QĐND - LTS: Những năm gần đây, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel Group) luôn giữ vững vị trí Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam; khẳng định vị thế, uy tín của doanh nghiệp Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Năm 2014, Viettel đạt doanh thu 196.000 tỷ đồng; nộp thuế lớn nhất trong các doanh nghiệp, tiến sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ Tập đoàn đề ra đến năm 2015. Có được thành tựu đó là bởi tập đoàn luôn biết cách khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan; trong đó, tổ chức hiệu quả Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2009-2014 được xem là động lực to lớn, là một nguyên nhân tạo nên những bứt phá của tập đoàn. Đó cũng là cơ sở khẳng định, 5 năm qua, ngoài những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Viettel còn tạo ra nhiều bài học đặc biệt giá trị trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước.
Bài 1: “Dệt sóng” thi đua, đưa Viettel tiến ra biển lớn
QĐND - Ở Viettel, công tác tổ chức Phong trào TĐQT là công việc hằng ngày, thực chất là việc phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo ra những “đợt sóng thi đua” mạnh mẽ và đều khắp, đưa “con tàu Viettel” tiến nhanh, tiến mạnh ra “biển lớn”; quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp viễn thông toàn cầu, là 1 trong 20 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.
 |
Tổng công ty Viettel Post (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) nhận giải thương hiệu Quốc gia 2014.
|
“Mệnh lệnh” từ chủ đề, mục tiêu thi đua
Trụ sở Tập đoàn Viễn thông Quân đội cao sừng sững, nổi bật trong nhiều khối kiến trúc cao tầng trên đường Trần Hữu Dực (Mỹ Đình, Hà Nội). Nhìn từ xa, nếu không có dòng chữ “Viettel” nổi lên trang trọng phía trên cùng của tòa nhà, sẽ thật khó để nhận ra nơi đây là trụ sở làm việc của một đơn vị quân đội. Thế nhưng vào bên trong, bước giữa không gian công sở hiện đại, chúng tôi cảm nhận rất rõ về một môi trường làm việc lý tưởng, một tổ chức có nền nếp chính quy. Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là hệ thống pa-nô, áp phích điện tử được bố trí hợp lý, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Bày tỏ cảm xúc hiện hữu, tôi gợi chuyện với đồng chí cảnh vệ: “Việc thiết kế những pa-nô, khẩu hiệu, giá trị cốt lõi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Viettel như thế này thật ý nghĩa”. Như hiểu lòng khách, anh cảnh vệ khẽ gật đầu, rồi mở lời hưởng ứng: “Văn hóa Viettel được lan tỏa đến từng cán bộ, nhân viên trong tập đoàn. Ví như chúng tôi, mỗi cảnh vệ cũng là một “lễ tân”, “giao dịch viên” của Viettel”.
Đại tá Dương Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn nở nụ cười hiền, bày tỏ đồng thuận với ý kiến của cấp dưới. Anh cho rằng, ở Viettel luôn có rất nhiều khẩu hiệu, chủ đề thi đua ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, đơn vị cơ sở. Trong đó, điểm nhấn là việc tập đoàn thường xuyên có chủ đề thi đua theo từng quý, từng năm. Đó chính là cách Viettel làm mới thi đua, tạo nên tâm lý hưng phấn, háo hức cho mọi đối tượng. Cũng theo anh Toàn, chủ đề thi đua không đơn thuần là sự sắp đặt, lắp ghép tự phát những con chữ theo lối “tung hô”, mà là kết quả của quá trình khái quát, đúc kết sản xuất kinh doanh; đó là những bài học thấm thía tính thực tiễn; những chủ trương, phương châm hành động thiết thực.
Giai đoạn trước, khi Viettel đang vươn lên khẳng định ngôi vị số 1, chủ đề, nội dung thi đua của tập đoàn là “Xây dựng, giữ gìn phát triển thương hiệu Viettel”, “6 nhất, 1 mục tiêu”. Bước vào giai đoạn mới, khi Viettel đã vươn lên dẫn đầu các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, chủ đề, nội dung thi đua có bước phát triển mới: “Khơi nguồn nhiệt huyết, viết tiếp chiến công” (2009); “Nhanh, chuyên nghiệp, hiệu quả” (2010); “Đoàn kết, sáng tạo, chuyên sâu, hiệu quả (2011); “Đồng sức, đồng lòng, tiến công thắng lợi” (2012); “Xuất sắc, khác biệt, phát triển bền vững” (2013), “Nhanh hơn, sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn” (2014). Các chủ đề thi đua đã khái quát thành phương châm, định hướng hành động, tạo nên động lực, đưa Viettel “tiến quân” thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ quan trọng; giải quyết những khâu yếu, mặt yếu. Ví dụ, năm 2014, bám sát các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và chiến lược kinh doanh, Viettel đề ra chủ đề thi đua: “Nhanh hơn, sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn”. Sở dĩ, tập đoàn xác định như vậy, là vì Viettel đang quyết tâm trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Đó là khát vọng lớn, nhiệm vụ đặc biệt khó và để hiện thực hóa được thì phải “Nhanh hơn, sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn”.
