QĐND Online - Tôi có thời gian hơn 10 năm ở đất nước Chùa tháp (1979-1989) với rất nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm khó quên nhất là về bà mẹ Campuchia. Tháng 3-1979, tôi ở Đoàn 5503, Mặt trận 579 và là chuyên gia tại xã Căn Chàm, huyện Tha La, tỉnh Stung Treng. Nhờ tự học, tôi đã có thể nói thông thạo tiếng Khơ-me và giao tiếp tốt với người dân địa phương. Cũng trong thời gian này, tôi có quen một bà mẹ Campuchia. Bà xem tôi như con ruột trong gia đình. Mẹ có 2 người con: Con trai lớn làm giáo viên tiểu học và cô con gái nhỏ có tên là Ny lúc đó chừng 11-12 tuổi. Hằng ngày, Ny đều mang một đĩa bánh ram do tự tay mẹ làm vào phòng làm việc của tôi. Thỉnh thoảng mẹ lại mời tôi về ăn cơm cùng gia đình.

Anh Trịnh Thanh Sáu (thứ từ trái qua) cùng các cựu chiến binh Đoàn 5503, Mặt trận 579 tại Đà Nẵng

Nhiều lúc, tôi khuyên mẹ nên chuyển nhà vào thị xã để cuộc sống được thuận tiện hơn, nhưng mẹ đều từ chối. Sau này, một dịp có cơ hội làm việc với lãnh đạo địa phương, tôi đặt vấn đề xin một miếng đất cho mẹ. Cả gia đình mẹ sau đó đã chuyển nhà và có cuộc sống ổn định hơn.

Thời gian cứ thế trôi cho tới ngày có người đến dạm hỏi Ny, mẹ quyết định chờ tôi đi công tác ở Lào về mới quyết định. Vừa về tới nhà, mẹ mừng rỡ chạy lại ôm tôi và nói: "Trong thời gian con đi công tác, có người đến dặm hỏi em gái con, nhưng mẹ vẫn chưa quyết định mà chờ ý kiến của con”. Tôi xúc động, bất ngờ khi mẹ xem tôi như người anh cả trong gia đình. Sau một lúc mẹ năn nỉ, tôi đã đồng ý và hỏi thăm về con rể tương lai của mẹ. Người đó tên là Mâu và là nhân viên bưu điện tỉnh. Tôi chợt nhớ ra đó là cán bộ khá hiền lành đã có lần đi công tác ở cơ sở với tôi. Một tuần sau, lễ ăn hỏi của đôi trẻ diễn ra. Tôi vinh dự khi người lính tình ngyện Việt Nam được tham gia cùng gia đình dự lễ cưới theo phong tục nước bạn.

Gần 30 mươi năm sau tôi có dịp trở lại Campuchia. Khi đang đứng bên dòng sông Tôn Lê Sáp nhìn về phía huyện Tha La, nơi tôi từng sinh sống, bỗng nhiên có cô bé xuất hiện và ôm chầm lấy tôi. Cô gái chừng 23-24 tuổi và gọi tôi là bác Sáu. Tôi đang ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện thì cô gái thưa: "Con là con của má Ny đây".

Biết tin mẹ đã mất sau một cơn bạo bệnh, tôi rất buồn, nhưng trong lòng vẫn vui vì biết mẹ đã dạy bảo, giáo dục con cháu không quên những người lính tình nguyện Việt Nam từng hy sinh xương máu giúp đất nước Chùa Tháp được hồi sinh.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

(Ghi theo lời kể của anh Trịnh Thanh Sáu, Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng)