QĐND Online – “Đặc biệt tinh nhuệ; anh dũng tuyệt vời; mưu trí táo bạo; đánh hiểm thắng lớn”, là truyền thống được viết nên bằng mồ hôi, xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công qua 47 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ đội Đặc công có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết; tác chiến cả trên bộ, trên biển, từ trên không… Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Tư lệnh Binh chủng Đặc công đã chia sẻ với phóng viên Báo QĐND Điện tử như vậy, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
 |
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình động viên nữ chiến sĩ đặc công trong một buổi trình diễn võ thuật. Ảnh: Hoàng Hà
|
Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, đồng chí có thể chia sẻ đôi nét về sự hình thành cũng như những nét đặc sắc trong tác chiến của Bộ đội Đặc công?
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Binh chủng Đặc Công được thành lập ngày 19-3-1967, tại Trường Bổ túc cán bộ dân tộc Trung ương ở xã Phùng Khoang, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Đảng, Nhà nước và Quân đội tới thăm, xem Bộ đội Đặc công trình diễn kỹ thuật, chiến thuật và dự Lễ công bố chính thức thành lập Binh chủng Đặc công. Tại buổi lễ, Bác Hồ đã trực tiếp huấn thị cán bộ, chiến sĩ đặc công: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt… Cái gì cũng đặc biệt đối với đặc công, chữ đặc biệt quán xuyến tất cả, từ lúc đi đánh cũng như lúc về… Mưu trí phải đặc biệt linh hoạt. Kỹ thuật phải đặc biệt huấn luyện thuần thục. Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc… Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh… Nội bộ phải đặc biệt đoàn kết… Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được”.
Binh chủng Đặc công thành lập năm 1967, nhưng cách đánh đặc công có từ rất sớm trong lịch sử, là sự kế thừa phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc ta; là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật "Ngày thì ẩn náu, đêm đem quân ta đánh úp" của Triệu Quang Phục (Thế kỷ VI); là lối đánh tập kích bằng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ, thiện chiến của đội quân nhà Trần (Thế kỷ VIII); là cách đánh bí mật lọt vào căn cứ thủy quân, dùng chất cháy đốt thuyền và lặn xuống nước đục thuyền, tiêu diệt quân Nguyên của tướng Yết Kiêu... Cách đánh đặc công tiếp tục được phát triển rộng khắp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ở Bắc Bộ, các chiến sĩ chuyên đánh đồn đã dùng lối đánh đặc công, tiến công các mục tiêu căn cứ quân sự sâu trong hậu phương của địch đạt hiệu suất cao, như trận tập kích sân bay Gia Lâm (đêm 4-3-1954) của bộ đội Hà Nội; trận tập kích sân bay Cát Bi, Hải Phòng (đêm 7-3-1954) của bộ đội Kiến An (Hải Phòng)... Có thể nói, tinh hoa của lối đánh du kích đã được bổ sung và phát triển, trở thành lối đánh đặc sắc của Binh chủng Đặc công hiện nay.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ đội Đặc công có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Trước đây, đặc công có thể hoạt động trên địa bàn rừng núi, đô thị, đồng bằng hay trên sông biển, đánh vào sân bay, kho xăng, doanh trại, tàu biển của địch... thì hiện nay, Bộ đội Đặc công có thể nhảy dù từ trên máy bay, tập kích nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ ngay trong lòng địch. Như vậy có thể nói, cho đến thời điểm hiện nay, Đặc công Việt Nam có thể tác chiến thuần thục ở mọi điều kiện thời tiết, thời gian; trên nhiều phạm vi không gian, cả trên không, trên bộ, và dưới nước…
 |
Một trong những nội dung được Bộ đội Đặc công chú trọng là huấn luyện võ thuật. Ảnh: Hoàng Hà. |
PV: Với cách đánh thể hiện sự mưu trí, táo bạo, anh dũng như vậy, Bộ đội Đặc công đã giành thắng lợi giòn giã trong nhiều trận đánh, chiến dịch lớn. Đồng chí Tư lệnh có thể điểm qua một vài thành tích tiêu biểu của Đặc công Việt Nam?