Từ chủ đề thi đua chung của tập đoàn, các đơn vị cơ sở đã vận dụng hết sức linh hoạt, lựa chọn, đi sâu vào từng lĩnh vực có thế mạnh, nhằm bảo đảm đầy đủ các yếu tố thắng lợi. Ví như, ở Pê-ru, nơi thị trường có GDP cao hơn Việt Nam, luật pháp chặt chẽ, mật độ thâm nhập cao, nên đơn vị tập trung thi đua để “chuyên nghiệp hơn”. Ở Đông Ti-mo, đất nước mới mở cửa, Viettel đến sau, nên thi đua tập trung vào yếu tố “nhanh hơn” để kịp thời làm chủ thị trường. Còn ở Lào, Cam-pu-chia, Ha-i-ti, những thị trường Viettel hoạt động có thâm niên, thì các đơn vị lại coi trọng yếu tố “sáng tạo hơn”. Nhờ các bước cụ thể hóa như vậy, Công ty Viettel Pê-ru đã tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hạ tầng mạng lưới kinh doanh; Công ty Viettel Đông Ti-mo trở thành nhà mạng có số lượng khách hàng lớn nhất với hơn 416.000 thuê bao sau một năm hoạt động. Tương tự, ở nhiều thị trường quốc tế khác, Viettel thâm nhập rất nhanh và phát triển ngày càng bền vững.
Nâng tầm mục tiêu, thực hiện đến cùng
Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ định hướng phát triển của Viettel: “Khi đang thành công vẫn cần sớm chuẩn bị cho một lĩnh vực mới, vì trong kinh doanh, cái gì tốt sẽ không tốt mãi”. Chứng minh cho chân lý đó, tổng giám đốc vạch rõ bài học thành công của Viettel bắt đầu từ việc luôn luôn làm mới chính mình. Ngay từ những ngày đầu tham gia thị trường viễn thông (năm 2000), đội ngũ làm VoIP (dịch vụ cố định đường dài sử dụng công nghệ VoIP) của Viettel chỉ có 25 người, đầu tư 500.000 đô-la, tạo ra doanh thu 1000 tỷ đồng Việt Nam. Con số doanh thu như vậy là khá lớn, nhưng ngay thời điểm đó Viettel đã có suy nghĩ: Doanh thu từ VoIP sẽ giảm vì cái gì hay thì nhiều người muốn đầu tư, nhập cuộc. Do đó, Viettel xúc tiến thâm nhập thị trường di động. Năm 2004, Viettel khai trương di động, trong lúc thị trường trong nước còn bộn bề công việc, rồi đến năm 2006, Viettel chính thức đầu tư ra nước ngoài. Tới năm 2010, Viettel bắt tay vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao, thiết bị điện tử viễn thông...
Bài học thực tiễn đó cho thấy, Viettel luôn biết cách đặt ra những mục tiêu thi đua mới, với đòi hỏi ngày càng cao. Tức là càng về sau, mục tiêu càng khó hơn, càng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn. Làm việc mới, làm việc khó, làm mới chính mình là bí quyết giúp Viettel thành công. Ví như năm 2013, mạng lưới 3G của Viettel còn nhiều vùng lõm sóng, cả năm chỉ giải quyết được 200 vùng lõm, đến năm 2014, Tổng công ty Mạng lưới Viettel mạnh dạn đặt mục tiêu lên tới 5000 vị trí. Bấy giờ, không ai tin Viettel có thể làm được, nhưng nhờ thi đua, phát huy trí tuệ và sức mạnh tập thể, chỉ sau gần 2 tháng, tổng công ty đã tìm ra giải pháp hữu hiệu, giải quyết được 4000 điểm lõm.
Đại tá Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới, đúc rút: Như vậy, triết lý ở đây là “chuyên nghiệp hơn”. Nếu chúng ta đang làm 10 và đặt mục tiêu 12 thì kết quả cùng lắm là 11. Nếu chúng ta đang làm 10 mà đặt mục tiêu là 30 thì chúng ta sẽ đạt hơn 30 vì chỉ có khi đó chúng ta mới nghĩ tới các giải pháp mang tính đột phá. Nhiều khi tự đẩy mình vào mục tiêu cao hơn thì tổ chức mới thay đổi một cách cơ bản được. "Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, muốn trở thành một công ty vĩ đại thì phải đặt ra mục tiêu vĩ đại trước, rồi sau đó mới có những hành động vĩ đại"-Anh Nam tâm sự.
Bằng cách làm đó, Viettel đã lập nên kỳ tích, trong 10 năm (2000-2010) phát triển từ Công ty lên Tổng công ty rồi trở thành Tập đoàn Viễn thông lớn nhất Việt Nam, tăng trưởng 4.500 lần. Trong nhiều năm liên tục (2005-2009), doanh thu, lợi nhuận năm sau luôn cao gấp đôi năm trước. Năm 2014, tập đoàn là doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước lớn nhất trong số 300.000 doanh nghiệp, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động; là nhân tố tích cực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Với những mục tiêu phát triển không ngừng, Viettel đã tiên phong ra nước ngoài, tự cởi trói cho mình để tìm đến những sân chơi không bao giờ có giới hạn. Đến nay, Viettel đã xúc tiến đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại 9 quốc gia trên 3 châu lục với thị trường gần 180 triệu dân.
Khi được hỏi về chặng đường tiếp theo, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Chúng tôi đã xác định những chuyển dịch mà Viettel sẽ phải làm trong 10 năm tới. Viettel phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 phải nằm trong tốp 20 hãng viễn thông lớn nhất thế giới, có thị trường 500 triệu dân, có vốn khoảng 100 tỷ đô-la, doanh thu hơn 60 tỷ đô-la.
Bài và ảnh: LONG TUÂN-THÀNH PHƯỢNG
Bài 2: “Nêu gương” để tạo thành công và khác biệt