QĐND - Những năm qua, Quân đội ta luôn tích cực, chủ động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, đặc biệt là đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, góp phần giữ vững và tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng. Qua đó, Quân đội ta tỏ rõ sự kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nhất là ở những thời điểm khó khăn phức tạp, có tính “bước ngoặt”.  

Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới đòi hỏi Quân đội ta không chỉ giỏi tác chiến trên mặt trận đấu tranh vũ trang, mà cả trên mặt trận tư tưởng, nhất là đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối, quan điểm của Đảng. Giữ vững và tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội hiện nay là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

 Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, trước hết cần nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Tăng cường công tác giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ đấu tranh tư tưởng là một trong những mặt trận quan trọng hàng đầu, diễn ra gay gắt và phức tạp, liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu, lý tưởng và sức mạnh chiến đấu của quân đội, đến sự tồn vong của chế độ XHCN. Thường xuyên giáo dục tình hình nhiệm vụ của quân đội, đơn vị, nâng cao hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ, trước hết là với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Coi trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện xem nhẹ công tác tư tưởng, nhận thức đơn giản, chủ quan, nhất là khi các thế lực thù địch luôn có những chiêu thức mới, những luận điệu và cách thức chống phá mới rất nham hiểm và thâm độc.

Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, nhạy cảm, do vậy, để bảo đảm định hướng chính trị, hiệu quả thực tế, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị, đặc biệt là trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên. Trên cơ sở đó, cần xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai cuộc đấu tranh tư tưởng của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị và ban chỉ đạo chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa ở các cấp. Xác định rõ trách nhiệm và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của các tổ chức quần chúng…, trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: “Mọi đảng viên có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng”.

Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng trong tình hình hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông, càng khó khăn, phức tạp, nhất là khi sự công kích, chống phá của các thế lực thù địch không chỉ diễn ra trên diện rộng, mà đi vào chiều sâu, tập trung vào những vấn đề tư tưởng mang tính lý luận, đòi hỏi cấp ủy, cán bộ chủ trì phải xác định rõ trách nhiệm, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, gồm đội ngũ cán bộ tuyên huấn, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội nhân văn, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí... Cần đẩy mạnh nghiên cứu dự báo tình hình, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chủ động giải quyết các vấn đề mới nảy sinh, không để bị động, bất ngờ về tư tưởng trong mọi tình huống. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.

Cùng với kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, cần chủ động phòng ngừa, đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Cần quan tâm tổ chức, xây dựng lực lượng và cơ chế phối hợp đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phát triển, nâng tầm các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội nhân văn trong quân đội; bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy…, đủ sức giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cần có cơ chế, chính sách quy tụ, phát huy vai trò của các nhà khoa học trên mặt trận tư tưởng. Chú trọng bồi dưỡng, phát triển cả về phẩm chất và năng lực đấu tranh tư tưởng cho đội ngũ cán bộ chính trị, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên để họ thực sự trở thành những người tiêu biểu cho bản lĩnh, lập trường, trí tuệ của Đảng, có tinh thần chiến đấu cao, có ý chí, nghị lực, tính kỷ luật, có khả năng liên hệ và thuyết phục quần chúng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, trực tiếp, thường trực chỉ đạo, tổ chức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng và hoàn thiện các quy chế trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng; tổ chức, huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh chống các quan điểm tư tưởng, sai trái, thù địch, xây dựng trận địa tư tưởng vững chắc ở từng cơ quan, đơn vị...

Hệ thống các nội dung, biện pháp trên cần được thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, trong đó, các khâu trọng tâm, đột phá là: Nâng cao nhận thức; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, của lực lượng nòng cốt và đông đảo cán bộ, chiến sĩ; coi trọng hiệu quả tổ chức đấu tranh với phương châm: Thường xuyên, liên tục, kịp thời, giành thế chủ động, không để bị bất ngờ.

DƯƠNG QUỐC DŨNG