QĐND - Với mong muốn giúp đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam-Bộ đội Cụ Hồ, ngày 9-12, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “70 năm xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, anh hùng, văn nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài quân đội.
Bộ đội Cụ Hồ - danh hiệu do nhân dân trao tặng, giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam
Trong tiết trời giá lạnh của những ngày giữa đông, từ 7 rưỡi sáng, tòa soạn Báo Quân đội nhân dân trở nên nhộn nhịp, ấm áp hơn thường lệ. Nhiều vị tướng tóc đã hoa râm, nhiều nhà khoa học đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” mà đôi mắt, gương mặt vẫn ánh lên sự anh minh, mẫn tiệp, nhiều văn nghệ sĩ được đông đảo công chúng quen tên biết tiếng và có vị anh hùng lấp lánh huân, huy chương đỏ rực trên ngực áo…, về dự buổi tọa đàm trong tình cảm thân thiết, nồng hậu.
Đó là Trung tướng, TS Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; Trung tướng Hoàng Bằng, Chính ủy Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự; Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự-Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu chiến lược đường lối học thuyết quân sự-Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn-Tổng cục Chính trị; PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Dương; GS, TS Đinh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; GS, TS, NGND Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); PGS, TS, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú; nhà văn Ngô Vĩnh Bình, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Đại tá, nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Dương Xuân Đống…
Mở đầu buổi tọa đàm, Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ dù đã ở tuổi 88 nhưng giọng ông vẫn mạch lạc, khúc chiết và bày tỏ niềm xúc động khi nhắc tới danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Ông nói: Không phải quân đội nào cũng là quân đội lập quốc và xây dựng chế độ mới như QĐND Việt Nam. Vì vậy, theo tôi được biết, nhân dân ta gọi là Bộ đội Cụ Hồ là muốn tôn lên những việc làm tử tế, tốt đẹp nhất của những người lính cách mạng, để phân biệt với những đội quân khác ngày đầu cách mạng đang còn trên đất nước ta. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là nhân dân trao tặng chứ không phải danh hiệu do Nhà nước tôn vinh. Cái hay, cái độc đáo chính là ở chỗ đó. Cho nên, có thể nói rằng, Bộ đội Cụ Hồ-danh hiệu của dân thì cũng sẽ sống mãi trong lòng dân...
Làm sâu sắc thêm ở khía cạnh này, GS, TS, NGND Trần Văn Bính khẳng định: Bộ đội Cụ Hồ là tên gọi thân thương, trìu mến, đã đi vào lòng dân suốt mấy chục năm qua. Nói về danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là nói về sức mạnh lòng dân của Quân đội ta, của mối quan hệ giữa Quân đội ta với lãnh tụ của mình-đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Mối quan hệ đó gắn chặt với nhau như hình với bóng, đồng hành cùng quân đội trong suốt 70 năm qua và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Từ góc độ văn hóa quân sự, Đại tá Dương Xuân Đống cho rằng, khi nói đến Bộ đội Cụ Hồ là nói đến quá trình phát sinh, phát triển, trưởng thành của người lính cách mạng, xuất thân từ quần chúng, mang trong mình chủ nghĩa yêu nước, nét đẹp văn hóa của nhân dân, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là thể hiện của giá trị văn hóa quân sự cách mạng, văn hóa quân sự thời đại Hồ Chí Minh.
 |
Các đại biểu tham dự tọa đàm trò chuyện thân mật. Ảnh: Minh Trường.
|
Những nét đặc trưng tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ
Tuy không trực tiếp đến dự, song Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vẫn dành tâm huyết, tình cảm cho buổi tọa đàm khi gửi tham luận mang tựa đề “Nét đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ”, trong đó nhấn mạnh: Bộ đội Cụ Hồ là thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng QĐND Việt Nam về chính trị. Nét đặc trưng tiêu biểu nhất của Bộ đội Cụ Hồ được thể hiện trong lần Bác đến thăm và tặng cán bộ, học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1-Trường Đại học Trần Quốc Tuấn hiện nay) lá cờ thêu 6 chữ vàng: “Trung với nước, hiếu với dân” và lời Bác khen trong dịp QĐND Việt Nam tròn 20 tuổi (22-12-1964): “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
“Một trong những nét đặc trưng cơ bản của Bộ đội Cụ Hồ là ý chí quyết chiến, quyết thắng. Đặc trưng cơ bản này được thể hiện một cách sâu sắc, triệt để trong mọi giai đoạn phát triển của QĐND Việt Nam”. Sau khi nhấn mạnh như vậy, Trung tướng, TS Nguyễn Đức Hải cho rằng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa từ truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Ý chí quyết chiến, quyết thắng không ngừng lớn mạnh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trở thành một trong những yếu tố quyết định làm nên mọi chiến thắng oanh liệt của Quân đội ta trong thế kỷ XX.
Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng, một phóng viên từng tác nghiệp tại Mặt trận Điện Biên Phủ nóng bỏng (giai đoạn 1953-1954), đã khiến mọi người xúc động khi ông kể lại những chuyện có thật thể hiện tấm lòng vị tha, nhân đạo cao cả của Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến. Ông tâm sự: Việc Quân đội ta quan tâm, chú trọng giáo dục chính trị để bộ đội biết làm tốt cả công tác dân vận, binh vận và địch vận, đã nói lên tinh thần nhân ái, khoan dung của một đội quân cách mạng, chính nghĩa. Trước quân thù, bộ đội ta luôn anh dũng, mưu trí, bất khuất và chỉ mong muốn đánh tan, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, chứ không tiêu diệt đến cùng khi chúng quỵ gối, đầu hàng. Đó là một nét nhân văn được hấp thụ từ truyền thống “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” của ông cha ta, là một giá trị đạo đức tốt đẹp mà hiếm thấy ở quân đội các nước khác.
 |
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo QĐND, chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Trường.
|
Mang trong mình những phẩm chất cao quý đó, Quân đội ta không chỉ hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là giải phóng dân tộc-theo Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương-mà Bộ đội Cụ Hồ còn hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với các nước trên bán đảo Đông Dương, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân các dân tộc Lào và Cam-pu-chia. Hơn thế, danh thơm, tiếng tốt của Bộ đội Cụ Hồ còn lan ra khắp năm châu bốn biển, đặc biệt là được nhân dân Liên Xô (trước đây) và nhân dân các nước châu Phi, châu Mỹ La-tinh rất khâm phục, ngưỡng mộ, đánh giá cao QĐND Việt Nam vì đã đánh bại quân đội hai thực dân đế quốc sừng sỏ nhất thế giới thế kỷ XX.
Tiếp tục nuôi dưỡng, bồi đắp giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ
“Nói về truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không chỉ để chúng ta tự hào về những phẩm chất, giá trị đã có, mà quan trọng hơn phải biết khơi dậy, kế thừa, phát huy, bổ sung làm giàu thêm những giá trị tốt đẹp của truyền thống đó”. Sau khi chia sẻ như vậy, theo GS, TS Đinh Xuân Dũng, cùng với việc củng cố, nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi của Bộ đội Cụ Hồ, cần phải chăm lo bồi đắp, nâng tầm giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Bộ đội Cụ Hồ thời nay không chỉ giỏi về huấn luyện kỹ chiến thuật mà cần phải có đủ trí tuệ, bản lĩnh, trình độ, năng lực để tự tin hội nhập quốc tế.
Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, cho rằng: Để danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng, chúng ta cần chú trọng xây dựng những chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, thể hiện ở 5 nội dung cơ bản là: Động cơ trong sáng, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao; Đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; Trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; Đoàn kết nội bộ, đoàn kết gắn bó với nhân dân và đoàn kết quốc tế. Muốn biến những nội dung chuẩn mực đó của Bộ đội Cụ Hồ thành hiện thực, điều quan trọng hàng đầu là phải xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị, bảo đảm nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo QĐND Việt Nam trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt.
Phẩm chất, giá trị, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã được bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta vun đắp, gây dựng nên. “Để hình ảnh này không bị lu mờ, ngoài làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thế hệ Bộ đội Cụ Hồ hôm nay phải luôn “dĩ công vi thượng”, sống có lý tưởng, niềm tin cao đẹp, thật sự gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi để luôn được Đảng mến, dân tin”-Thiếu tướng, GS Bùi Phan Kỳ bày tỏ.
Chia sẻ, đồng tình với các ý kiến phát biểu tại tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, cho rằng: Các bài tham luận đều được chuẩn bị công phu, chu đáo, chứa đựng nhiều giá trị khoa học, lý luận, có tính định hướng sâu sắc và có ý nghĩa giáo dục truyền thống bổ ích. Đồng chí Tổng biên tập nhấn mạnh thêm: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu của nhân dân, có ý nghĩa cao quý và đậm chất nhân văn. Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa, hấp thụ và phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta; thể hiện sự thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng QĐND Việt Nam về chính trị. Giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là giá trị quân sự đặc sắc trong thời đại Hồ Chí Minh. Để giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân đội hôm nay nên thấm nhuần, thực hiện ba vấn đề cốt lõi nhất của một quân đội cách mạng, đó là: Giữ trọn niềm tin, trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam; tự nguyện, gương mẫu làm theo những lời Bác Hồ dạy; thủy chung son sắt với nhân dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, sống xứng đáng với tình cảm, sự đùm bọc, che chở của nhân dân.
“Có thể tự hào và khẳng định rằng, những phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam xây đắp từ những ngày đầu thành lập đến khi trưởng thành thành một quân đội hùng cường. Phẩm chất ấy ngày càng được bồi đắp với nội dung ngày càng phong phú, nó đã vượt qua một khái niệm thông thường để trở thành một giá trị văn hóa vĩnh hằng trong những con người đã từng đứng dưới cờ quyết chiến, quyết thắng”. |
THIỆN VĂN (tổng thuật)