QĐND - "Gia đình tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) đã cứu sống con tôi..."-Đó là lời bà Trần Thị Nhơn, mẹ của bệnh nhân Phan Đình Nghiệp (23 tuổi, ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, bị một vật nhọn đâm xuyên phổi, qua gan, mất máu, hôn mê sâu, đã được các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 211 cứu chữa thành công).
Y đức đặt lên hàng đầu
Mới sáng sớm, nhưng tại Phòng Khám bệnh và Khoa Hồi sức-cấp cứu, Bệnh viện Quân y 211 đã rất đông bệnh nhân. Ngoài cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đứng chân trên địa bàn, còn thêm một lượng lớn bà con các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và cả bên nước bạn Lào, Cam-pu-chia đến để được khám, điều trị bệnh. Thực tế này đã minh chứng cho kết quả phục vụ của đội ngũ thầy thuốc áo lính ở đây.
 |
Bệnh nhân Nguyễn Văn Quân được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 kiểm tra lại vết thương.
|
Theo Đại tá, Thạc sĩ Bùi Xuân Hữu, Giám đốc Bệnh viện Quân y 211, để tạo được "thương hiệu" với nhân dân, đơn vị đã phải trải qua một thời gian khó khăn khá dài, vừa làm, vừa học tập, rút kinh nghiệm để tìm cách tháo gỡ, vươn lên trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, phòng bệnh, trang thiết bị cũ kỹ, kinh phí đầu tư, nâng cấp còn hạn hẹp. Với phương châm “Lấy chuyên môn làm trọng, y đức làm đầu”, bệnh viện đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ công tác, quy định y đức, chế độ tiếp xúc với người bệnh và vận dụng những biện pháp khoa học, cụ thể, phù hợp. Từ đó trách nhiệm, trình độ và đạo đức của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên chuyên môn ngày được nâng cao, giúp Bệnh viện Quân y 211 tạo được uy tín về chất lượng khám, chữa bệnh.
Làm tốt công tác đào tạo và nhất là phát huy việc tự đào tạo, cùng với sự “tiếp sức” của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, đến nay đội ngũ y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 đã làm chủ các kỹ thuật ngoại khoa, nội khoa của một bệnh viện loại 2 khu vực và một số kỹ thuật của bệnh viện loại 1, như: Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm, cắt u xơ tiền liệt tuyến qua niệu đạo, cắt nang gan, nang thận. Phẫu thuật thần kinh sọ não, chấn thương chỉnh hình, đặc biệt đã thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu, nối chi thể đứt rời… Kết quả này đã giúp Bệnh viện Quân y 211 cấp cứu, phẫu thuật thành công và đem lại sự sống cho hàng trăm ca bệnh nặng. Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Mến ở Gia Lai bị chấn thương sọ não kín, tràn máu màng phổi, mất máu nhiều, hôn mê sâu; anh Súc Trăng Pha (25 tuổi) đến từ Ô-da Đao (Cam-pu-chia), bị đạn bắn vỡ và giập gan, gãy xương sườn, hôn mê sâu... Chỉ trong 2 tháng vừa qua, Bệnh viện Quân y 211 đã cứu chữa thành công hơn 70 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, trong đó có hai bệnh nhân bị đứt lìa bàn tay, một bệnh nhân bị máy cắt cỏ xén đứt rời bàn chân, hai bệnh nhân bị vật nhọn đâm xuyên phổi, qua gan, xuống ruột, rồi ra phía sau…
Về với bà con buôn làng
Thượng tá, bác sĩ Võ Văn Khôi, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 211, cho biết: Thực hiện hành trình về với bà con đồng bào các dân tộc vùng biên giới, đội ngũ thầy thuốc bệnh viện đã tiến hành khám, cấp thuốc miễn phí và tặng quà 1.200 đối tượng thuộc diện chính sách, nạn nhân chất độc da cam, các cựu chiến binh và bà con nghèo khó đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Tổng số tiền cấp thuốc và hỗ trợ cho các đối tượng hơn 310 triệu đồng.
 |
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 khám bệnh, cấp thuốc cho bà con vùng biên giới Đức Cơ (Gia Lai).
|
Trong quá trình khám bệnh, tổ công tác quân y đã phát hiện, kiểm tra và thống nhất đưa về bệnh viện để tiến hành phẫu thuật đục thủy tinh thể, chăm sóc miễn phí (cả người nhà đi nuôi) cho 3 bệnh nhân nghèo người dân tộc thiểu số Giơ Rai, gồm bà Rolan H' Broih (69 tuổi), bà Rơ Man H'phionh (84 tuổi) và ông Ro Mah Jeo (70 tuổi). Đặc biệt, bà Rơ Châm Hol (61 tuổi) ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), bị khối u rất lớn kéo dài từ tai đến hết cổ (kích thước 15cmx12cm x10cm) chèn cứng ở cổ nên đầu của bà không quay đi, quay lại được. Sau khi kiểm tra kỹ, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ nhiệm Khoa Răng, hàm, mặt cùng 5 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Quân y 211 đã phẫu thuật bóc gỡ được hoàn toàn khối u, bảo vệ được dây thần kinh số 7, bà Rơ Châm Hol đã trở lại các hoạt động bình thường, mặt không bị lệch...
Trung tá Lê Mạnh Hùng, Chính ủy Bệnh viện Quân y 211 cho biết thêm: “Đứng chân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, hằng ngày tiếp xúc với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đã giúp đội ngũ thầy thuốc bệnh viện có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong hoạt động quân dân y phòng, chống bệnh tật. Đó là lồng ghép hành trình với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe các đối tượng chính sách, dân nghèo và bà con DTTS. Chúng tôi tổ chức các đội quân y về làng bản vừa khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho bà con, vừa làm công tác dân vận, giúp bà con có nếp sống văn hóa lành mạnh”.
Tháng 8 năm 2014, đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Quân y 211, GS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao và biểu dương tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật của bệnh viện. Theo Bộ trưởng, mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 211 đã đoàn kết phát huy tinh thần nội lực, vươn lên làm chủ các phương tiện trang bị y tế hiện đại để khám, điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương, xứng đáng với niềm tin của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương và bộ đội các đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI