“Cô hãy về nước của cô đi!”

Sinh năm 1970 tại Đắc Lắc, năm 1991, Thục Quyên cùng gia đình sang định cư

tại Mỹ. Bắt đầu với hai bàn tay trắng, cả gia đình chị gặp phải vô vàn khó khăn.

Thậm chí, thời gian đầu, các anh chị em của Thục Quyên nhất định đòi về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và phong tục tập quán Mỹ. Bản thân chị, với vốn tiếng Anh bằng 0, từng rơi vào không ít chuyện bi hài.

Một lần, Thục Quyên nhìn thấy quảng cáo tuyển lái xe tải. Lúc ấy, chị có một chiếc xe tải nhỏ chuyên chở đồ từ thiện cho những người Việt mới sang Mỹ. Thế là chị tự tin lái xe đi xin việc. Tới nơi, mọi người cười ồ lên khi biết rằng, Thục Quyên đã nhầm lẫn từ “truck” (xe tải hạng nặng) với chiếc xe tải nhỏ của chị. Xấu hổ quá, Thục Quyên bỏ đi thật nhanh.

Lần khác, một người bạn rủ Thục Quyên đi trượt băng. Trời mùa đông rất lạnh, vì thế, anh ta gọi điện dặn chị nhớ đi tất (socks). Thục Quyên lại nghe ra thành quần soóc (shorts). Đến sân băng, chị cởi áo khoác ra, anh bạn cười phá lên vì sự hiểu nhầm. Kết cục, Thục Quyên đành phải mặc cả áo khoác để trượt băng.

leftcenterrightdel
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Santa Barbara 

Năm 1993, Thục Quyên nộp đơn xin vào Đại học San-ta Mô-ni-ca (Santa Monica). Chị bị từ chối vì tiếng Anh kém. Chị đã năn nỉ nhà trường cho học thử một kỳ và hứa nếu không học được sẽ trở về trường trung học để học thêm tiếng Anh. Ở trường học, có những giáo viên thường xuyên chế nhạo Thục Quyên nói tiếng Anh quá kém. Thậm chí, một người còn nói thẳng: “Cô hãy về nước của cô đi!”.

Tủi thân vì bị nhiều người kỳ thị, nhưng đó lại chính là động lực để Thục Quyên quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký ở ba trường trung học tại ba thành phố. Ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí. Kết quả, trong một thời gian rất ngắn, vốn tiếng Anh của Thục Quyên đã đủ để trường San-ta Mô-ni-ca chính thức nhận chị vào học.

Bắt đầu bằng việc… rửa ống nghiệm

Để có tiền theo học đại học, Thục Quyên xin làm thêm trong thư viện trường từ 17 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Đến năm 1995, chị chuyển lên Đại học Ca-li-pho-ni-a (California). Tại đây, Thục Quyên xin làm nghiên cứu nhưng không có phòng thí nghiệm nào nhận. Thế là, con đường vào phòng thí nghiệm của chị bắt đầu bằng việc xin làm công việc rửa dụng cụ.

Chỉ trong vòng 2 năm, Thục Quyên đã tốt nghiệp Đại học Ca-li-pho-ni-a với bằng Hóa học. Ngay lập tức, chị nộp đơn học cao học. Chỉ trong một năm, trong tay Thục Quyên đã có tấm bằng thạc sĩ ngành Lý-Hóa. Không dừng lại, chị quyết định học tiếp tiến sĩ. Kết quả, năm 2001, Thục Quyên trở thành một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc nhất của Đại học Ca-li-pho-ni-a. Thục Quyên nhận bằng tiến sĩ trước cả những sinh viên mà chị từng rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ trước đây. Khi đang còn là nghiên cứu sinh, năm 2000, Thục Quyên đã được trao tặng hai giải thưởng quốc tế “Graduate Student Award” dành cho những nhà khoa học trẻ tuổi xuất sắc.

Cũng trong năm 2001, Thục Quyên nhận được giải thưởng của liên bang đi tu nghiệp ở phòng thí nghiệm quốc gia nhưng chị từ chối. Sau đó, chị làm việc tại một số trường đại học và trung tâm nghiên cứu như: Đại học Cô-lum-bi-a (Columbia), Trung tâm Nghiên cứu Thô-mát Oát-sơn (Thomas J Watson) của Tập đoàn IBM, Đại học Ca-li-pho-ni-a… Hiện tại, Thục Quyên làm việc tại Khoa Hóa-Sinh, Đại học San-ta Ba-ba-ra (Santa Barbara).

Tại Đại học San-ta Ba-ba-ra, GS Thục Quyên luôn được đánh giá là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất. Chị đã gây chú ý với giới khoa học nhờ công trình phẫu thuật mã hóa màu, tức là tiêm một loại chất đặc biệt để các tế bào ung thư phát sáng, giúp xác định chính xác vị trí để chữa trị hoặc giải phẫu cắt bỏ. Phương pháp mã hóa màu cũng được sử dụng trong các loại phẫu thuật khác để giúp bác sĩ tránh vô tình làm tổn thương dây thần kinh của bệnh nhân. Bên cạnh giải thưởng là một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới ngành khoa học vật liệu, Thục Quyên còn nhận nhiều giải thưởng lớn khác. Trong đó, nổi bật nhất là giải thưởng của Quỹ học bổng nghiên cứu danh tiếng Alfred Sloan. Giải thưởng này được trao cho công trình nghiên cứu hóa học của Thục Quyên về các chất nhựa bán dẫn hữu cơ dẫn điện và hấp thụ ánh sáng. Ngoài ra, Thục Quyên còn nhận được một giải thưởng rất “đáng yêu” của Tạp chí điện tử Business Insider-chị đứng thứ 11 trong tốp 50 nhà khoa học quyến rũ nhất thế giới.

TRẦN LONG