QĐND - Ngày 10-10-2010, tôi về nhận công tác tại Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh, Báo Quân đội nhân dân. Một tuần sau, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, sáng 17-10-2010, tôi được giao nhiệm vụ cùng nhóm phóng viên gồm: Vũ Phúc Thắng, Báo Quân đội nhân dân điện tử; Đỗ Mạnh Hưng, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính; Đinh Trọng Hải, Ban Ảnh và lái xe Phùng Văn Hùng, cơ động ngay vào vùng lũ ở Nghệ An và Hà Tĩnh, phối hợp với anh Trần Hoài, phóng viên Báo Quân đội nhân dân thường trú tại Quân khu 4, để tuyên truyền về công tác phòng, chống lụt bão và khắc phục hậu quả thiên tai nơi đây.

Nhận nhiệm vụ, chúng tôi nhanh chóng làm công tác chuẩn bị. Ngoài quân tư trang, chúng tôi còn mang theo áo phao, mì tôm, nước lọc và máy nổ, bóng điện… Hiểu được công việc của phóng viên nên đồng chí Phùng Văn Hùng cho xe chạy ngược gió, xuyên mưa, liên tục không nghỉ để đưa nhóm phóng viên vào vùng lũ. Đến TP Vinh (tỉnh Nghệ An) khoảng 16 giờ ngày 17-10-2010, chúng tôi chia thành hai “cánh quân”. Tôi cùng Đỗ Mạnh Hưng đi xe ô tô khách vào Hà Tĩnh, tác nghiệp trên địa bàn dọc theo tuyến Quốc lộ 1; các đồng chí: Vũ Phúc Thắng, Đinh Trọng Hải và Phùng Văn Hùng cơ động đến huyện Vũ Quang, phối hợp với đồng chí Trần Hoài ở đó.

Khoảng 18 giờ ngày 17-10, chúng tôi có mặt tại thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Trên tuyến Quốc lộ 1A và 8A, các loại phương tiện không thể lưu thông được do nhiều đoạn đường bị nước ngập sâu, có nơi ngập gần 2m. Không thể đi được, chúng tôi tiếp tục bắt xe ôm đến Ban CHQS thị xã Hồng Lĩnh để nắm tình hình và nhờ đơn vị đưa đi cơ sở lấy thông tin để kịp thời tuyên truyền về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.

Phóng viên Đỗ Mạnh Hưng vừa tác nghiệp, vừa giúp đỡ nhân dân tại vùng lũ huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An).

Lúc này, mưa mỗi lúc một nặng hạt, khiến cho mực nước ở các điểm ngập úng dâng cao rất nhanh. Việc sơ tán người và tài sản của nhân dân nơi vùng lũ càng phải gấp rút hơn bao giờ hết. Trừ lực lượng trực tại trụ sở, hầu hết cán bộ, nhân viên Ban CHQS thị xã Hồng Lĩnh đều có mặt tại các điểm nóng, giúp nhân dân chạy lũ. Từ trung tâm thị xã Hồng Lĩnh đến xã Thuận Lộc 3km, nhưng chúng tôi phải mất gần 1 giờ, đi bằng nhiều phương tiện mới tới nơi. Hầu hết nước đã ngập tràn trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo, chính quyền địa phương và cơ quan quân sự, công an đang tất bật tập trung chỉ đạo các lực lượng tổ chức di chuyển người và tài sản của nhân dân. Do nơi vùng lũ không có điện nên sau khi lấy xong tư liệu, chúng tôi lại phải tức tốc về doanh trại Ban CHQS thị xã Hồng Lĩnh để viết bài. Chúng tôi quên cả việc cơm nước, viết liền mạch đến gần 22 giờ để kịp gửi về tòa soạn.  

Hôm sau, vừa giao ban tòa soạn xong, Đại tá Phùng Kim Lân, khi đó là Trưởng phòng biên tập Quốc phòng-An ninh (nay là Phó tổng biên tập Báo QĐND) gọi điện định hướng cho chúng tôi về những nội dung lấy tin, bài. Anh cũng không quên chuyển lời biểu dương của các đồng chí trong Ban biên tập về sự cố gắng của nhóm phóng viên đã kịp thời thông tin về hoạt động giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt của LLVT địa phương. Sự động viên kịp thời đó đã tiếp thêm nghị lực, giúp chúng tôi thêm hăng hái, khắc phục mọi khó khăn để tác nghiệp trong vùng rốn lũ.

Ngày hôm sau (18-10-2010), nhận được thông tin chiếc xe khách mang biển kiểm soát 48K-5868 bị nước cuốn trôi xuống sông Lam tại khu vực xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi đi xe ôm cơ động đến hiện trường để phản ánh hoạt động của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 tìm kiếm người và phương tiện bị nạn. Do mưa lớn, nước sông lên cao nên công việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 21-10-2010, sau khi tìm kiếm, xác định được vị trí, các lực lượng tổ chức trục vớt chiếc xe khách 48K-5868 bị nạn trên dòng sông Lam. Hôm đó, trời nắng nóng và oi nồng. Sáng sớm, Ban biên tập giao cho tôi và phóng viên Mạnh Hưng, ngoài việc viết bài tường thuật cuộc trục vớt đăng trên báo in còn phải cập nhật các thông tin, hình ảnh trên Báo QĐND điện tử. Để kịp thời thông tin đến độc giả, hai chúng tôi mỗi người một việc; người chụp ảnh, ghi chép thông tin tại thực địa, người đánh máy bài gửi về tòa soạn. Có những lúc, chúng tôi phải liên tục cơ động đến các vị trí vớt thi thể nạn nhân để chụp ảnh, lấy thông tin. Chia sẻ với những khó khăn của chúng tôi, phóng viên Phạm Hoàng Hà, Báo QĐND điện tử trực tại tòa soạn vừa gọi điện lấy thông tin trực tiếp trên điện thoại vừa đánh máy… Nhờ đó, mọi diễn biến của buổi trục vớt người và chiếc xe bị nạn đều được đăng tải kịp thời trên Báo QĐND điện tử. Tính đến thời điểm đó, đây là sự kiện được đánh giá có nhiều người truy cập nhất từ khi Báo QĐND điện tử ra đời.

Gần 5 năm trôi qua, với tôi, những ngày tác nghiệp trong vùng “rốn lũ” ngày nào tuy gặp khó khăn, vất vả, nhưng kỷ niệm đó luôn là bài học quý, một trải nghiệm thực tế rất ý nghĩa, giúp cho những phóng viên chiến sĩ như tôi hình thành phương pháp, tác phong làm báo chuyên nghiệp và ngày càng trưởng thành.

Bài và ảnh: HỒNG KHÁNH CHI