QĐND Online - Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là chiến dịch đầu tiên của liên quân Việt - Lào nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm mùa mưa của quân phái hữu Lào và quân đội Thái Lan, bảo vệ vùng mới giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc Lào, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở chiến trường Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên. Về phía địch, sau chiến dịch tiến công của ta (tháng 4 năm 1972), địch tổ chức bố trí lực lượng trên 4 khu vực phòng thủ bao quanh Cánh đồng Chum: Khu vực Sảm Thông-Long Chẹng có 18 tiểu đoàn (10 tiểu đoàn Thái Lan); khu vực buôn Lọng có 5 tiểu đoàn; khu vực Tôm Tiêng-Pha Đông có 9 tiểu đoàn (2 tiểu đoàn lính Thái Lan); khu vực Sa la Phu Khun có 9 tiểu đoàn. Pháo binh địch có 3 tiểu đoàn (16 khẩu), không quân tại Long Chẹng có 2 phi đội máy bay T28 (9 chiếc). Tính đến ngày 20 tháng 5 năm 1972, lực lượng địch ở Quân khu 2 (Lào) có 76 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo binh.

Về phía ta, Quân ủy Trung ương ta và bạn Lào đã có chủ trương và thông báo cho Bộ tư lệnh chiến dịch biết: Sau chiến dịch tiến công, lực lượng ta sẽ chuyển sang phòng ngự chiến dịch; Bộ tư lệnh chiến dịch đã quán triệt chủ trương của trên, nên đã có ý định chuẩn bị trước ngay sau chiến dịch tiến công giải phóng Cánh đồng Chum và tiến sâu vào khu vực Sảm Thông-Long Chẹng. Liên quân Việt-Lào quyết định chủ động mở chiến dịch phòng ngự nhằm đánh bại địch lấn chiếm lại trong mùa mưa năm 1972, đồng thời bảo vệ sườn phải cho cuộc tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Trị Thiên.

Đầu tháng 4, Bộ tư lệnh nhận nhiệm vụ triển khai chuẩn bị chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: Tư lệnh chiến dịch Vũ Lập, Chính uỷ Lê Linh. Địa bàn chiến dịch phòng ngự được tổ chức tại khu tứ giác Mường Sủi - Noọng Pét - thị xã Xiêng Khoảng - Thẩm Lửng (dài 60km, rộng 50km), được chia thành 5 khu vực: Khu trung tâm (Cánh đồng Chum), khu trung gian (Hin Tặng), khu thứ yếu (Noọng Pét) và 2 khu tác chiến phối hợp (Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng); mỗi khu vực có một số cụm chốt. Lực lượng tham gia phòng ngự gồm: 5 trung đoàn bộ binh (174, 148, 866, 335 và 88), 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo và súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh của quân tình nguyện Việt Nam; 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội bộ đội địa phương của Quân giải phóng nhân dân Lào. Lực lượng tham gia chiến dịch được tổ chức thành 2 thành phần: Lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động; lực lượng phòng ngự bao gồm 2 trung đoàn bộ binh được tăng cường 1/3 lực lượng xe tăng, xe thiết giáp và 1/4 lực lượng pháo binh chiến dịch. Mỗi trung đoàn đều được tăng cường nhiều loại hỏa khí tốt, để phân thành lực lượng chốt giữ và lực lượng cơ động của các chốt và khu vực để tiến hành phản kích. Lực lượng cơ động gồm 2 trung đoàn bộ binh (đến tháng 10-1972, Bộ tăng cường cho thêm 1 trung đoàn bộ binh) và lực lượng còn lại 2/3 xe tăng và 3/4 pháo binh). Thực tế chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng diễn ra theo 4 đợt; ta thực hiện thắng lợi 3 trận then chốt, trong đó có trận then chốt quyết định.

Khẩu đội súng cối 82mm trong chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Ảnh tư liệu.

Đợt 1 (21-5/10-8), địch dùng không quân đánh phá ác liệt các điểm cao trọng yếu và trục đường giao thông, từ 25-5 mở 3 hướng tiến công vào khu trung gian, 27-5 chiếm được một số điểm tựa phía tây các điểm cao 1800, 2063, Thẩm Lửng. Ta phản kích thắng lợi ở Phu Phaxay, đẩy lui cánh quân hướng đông nam về Tôm Tiếng (6-6), khôi phục lại trận địa ở điểm cao 1800, đánh tan 6 tiểu đoàn (có 2 tiểu đoàn Thái Lan) ở Hin Đăm, Thẩm Lửng (3-7), đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch ở Mường Sủi, đồng thời dùng đặc công, pháo binh tập kích địch ở Long Chẹng.

