QĐND - Tại buổi gặp mặt, giao lưu “Phát huy truyền thống 70 năm Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam anh hùng” do Báo Nhân Dân phối hợp với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức ngày 9-12, chúng tôi được gặp những cán bộ đã đi qua các cuộc chiến tranh, nhiều nhân chứng lịch sử và cả các chiến sĩ trẻ. Mỗi câu chuyện, ký ức của họ như mạch nguồn chảy mãi, không chỉ gắn với chiến công, mà còn toát lên tinh thần gan dạ, dũng cảm quên mình trong chiến đấu, vì khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc…
Từ nhân dân mà ra
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) ra đời. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, 34 chiến sĩ giơ tay đồng thanh hô "Xin thề!", khi đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc “Mười lời thề danh dự”. Bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có đoạn: “Chúng ta sẽ vạch rõ cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc”.
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự đùm bọc, chở che và nuôi dưỡng của nhân dân; sự đoàn kết, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kế thừa và phát huy truyền thống quân sự của dân tộc, Quân đội ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Điều này được đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh tại buổi gặp mặt, giao lưu: “Những chiến công vang dội, hiển hách trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc, là biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
 |
Các đại biểu trao đổi bên lề buổi gặp mặt, giao lưu. |
Bản chất “Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu” được minh chứng sâu sắc qua câu chuyện của CCB, Trung tá Nông Văn Khái, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hòa An (Cao Bằng). Ông Khái nhớ lại: “Khi đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, nguyên vật liệu cung cấp cho Công binh xưởng ở căn cứ Lam Sơn (huyện Hòa An, Cao Bằng) như: Thùng sắt, cuốc, xẻng, nồi đồng, chảo gang, dao hỏng, liềm gãy…, đều do nhân dân trong vùng mang đến ủng hộ”.
Làn sóng cách mạng ở Cao Bằng khi ấy ngày một dâng cao, thực dân Pháp ra sức đàn áp, tăng cường xây dựng hệ thống đồn bốt xung quanh các căn cứ cách mạng, hòng thị uy, bắt bớ, giết hại cán bộ cách mạng. Những thủ đoạn, tội ác dã man của chúng không làm lung lay lòng trung thành và ý chí của nhân dân. Trong ký ức của anh nuôi Nông Văn Khái, cuộc sống của bà con còn nghèo và rất thiếu thốn, nhưng bà con luôn dành cho bộ đội những thứ tốt nhất để bộ đội có thêm sức mạnh đánh giặc ngoại xâm.
Bản lĩnh, trí tuệ Bộ đội Cụ Hồ
Trong chiến đấu, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam sẵn sàng đối diện với hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh với mong muốn đất nước được hòa bình, dân tộc được độc lập, tự do. Câu chuyện của Anh hùng LLVT nhân dân, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân càng khắc họa rõ nét tinh thần gan dạ, dũng cảm của những người lính đặc công Đoàn 126 (Quân chủng Hải quân). Từ năm 1966 đến năm 1972, Đoàn 126 đã tham gia 5 chiến dịch; đánh hơn 300 trận, loại khỏi đội hình chiến đấu hàng nghìn binh lính địch; đánh chìm và phá hủy 372 tàu chiến, tàu vận tải, hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy...
Còn với Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Nguyễn Thành Trung thì để làm nên chiến thắng vẻ vang, ngoài tinh thần gan dạ, dũng cảm, cần phải rất mưu trí, sáng tạo. Những cảm xúc chiến công của ông vẫn còn nguyên vẹn khi trong “vỏ bọc” phi công chiến đấu của Không lực Việt Nam cộng hòa, ông đã thực hiện trận tập kích xuống Dinh Độc Lập ngày 8-4-1975 . Theo đó, phi đội Thần hổ F5E (Phi đoàn 540) được lệnh cất cánh đi ném bom ở phía tây Phan Rang. Sau bao năm nghiền ngẫm, tính toán, phi công Nguyễn Thành Trung đã đánh lừa địch và cất cánh rời đường băng Biên Hòa, bay thẳng về Sài Gòn với 4 quả bom MK82 và hai tên lửa AIM, cùng 560 viên đạn 20mm. Đúng 8 giờ 15 phút, từ máy bay, Nguyễn Thành Trung đã ném hai quả bom MK82 xuống Dinh Độc Lập, rồi điều khiển máy bay đánh thẳng vào kho xăng Nhà Bè của địch. CCB Nguyễn Thành Trung cho biết: “Chỉ có bộ đội Việt Nam, Quân đội Việt Nam mới huấn luyện, điều khiển máy bay F5E chiến đấu và hạ cánh trong điều kiện đường băng dài chưa đầy 1km (trong khi đó tiêu chuẩn đường băng của lại máy bay này là 3km) và bay cao cách mặt đất 10m. Đó là bản lĩnh, trí tuệ của Bộ đội Cụ Hồ”.
Câu chuyện của Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh gợi nhớ một thời hào hùng, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước với tinh thần “Mở đường mà đi, đánh địch mà tiến”. Thiếu tướng Võ Sở cho biết: “Bộ đội Trường Sơn được giao nhiệm vụ vận chuyển vật chất kỹ thuật từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Bất chấp đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn không quân, hải quân, bộ binh đánh phá, ngăn chặn, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chỉ đạo mở đường Trường Sơn với 5 trục dọc, 21 trục ngang, với tổng chiều dài hơn 2000 km đường bộ, đường nối, đường vòng, đường tránh đến từng chiến trường. Trong 16 năm liên tục, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, hàng nghìn mét khối xăng dầu, bảo đảm hàng triệu quân bổ sung cho chiến trường và chuẩn bị vật chất kỹ thuật cho chiến dịch lớn. Đã có hơn 2 vạn chiến sĩ bộ đội Trường Sơn hy sinh, 3 vạn thương binh và hàng vạn người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; tất cả để góp phần giữ vững huyết mạch giao thông, bảo đảm cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những con người, chiến công đó minh chứng thêm cho khẳng định của Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT tại buổi gặp mặt, giao lưu: “70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dù trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”.
Mạch nguồn chảy mãi
Cùng với dòng chảy thời gian, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ngày càng được phát huy và tô thắm trong thời kỳ mới, dù đó là nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ hay giúp dân phòng, chống thiên tai, bão lụt… Đại tá Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 luôn ý thức và nêu cao trách nhiệm trong việc giữ gìn, trau rèn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phát huy tốt vai trò các tổ chức trong đơn vị, quan tâm, bồi dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ và phương pháp, tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị trong tình hình mới”.
Thượng tá Tạ Minh Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 236 (Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ) phát biểu, chia sẻ: “Tự hào về truyền thống của QĐND Việt Nam anh hùng, lớp lớp các thế hệ nối tiếp càng thấy rõ trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 236 nguyện tiếp tục phấn đấu, vươn lên làm chủ VKTBKT, thực hiện “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.
Phát biểu bế mạc buổi giao lưu, gặp mặt, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT khẳng định: “Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới, toàn quân tiếp tục quán triệt, nắm vững mục tiêu, quan điểm, tư tưởng, phương châm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ, khả năng SSCĐ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh”.
Buổi gặp mặt, giao lưu “Phát huy truyền thống 70 năm QĐND Việt Nam anh hùng” kết thúc trong niềm xúc động, lưu luyến. Những nhân vật, câu chuyện, ký ức tại buổi giao lưu không chỉ làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ thế hệ trẻ viết tiếp chiến công trong trang sử truyền thống hào hùng của Quân đội anh hùng.
Bài và ảnh: TUẤN MINH