QĐND - Đào Thị Liên ở xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng có khuôn mặt thanh tú. Mới tròn 14 tuổi nhưng mắt của em đã không nhìn rõ vì một tai nạn cách đây 6 tháng. Cũng từ ngày ấy, cuộc sống của cô bé người Mông trở nên khó khăn. Em buồn bã và ít nói chuyện với mọi người hơn trước. Liên học giỏi, lại chăm chỉ nên được các thầy cô giáo Trường Trung học cơ sở Phan Thanh và bạn bè quý mến. Trước đây, mỗi khi đi học về là em lại giúp bố mẹ làm rẫy, giặt giũ, thổi cơm và trông các em. Cuộc sống bị xáo trộn vì hỏng mắt. Mọi sinh hoạt hằng ngày của Liên đều nhờ vào bố, mẹ và các em nhỏ. Ngôi nhà nhỏ nơi cuối rừng giờ đây bỗng vắng đi tiếng cười.
 |
Thượng tá Lê Hữu Song, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm hỏi bệnh nhân vừa mổ mắt.
|
Nghe tin các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 “Hành quân về nguồn” chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, Liên mừng lắm. Một mình băng rừng vượt suối, có mặt tại Bệnh viện huyện Nguyên Bình từ sớm. Khi tôi hỏi tại sao không ai đưa em đi khám, cô bé trả lời: “Bố mẹ em không biết chữ, sợ đến đây không biết làm thủ tục như thế nào, nên ngại”.
Là người duy nhất trong nhà được đi học, mắt lại hỏng, hoàn cảnh của Đào Thị Liên thật “éo le”. Mọi người trong đoàn, ai cũng thấy thương cảm cho cô bé. Vừa đặt chân đến thị trấn Nguyên Bình, Đại tá Lê Thị Đông Phương, Chủ nhiệm Khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cùng kíp mổ “tức tốc” chuẩn bị máy móc, thiết bị và chỉ định mổ mắt ngay cho Liên. Để có chỉ định sớm như vậy là vì bệnh viện đã cử đoàn công tác tiền trạm, khám sàng lọc, kiểm tra mắt trước 1 tuần đối với các bệnh nhân đã xác định phẫu thuật.
Biết mình sắp được chữa khỏi mắt, Liên bật khóc: "Cháu cảm ơn các bác sĩ quân đội nhiều lắm, cháu tưởng sẽ không bao giờ nhìn thấy được nữa”.
Căn phòng bỗng lặng im. Ai cũng thấy xúc động, không cầm nổi nước mắt. Không chỉ cô bé Đào Thị Liên mà còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác đã được các “thầy thuốc áo xanh” tận tình giúp đỡ.
Bà Nông Thị Nháo (84 tuổi), ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình xúc động: “Mắt tôi bị mù nên chẳng thể trông cháu để các con đi làm. Nhà tôi nghèo lắm, nếu không được các bác sĩ quân đội giúp đỡ, chắc tôi sẽ là gánh nặng cho các con”.
Đại tá Lê Thị Đông Phương cho biết: "Phaco là công nghệ tiên tiến, ngay sau phẫu thuật 24 giờ, bệnh nhân có thể phục hồi thị lực. Thời gian mỗi ca thay thủy tinh thể chỉ khoảng 15 phút".
Quây quần bên gia đình sau khi mổ mắt, ông Nguyễn Văn Tiến, ở xã Tam Kim mừng rỡ khi nhìn thấy chúng tôi. Ông nói: “Tâm nguyện của tôi là được nhìn thấy mặt cháu nội. Cảm ơn các bác sĩ đã mang cho tôi điều kỳ diệu này”.
Thượng tá Lê Hữu Song, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Bệnh viện đã tổ chức cơ động lực lượng, trang bị và đưa những công nghệ tốt nhất hiện có để phục vụ bà con. Đây là lần thứ hai về với Cao Bằng. Trước đó, bệnh viện đã tổ chức gần 100 cán bộ, nhân viên về các xã của huyện Thạch An, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 5000 đồng bào, xây tặng 3 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách".
Trong ngày đầu “Hành quân về nguồn”, các bác sĩ, y sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khám bệnh sàng lọc, tư vấn điều trị và cấp thuốc miễn phí cho 1.500 người dân các xã thuộc huyện Nguyên Bình và địa bàn lân cận. Các thầy thuốc "một linh tám" đã phẫu thuật thành công 10 ca bị đục thủy tinh thể, đem lại ánh sáng cho đồng bào nghèo vùng cao. Bệnh nhân được thay thủy tinh thể miễn phí bằng phương pháp tốt nhất-công nghệ Phaco.
Trung tá Chu Trọng Như, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ: “Khoa dược đã chuẩn bị 1.500 suất thuốc với giá trị 110.000 đồng/suất theo kế hoạch khảo sát của đoàn tiền trạm. Do bà con đến khám đông, cơ số này đã được cấp phát hết ngay trong ngày đầu tiên. Đoàn đã xin ý kiến Ban giám đốc bệnh viện, đề nghị bổ sung thêm cơ số để phục vụ nhân dân”.
Trực tiếp điều hành công tác khám, chữa bệnh, cấp thuốc tại địa bàn, Thượng tá Lê Hữu Song khẳng định: “Ban giám đốc đã quyết định cấp bổ sung thêm 1000 suất thuốc. Để kịp phát cho bà con vào sáng hôm sau, bệnh viện đã cử xe vận chuyển thuốc ngay trong đêm”.
Trên vùng đất lịch sử có Khu di tích quốc gia rừng Trần Hưng Đạo, còn nhiều hộ nghèo, nên không có khả năng để chi phí cho một ca mổ thay thủy tinh thể từ 7 đến 10 triệu đồng. Đó là chưa kể đến kinh phí đi lại từ Cao Bằng về Hà Nội. Việc làm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam càng có ý nghĩa cao đẹp. Đó là sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ quân đội với đồng bào nơi cội nguồn cách mạng, vùng đất quê hương “Anh giải phóng quân”. "Hành trình về nguồn" của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng tình đoàn kết quân-dân, để lại hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ quân y trong lòng nhân dân.
Bài và ảnh: TUẤN NAM