QĐND - Trước khi cơ động lên Tây Bắc, tham gia tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) tổ chức diễn tập tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Cuộc diễn tập thể hiện cách đánh hiệp đồng chặt chẽ, tiến công đột phá liên tục cứ điểm kiên cố của địch, góp phần rèn luyện bản lĩnh, xây dựng quyết tâm, bổ sung kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội trước khi bước vào giai đoạn kháng chiến quyết định.

Ngay trước trụ sở UBND xã Đồng Thịnh, có tấm bia do Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Thái Nguyên đặt. Trên bia ghi: “Nơi đây: Xóm Bản Soi, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, vào Hè - Thu năm 1953, thực hiện Chỉ thị của Tổng Quân ủy, một trung đoàn thuộc Đại đoàn Quân Tiên phong đã tổ chức diễn tập thực binh đánh tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp”. Điều này được đồng chí Dương Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Thịnh, giải thích: “Trụ sở UBND xã hiện nay ở thời điểm Trung đoàn 102 diễn tập là khu vực bố trí hệ thống hầm chỉ huy của “địch”, mục tiêu chủ yếu để quân ta tiến công tiêu diệt. Vị trí này được xác định chính xác vào năm 1991. Đó là năm khởi công xây dựng trụ sở UBND xã”.

Theo đồng chí Dương Đức Hạnh, khi đào móng nhà hội trường, các nhóm thợ xây dựng đã gặp rất nhiều giao thông hào, đường hầm, hầm ngầm và sa bàn dưới lòng đất. Lúc đó, cán bộ UBND xã đã báo cáo cơ quan cấp trên và mời các cụ, là những nhân chứng lịch sử đã từng tham gia hoạt động cách mạng trên địa bàn, trong đó có cả các cụ từng là người phục vụ, cảnh giới, chiến sĩ dân quân tham gia phục vụ diễn tập vào năm 1953 tới thảo luận, xin ý kiến về dấu tích lịch sử vừa phát hiện. Cụ Nông Văn Vinh, 86 tuổi, nhà ở thôn Đèo Tọt; cụ Hoàng Văn Lương, 85 tuổi, thôn Đồng Mòn (thời đó hai cụ là dân quân địa phương); cụ Nguyễn Long Biên, chiến sĩ Sư đoàn 308 tham gia diễn tập, đã khẳng định: “Đó là hệ thống hầm hào cứ điểm “địch” do ta xây dựng, bố trí để phục vụ diễn tập”.

Đồng chí Lương Công Phi, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đồng Thịnh giới thiệu về khu vực trước đây là vị trí sa bàn của “địch”.

Bia trước trụ sở UBND xã Đồng Thịnh ghi nhớ về cuộc diễn tập.

 

Đồng chí Dương Đức Hạnh cũng cho chúng tôi biết thêm, việc có đơn vị quân đội tham gia diễn tập quy mô lớn ở địa phương thì người dân ở xã đều biết. Kể cả bố mẹ đẻ của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là ông Dương Văn Sủi, sinh năm 1931 và bà Vi Thị Lại, sinh năm 1934 cũng đã từng kể với con cháu là vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-1953, một đơn vị quân đội đã đến tập đánh trận công kiên tại xã. Nhưng vì thời gian đã xa nên không ai còn nhớ rõ vị trí của các khu diễn tập, phiên hiệu của đơn vị tham gia (tấm bia trước trụ sở UBND xã được đặt từ đầu những năm 2000 cũng không có phiên hiệu của trung đoàn diễn tập). Trong khi đó, cuộc diễn tập lại diễn ra trên địa bàn rộng, gồm 3 xóm liền kề nhau của xã Đồng Thịnh là: Bản Soi, Đèo Tọt, Đồng Làn. Khi diễn tập kết thúc, các đơn vị đã xóa dấu vết để đảm bảo bí mật tuyệt đối. Hệ thống hầm hào, sa bàn bị lấp phẳng, lán trại chỉ huy được dựng lại ở vị trí khác. Những thanh niên của xã làm công tác cảnh giới và phục vụ diễn tập đã xung phong tình nguyện cùng bộ đội lên đường giết giặc.