Đợt 2 (11-8/10-9), địch chuyển hướng tiến công vào Cánh đồng Chum, sử dụng 4 GM đánh đường bộ theo 3 hướng (đông nam, tây và đông bắc), kết hợp với 2 GM đổ bộ đường không xuống Phu Keng đánh hướng tây bắc. Ta kịp thời ngăn chặn, đẩy lui địch ở Phu Luông, Phu Hủa Sang, Phu Thông, đồi 5 mỏm, điểm cao 1294, Bản Lao, Phu Học, đồng thời tập trung lực lượng thực hiện thắng lợi trận phản đột kích then chốt ở Phu Keng diệt và bắt hơn 700 địch (30-8/3-9), giữ vững trận địa.

Đợt 3 (11-9/30-9), địch tăng cường lực lượng (6 GM và 3 tiểu đoàn) chuyển đánh hướng tây là chính, đồng thời tung biệt kích xuống Talinoi quấy rối hậu phương ta, nhưng không đạt kết quả.

Đợt 4 (1-10/15-11), địch huy động 4 GM và 2 tiểu đoàn dồn sức tiến công nhằm chiếm một phần phía nam Cánh đồng Chum để gây áp lực cho đàm phán chính trị (15-10). Ta tổ chức lực lượng thích hợp ngăn chặn, phản kích bẻ gẫy các mũi và hướng tiến công của địch, kết hợp tập kích tiêu hao sinh lực, tạo thế và lực đánh trận then chốt quyết định tiêu diệt phần lớn cụm quân địch từ nam Bản Quay đến bắc Khang Kho (26-10), sau đó tiếp tục tiến công, truy quét địch khỏi nam Cánh đồng Chum, buộc địch phải co về giữ Long Chẹng.

Kết quả toàn chiến dịch ta và bạn đánh 244 trận (ta thực hiện 170 trận; bạn thực hiện 74 trận) loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 tên địch (bắt sống 179 tên), đánh thiệt hại nặng 3 GM (21,23,26), 3 tiểu đoàn quân Thái Lan, đánh thiệt hại nặng 5 GM khác; bắn rơi 38 máy bay, thu 859 khẩu súng các loại (trong đó có 4 khẩu pháo 105mm và 4 khẩu cối 106,7mm), đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân quy mô lớn của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng.

Như vậy sau 5 tháng, địch đã hoàn toàn thất bại trước chiến dịch phòng ngự rất chủ động và có hiệu quả của ta. Chúng buộc phải rút khỏi các bàn đạp ở Cánh đồng Chum. Ta chủ động kết thúc chiến dịch vào ngày 15-11-1972 .

Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào với cách đánh sáng tạo, hiệu quả đã giành được thắng lợi to lớn góp phần đúc kết kinh nghiệm, làm phong phú thêm lý luận tác chiến chiến dịch phòng ngự và là bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Thắng lợi của chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng khẳng định đây là loại hình chiến dịch tất yếu trong chiến tranh; bộ đội ta và bạn Lào đã trưởng thành nhiều mặt cả về thực tiễn lẫn lý luận chiến dịch phòng ngự, về kỹ thuật và chiến thuật trong tác chiến phòng ngự. Đó là nghệ thuật xác định đúng loại hình chiến dịch phòng ngự và chủ động giành thế trong chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch. Lựa chọn đúng các khu vực phòng ngự, biết coi trọng xây dựng hệ thống công sự trận địa vững chắc, lấy đó là nội dung cơ bản của việc lập thế trận phòng ngự của ta phá thế tiến công của địch.

Điểm nổi bật của chiến dịch phòng ngự này là hình thành phòng ngự khu vực, lấy điểm tựa và cụm điểm tựa làm nòng cốt, có lực lượng cơ động mạnh để thực hiện phản kích và phản đột kích. Nghệ thuật sử dụng lực lượng và vận dụng cách đánh sáng tạo cả chiến dịch và chiến thuật trong phòng ngự đã có sự phát triển mới, kết hợp khéo léo phòng ngự trận địa với cơ động phản kích liên tục, tiến công địch để phòng ngự vững chắc; tận dụng các yếu tố đặc điểm để sử dụng lực lượng có hiệu quả biết lấy ít đánh nhiều ở những thời cơ, thời điểm quan trọng, lại biết tập trung lực lượng thích hợp để tổ chức những trận đánh then chốt trong chiến dịch phòng ngự là các trận phản đột kích khi có thời cơ bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng trong các trận phản đột kích quyết định, kết thúc chiến dịch thắng lợi.

--------------

Tài liệu tham khảo

1. Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ , cứu nước Thắng lợi và bài học,Nxb Chính trị quốc gia, 1995, Hà Nội

2. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1995), Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 – 1975, Nxb, QĐND, Hà Nội.

3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2003), Tổng kết chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb QĐN, Hà Nội.

4. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1987), Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng mùa mưa 1972.

5.  Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2010), Tổng kết tác chiến phòng ngự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), Nxb QĐND, HN.

NGUYỄN XUÂN ĐÀI (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)