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Trải qua 47 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, Bộ đội Đặc công đã nhận và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao. Nhiều chiến công tiêu biểu, nhiều thành tích xuất sắc đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đặc công lập nên.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Bộ đội Đặc công đã sử dụng một lực lượng lớn gồm 1 trung đoàn, 2 đoàn, 21 tiểu đoàn, 58 đội, nhiều cụm biệt động, hàng trăm trung đội và tiểu đội. Bộ đội Đặc công là lực lượng mũi nhọn, tiến công sắc bén vào các cơ quan đầu não, cơ sở vật chất hậu cần và phương tiện giao thông quan trọng của địch trong nội đô Sài Gòn, Huế. Ở các tỉnh, thành phố, thị xã khác, đặc công làm mũi nhọn tiêu diệt các tiểu khu, chi khu, quận lỵ, sở chỉ huy các cấp... cùng các lực lượng khác tiến công các sân bay, phá hủy các tổng kho, hệ thống giao thông thủy, bộ, làm tê liệt mọi hoạt động tiếp tế của Mỹ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Đặc Công có 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, 6 tiểu đoàn, 11 đại đội và nhiều tổ biệt động nội tuyến Sài Gòn, thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm trước 14 cây cầu và một số căn cứ địch, án ngữ trên các trục đường tiến vào Sài Gòn, Vũng Tàu; bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, vít chặt sông Lòng Tàu; đặc công biệt động đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong, phối hợp với các cánh quân chủ lực tiến công từ ngoài vào hỗ trợ quần chúng nổi dậy ở một số khu vực nội đô Sài Gòn. Bộ đội Đặc công đã chiến đấu dũng cảm, đánh chiếm cầu Gềnh, cầu Sáng, cầu Rạch Chiếc, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng nha cảnh sát và khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn...
 |
Bộ đội Đặc công đổ bộ đường không chống khủng bố. Ảnh: Hoàng Hà. |
PV: Ngày nay, tác chiến công nghệ cao đã trở nên phổ biến. Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về khả năng tác chiến của Bộ đội Đặc công trong điều kiện mới?
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình: Trong tác chiến, nếu địch sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao tất nhiên sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến phương thức tác chiến cũng như cách đánh của Bộ đội Đặc công. Tuy nhiên, chúng tôi có những cách thức đối phó hiệu quả với thủ đoạn tác chiến công nghệ cao của địch, để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chúng ta biết rằng, địa hình của Việt Nam đa dạng, có đồng bằng, trung du, rừng núi, sông suối, biển khơi; có nhiều dạng thời tiết khác nhau, trong đó có sương mù… Đó là điều kiện thuận lợi để Bộ đội Đặc công triển khai nhiều lối đánh đặc sắc, vừa bảo đảm được bí mật, bất ngờ, vừa đạt hiệu quả cao, vừa bảo toàn được lực lượng. Đặc biệt, đặc công của chúng ta đánh đêm là chủ yếu. Đánh vào thời gian này, ta hạn chế rất nhiều khả năng quan sát của đối phương... Về mặt trang bị, đơn cử nếu địch có phương tiện nhìn đêm, thì Bộ đội Đặc công có cách đánh và có phương tiện hạn chế được khả năng quan sát đêm của địch.
Một điểm đáng chú ý khác, là cũng như các lực lượng khác, trong những năm qua, Bộ đội Đặc công được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm đã đầu tư trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị tương đối hiện đại, đảm bảo yêu cầu tác chiến của Bộ đội Đặc công.
Mặt khác, Binh chủng Đặc công là một trong những lực lượng được ưu tiên tuyển chọn con người, đặc biệt là sức khỏe, phẩm chất chính trị, đạo đức. Đó là một trong những thuận lợi cơ bản trong xây dựng nguồn nhân lực của đặc công.
 |
Bộ đội đặc công huấn luyện nhảy dù. Ảnh: QĐND Online. |
Tiếp đó, Binh chủng không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ tổng hợp, khả năng SSCĐ của Bộ đội Đặc công. Trong quá trình rèn luyện và huấn luyện, chúng tôi coi trọng thực hiện mục tiêu huấn luyện giỏi về kỹ thuật cá nhân, đặc biệt phải tinh thông các kỹ thuật luồn sâu, leo trèo, vận động… Cùng với tác chiến cá nhân tốt, chúng tôi coi trọng huấn luyện phối hợp chiến đấu trong các tổ, nhóm. Trong huấn luyện, chúng tôi lấy trọng tâm là huấn luyện thể lực, võ thuật, bắn súng. Ngoài ra, quá trình huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật phải bảo đảm cho bộ đội không chỉ nắm chắc, thuần thục kỹ thuật, chiến thuật đặc công mà còn phải biết kỹ thuật, chiến thuật bộ binh và kỹ thuật, chiến thuật của các quân, binh chủng khác; biết sử dụng thành thạo, hiệu quả các loại vũ khí, trang bị hiện có của ta và một số vũ khí, trang bị của địch để đánh địch.
Với bản lĩnh chính trị, tâm lý vững vàng, kỹ thuật chiến đấu thuần thục, người chiến sĩ đặc công sẽ bước vào trận chiến với lòng tin vào bản thân, tin tưởng vào vũ khí trang bị của mình, tin tưởng cấp trên, tin tưởng sự che chở, giúp đỡ của nhân dân và các lực lượng khác. Do vậy, tôi tin tưởng cán bộ, chiến sĩ đặc công luôn luôn ở tư thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn thách thức, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tư lệnh!
HOÀNG HÀ-VĂN PHONG (thực hiện)