn là 14 phút 30 giây. Tôi đáp lại, đây không phải quãng thời gian nhanh nhất, bởi nó vẫn mất nhiều thời gian hơn Veltins-Arena của Schalke. Để sơ tán 64.000 CĐV ở sân này chỉ mất 11 phút.
Tác giả trò chuyện với cổ động viên Leverkusen. Ảnh: Phan Lê
Một chi tiết đáng chú ý nữa là khả năng chiếu sáng của bề mặt ngoài sân. Ai cũng biết, Allianz-Arena có khả năng phát sáng theo màu áo đội bóng thi đấu ở đây, khi Bayern Munich thi đấu sân sẽ có màu đỏ, Munich 1860 đá là màu xanh, còn đội tuyển quốc gia Đức thi đấu nó sẽ có màu trắng. Để làm được điều đó, Allianz-Arena được hãng Philips trang bị 9.200 bóng đèn cao áp, 400.000 bóng đèn LED, được chia thành các ô hình trám với diện tích 28,7m2. Hệ thống đèn này tạo ra một lớp quang phổ màu gồm 16 triệu màu. Khi Bayern Munich ghi bàn, màu sân sẽ chuyển đỏ-trắng; khi Munich 1860 thi đấu và ghi bàn, nó chuyển xanh-trắng, và đặc biệt lúc đội Đức thi đấu ở đây và ghi bàn, ánh sáng của Allianz-Arena thay đổi 3 màu theo quốc kỳ Đức: Đen-đỏ-vàng.
Với tầm vóc câu lạc bộ (CLB), sân của Bayern thực sự là kỳ quan mà người ta vào tham quan phải mua vé với giá 20 ơ-rô (nhưng vẫn thấp hơn sân Nou Camp của Barca có giá 23 ơ-rô). Và điểm đặc biệt ở Allianz-Arena là bên ngoài chỉ có shop đồ lưu niệm của sân, fanshop của Bayern lại nằm phía trong. Chỉ khi bạn mua vé, tham quan hết khán đài, mặt sân, các phòng thay đồ, phòng kỹ thuật, y tế, phòng họp báo, đường hầm dẫn cầu thủ ra sân, phòng truyền thống, mới có thể vào fanshop của Bayern. Đó là căn phòng rộng cỡ hàng trăm mét vuông, bán đủ thứ trên đời, y như một siêu thị. Điều thú vị là khi đến đường hầm dẫn cầu thủ ra sân, Ban tổ chức sân sẽ tự động phát bản nhạc Champions League để du khách tự do đi ra sân và cảm nhận đầy đủ những cảm xúc trước mỗi trận đấu.
Bóng đá, tình yêu mãnh liệt
Đến Trung tâm Leverkusen lúc 9 giờ 50 phút, đập ngay vào mắt tôi là fanshop của CLB. Tôi vào cửa hàng để xem nó có hoành tráng như ở Bayern hay không. Thế nhưng, mới bước vào tôi đã bị một nhân viên ngăn lại. Anh ta nói rất nhã nhặn: “Xin lỗi bạn, cửa hàng chúng tôi mở cửa lúc 10 giờ”. Dù đã biết người Đức nguyên tắc và rất lịch sự, nhưng tôi thực sự bất ngờ với lời mời… “rời khỏi cửa hàng”, dù nó sẽ mở cửa chỉ sau chưa đầy 10 phút. Tôi đi ra và trở lại ga tàu để tranh thủ mua vé cho chiều về. Và rất may mắn cho tôi khi đã gặp được chuyện hay. Đứng tần ngần ở ga vài phút, tôi bắt gặp một đoàn tàu đỏ, không thấy nhiều cửa lên xuống như tàu thường. Những toa tàu lại mở cửa sổ và tiếng nhạc, tiếng la hét ầm ĩ vọng xuống. Khi vẫn còn đang ngạc nhiên, tôi thấy rất nhiều người thò đầu qua cửa sổ, gọi tôi đến để… bắt tay, uống bia với họ. Hóa ra, đoàn tàu này chở các CĐV Leverkusen trở về sau chuyến đi đến London (Anh) cổ vũ đội nhà thi đấu với Tottenham Hotspur trong khuôn khổ vòng bảng Champions League. Trận đó Leverkusen thắng 1-0 trên sân khách và các CĐV đã đi cả đêm trên tàu, họ uống bia, hát hò, nhảy múa suốt chục tiếng đồng hồ.
Không chỉ tôi mà bất kỳ ai có mặt ở sân ga lúc đó đều được gọi tới bắt tay, chia sẻ từng ngụm bia, chia sẻ niềm vui chiến thắng với các CĐV. Tranh thủ hỏi chuyện một CĐV trẻ-anh bạn CĐV Leverkusen nắm tay tôi rất chặt, nói mà như hét bằng thứ tiếng Anh lơ lớ: “Cả đêm qua đoàn tàu không ngủ. Chúng tôi sung sướng. Leverkusen. Leverkusen”.
Quay trở về Munich, nơi tôi ở vào ngày Bayern thi đấu. Những chiếc xe hơi, những ngôi nhà đều treo cờ CLB Bayern. Họ không tụ tập ở những quán ăn, quán cà phê, mà họ đến SVĐ. Những CĐV không có điều kiện ra sân thì đến một quán nhỏ ở trung tâm thành phố. Họ tụ tập ở đó cổ vũ đội bóng nhưng không hề làm ồn ào, đập phá, quá khích, thậm chí những người đi ngang qua nếu không thấy vài người khoác áo, cờ của CLB chắc không biết đây là nơi các CĐV cổ vũ cho CLB. Hỏi ra mới biết, rất ít người mua bản quyền xem giải đấu. Phần lớn những CĐV chân chính họ đều muốn đến tận SVĐ. Nếu không vào được sân thì cũng đứng ngoài… hóng. Đó thực là tình yêu bóng đá chân chính. Việc mua vé sát ngày thi đấu là điều gần như bất khả thi. Cũng có trường hợp phe vé, nhưng rất ít và giá rất đắt, có thể gấp 5 đến 10 lần giá niêm yết.
Với tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, bóng đá Đức thực sự là mô hình khép kín hoàn hảo. Ở đó, tình yêu bóng đá chính là nền tảng để nuôi sống, duy trì hoạt động của cả nền bóng đá Đức.
LÊ GIANG