QĐND - Cho đến nay, Trạm Quân dân y kết hợp Lai Hòa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) đã thành lập được 10 năm và trở thành địa chỉ tin cậy cho người bệnh, đặc biệt là người nghèo. Một số người dân cho biết, từ khi có trạm y tế, họ không phải lặn lội hàng chục cây số để đến các trung tâm y tế ở thị xã.

Bác sĩ Thái Minh Phong khám cho bệnh nhân.

Hết lòng vì bệnh nhân        

Chúng tôi có dịp đến một số huyện tuyến biển ở tỉnh Sóc Trăng. Tại thị xã Vĩnh Châu, chúng tôi được các đồng chí cán bộ biên phòng giới thiệu những tấm gương sáng đang ngày đêm đem sức mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên tin tưởng giao phó. ở mỗi đơn vị có những mô hình giúp dân khác nhau và ấn tượng ban đầu của chúng tôi chính là Trạm Quân dân y kết hợp ở Đồn Biên phòng Lai Hòa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) và đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.

Khi chúng tôi tới trạm cũng là lúc Bác sĩ, Thiếu tá Thái Minh Phong vừa tranh thủ thời gian nghỉ trưa để hoàn thành ca châm cứu cho người bị mắc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh, khớp ở xã Lai Hòa. Quệt những giọt mồ hôi trên trán, Thiếu tá Thái Minh Phong chia sẻ: “Công việc hằng ngày của tôi là vậy đó. Do hiện nay đội ngũ y sĩ, bác sĩ tại trạm còn thiếu chuyên môn về Đông y, khi còn học ở Hà Nội tôi cũng được học qua về nghiệp vụ này nên có biết đôi chút. Trong giờ hành chính tôi không thể đến khám, chữa bệnh cho người dân được mà chỉ tranh thủ thời gian nghỉ trưa đi tới các gia đình có người bệnh, dù hơi mệt, nhưng vì họ đang cần được chữa trị nên niềm vui lớn của tôi là bệnh nhân được chữa khỏi”.

Tôi đang dở câu chuyện với Thiếu tá Thái Minh Phong thì bị ngắt quãng, bởi có bệnh nhân đến khám. Một người đàn ông trạc hơn 40 tuổi, trên tay bế đứa bé nhiều vết thương trên người vì bị tai nạn xe máy. Bằng nghiệp vụ của người bác sĩ quân hàm xanh, sau một lúc xử lý, vết thương của cháu bé đã được cầm máu, sát trùng. Trên tay bác sĩ Phong cầm túi thuốc và ân cần căn dặn người nhà bệnh nhân: “Anh nhớ về cho cháu dùng hết chỗ thuốc này và làm theo như lời tôi đã kê trong đơn thuốc”.

Xong ca bệnh, anh Phong mới có chút thời gian tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, anh cười: “Công việc hằng ngày của tôi là vậy đó. Việc bệnh nhân đến khám đang giữa bữa cơm, hay giờ ngủ, thậm chí nửa đêm họ gọi là chuyện bình thường”.

Bệnh xá của người nghèo

Cuộc sống của người dân xã Lai Hòa phần lớn là những người có hoàn cảnh rất đặc biệt, thu nhập chính của họ từ việc trồng lúa, màu và một số hộ làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ. Việc đi khám, chữa bệnh ở các trung tâm y tế thị xã hay thành phố vừa xa xôi lại tốn kém, vượt quá khả năng tài chính của họ nên khi thành lập, Trạm Quân dân y đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc chữa trị bệnh tật với chi phí rất thấp.

Ông Thạch Phel (78 tuổi) ngụ tại ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, kể: “Ngày trước, đây là đoạn đường đất, cứ đến mùa mưa hoặc thủy triều dâng lên là toàn khu này ngập hết. Hơn nữa, việc đi lấy một viên thuốc ở trạm y tế dù cách 10km, nhưng phải đi bộ tính thời gian cả đi và về mất nửa ngày do đường lầy lội... Ngay sau khi con đường này được đưa vào sử dụng, chúng tôi có cơ hội đi lại thuận tiện hơn trong việc khám, chữa bệnh. Tôi cũng là một trong những người dân nghèo được trạm hỗ trợ trong việc khám và cấp, phát thuốc miễn phí thường xuyên”.

Những người dân sống ở khu vực xã Lai Hòa còn nhớ rất rõ về trường hợp của anh Trương Anh Tuấn (48 tuổi), nhân viên bảo vệ cho một công ty thủy sản trên địa bàn bị tai nạn khi đang tiến hành trực máy. “Tôi bị gãy chân phải khi đang thực hiện tuần tra bảo vệ công ty. Khi ấy do đã về khuya, mắt tôi nhìn không rõ, rồi vướng vào dây cu-roa của máy khi nào không hay. Hậu quả của vụ tai nạn ấy làm tôi gãy đùi phải. May mắn cho tôi, được bác sĩ Phong cầm máu, dùng các biện pháp nghiệp vụ làm cho vết thương của tôi không bị nặng hơn. Tôi biết, ở đó do không có dụng cụ làm nên anh Phong chỉ cấp cứu, cầm máu, sau đó tôi được đưa lên bệnh viện tỉnh chữa trị. Đến nay, chân tôi đã khoẻ hẳn và có thể đi làm được rồi”, anh Tuấn kể.

Trung bình mỗi ngày, Trạm Quân dân y Lai Hòa khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 30 lượt bệnh nhân. Không chỉ tại địa bàn xã, những vùng lân cận như ở tỉnh Bạc Liêu người dân cũng sang để chữa trị. Thượng tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lai Hòa, cho biết: “Hiện nay, đội ngũ bác sĩ biết về ngành Đông y chưa có nên Thiếu tá Thái Minh Phong kiêm nhiệm luôn phần việc này. Người dân ở khu vực này và ở tỉnh lân cận đại đa số là người  nghèo, nên trạm quân dân y đi vào hoạt động đã mang lại niềm vui cho nhiều người dân, trong đó phải kể đến công lao của đội ngũ y sĩ, bác sĩ yêu nghề, họ không kể thời gian ngày, đêm với niềm đam mê nghề nghiệp, sẵn sàng phục vụ vì sức khỏe của người dân”.

LONG NGUYỄN