Chính vì muốn xác định rõ sự kiện lịch sử diễn ra trên địa bàn xã để giáo dục truyền thống, niềm tự hào của quê hương cách mạng cho thế hệ trẻ, sau khi xây dựng trụ sở UBND xã, căn cứ vào nhận định của các nhân chứng, từ năm 1992 đến nay Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tổ chức sưu tầm, khai thác tư liệu lịch sử. Trong đó tập trung vào nghiên cứu tài liệu: Lịch sử QĐND Việt Nam, Lịch sử Bộ Tổng tham mưu (BTTM) trong kháng chiến chống Pháp, Lịch sử Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Lịch sử Công tác Đảng, công tác chính trị trong QĐND Việt Nam, Huyện Định Hóa: Lịch sử kháng chiến chống xâm lược và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 1945 - 2000, Lịch sử truyền thống Sư đoàn 308... Đồng thời, Đảng ủy xã đã phân công cán bộ gặp gỡ nhân chứng, tìm hiểu thêm về các tình tiết của cuộc diễn tập và cho đến hôm nay, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng như cán bộ Ban CHQS xã Đồng Thịnh đã nắm rất tổng quát sự kiện này.

Cuộc diễn tập tiến hành vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-1953 có cơ sở xuất phát từ Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) diễn ra ngày 25 đến ngày 30-1-1953. Hội nghị đã xác định phương châm chiến lược của ta là: “Tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán và tiêu diệt lực lượng địch, mở rộng vùng tự do”. Nhiệm vụ quân sự đặt ra: “Phải tăng cường quân đội về mọi mặt; đánh vận động chiến là chính, công kiên chiến là phụ; đảm bảo đánh chắc thắng thì kiên quyết đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch muốn tập trung thì ta buộc địch phải phân tán, chọn hướng Tây Bắc là hướng chính để mở chiến dịch tiến công”. Sau hội nghị, Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh chỉ đạo BTTM nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị huấn luyện đánh công sự vững chắc và đánh vận động.

Đầu tháng 7-1953, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (căn cứ tuyệt mật của kháng chiến), BTTM tổ chức Hội nghị nghiên cứu đánh công sự mới, đánh tập đoàn cứ điểm. Tại hội nghị này, Thủ trưởng BTTM đã hướng dẫn các đại đoàn bước vào huấn luyện quân sự, rèn luyện cho bộ đội biết và thành thạo kỹ thuật đánh công sự kiên cố; ôn luyện 5 kỹ thuật lớn là: Bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, công sự và bộc phá; riêng môn bắn súng, rèn luyện cho bộ đội thực hiện tốt yếu lĩnh, động tác bắn trong điều kiện đêm tối, sương mù. Khẩu hiệu huấn luyện được BTTM triển khai là: “Học tập thực sự thực tế”, “thao trường như chiến trường”, “huấn luyện quan trọng như chiến đấu”. Sau khi thảo luận, hội nghị đã chọn Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm, để các đại biểu tham gia lớp tập huấn cán bộ trung và cao cấp quân sự (sẽ khai mạc vào cuối tháng 9-1953) tham quan, rút kinh nghiệm cho đơn vị mình. Hội nghị cũng đã thống nhất tên gọi của Trung đoàn 102 trong thời gian chuẩn bị và thực hành diễn tập là “Đơn vị tập trận”.

Lý do Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được chọn tổ chức diễn tập bởi trung đoàn có thành tích tốt trong chiến đấu, nhiều kinh nghiệm đánh công kiên, vận động truy kích địch. Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh cứ điểm trong chiến dịch Tây Bắc, điển hình là trận đánh ở Pú Chạng (Nghĩa Lộ) vào tháng 10-1952. Cứ điểm Pú Chạng của địch được xây dựng kiên cố, có hàng rào thép gai, hầm hào dưới lòng đất, các hỏa lực bố trí dễ chi viện cho nhau. Trung đoàn đã chuẩn bị chu đáo từ xác định kế hoạch, trinh sát phát hiện hỏa lực địch và tiến công theo phương châm: “Bao vây từ rộng đến hẹp, tiêu diệt từng hỏa điểm”, áp dụng chiến thuật tổ 3 người thọc sâu chia cắt, tiêu diệt từng phần đến tiêu diệt toàn bộ các tầng phòng ngự của địch. 

Sau khi xác định được đơn vị diễn tập, BTTM đã khảo sát và quyết định chọn địa điểm 3 xóm: Bản Soi, Đèo Tọt, Đồng Làn, xã Đồng Thịnh là nơi bố trí công sự trận địa của “địch”. Các xóm này nằm gọn trong thung lũng lớn, cánh đồng phì nhiêu, có nhiều dãy núi bao quanh, có dòng sông Chu chạy qua. Địa hình gần giống với lòng chảo Điện Biên Phủ. Đặc biệt là khu vực được bố trí hầm hào kiên cố gần giống địa hình ở Đồi A1. Để đảm bảo sát thực tế chiến đấu, bí mật về tình hình “địch”, công tác xây dựng công sự trận địa của “địch” do Tiểu đoàn dân quân địa phương gồm 2 xã: Phượng Tiến và Bình Yên (huyện Định Hóa) thực hiện vào giữa năm 1953. Hệ thống hào cơ động được đào sâu gần 1m, đất hai bên hào được trồng cỏ ngụy trang. Hầm ngầm có cây chống và phủ đất, cửa hầm kín đáo rất khó phát hiện. Các ụ súng, lô cốt đều được làm chắc chắn, có nhiều lỗ châu mai ở các hướng; hệ thống sa bàn làm bằng đất mối, cách hầm ngầm chỉ huy khoảng 50m…

Giữa tháng 9-1953, công tác chuẩn bị công sự trận địa “địch” đã xong, cấp ủy, chính quyền và tiểu đoàn dân quân địa phương đã giúp dân thu hoạch lúa vụ hè thu sớm, vận động nhân dân sơ tán tới xã Định Biên (huyện Định Hóa) trong thời gian một tuần để Trung đoàn 102 thực hành diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm.

Cuộc diễn tập có gần 200 đại biểu là chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn, cán bộ địa phương tới tham quan rút kinh nghiệm và học tập. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng nêu tình huống. Đồng chí Nguyễn Hùng Sinh, Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy bộ đội tiến công tiêu diệt địch. Từ kinh nghiệm trong chiến đấu đánh tập đoàn cứ điểm ở chiến dịch Tây Bắc, Trung đoàn 102 chủ động trinh sát tập đoàn cứ điểm ở Đồng Thịnh, xác định tình hình "địch", xây dựng quyết tâm cho bộ đội. Khi tiến công, các phân đội hình thành nhiều mũi vận động, nghi binh lừa “địch”. Hành động của cá nhân và phân đội được thể hiện khá bài bản, bộ đội đã sử dụng hỏa lực mạnh, bộc phá khối tiêu diệt hầm ngầm… Cuộc diễn tập thành công, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Trung đoàn 102 và Sư đoàn 308 được Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh và Tổng Tham mưu trưởng biểu dương. Đến tháng 12-1953, Trung đoàn 102, trong đội hình Đại đoàn 308 nhận lệnh lên đường chiến đấu. Với truyền thống, kinh nghiệm ở các chiến trường và cuộc sát hạch trong diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm ở Đồng Thịnh, Trung đoàn 102 đã cùng Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) tiêu diệt địch và làm chủ Đồi A1, C1 tạo bàn đạp để các đơn vị tiến công tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Những căn cứ, cũng như dấu ấn, kỷ niệm về cuộc diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm tại quê hương mình vẫn được cấp ủy, chính quyền và người dân xã Đồng Thịnh trân trọng giữ gìn, coi đó như “bảo bối” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, Đồng chí Dương Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Thịnh vẫn mong muốn, sẽ được các nhân chứng, các nhà nghiên cứu lịch sử chia sẻ những kỷ niệm, những hiểu biết về cuộc diễn tập của Trung đoàn 102 (mang phiên hiệu “Đơn vị tập trận”) tại địa phương, để xã hoàn chỉnh, bổ sung vào lịch sử Đảng bộ xã, qua đó góp phần làm phong phú hơn kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.       

Bài, ảnh: MÈ QUANG THẮNG