QĐND - Từ tháng 3-1945, các phong trào thanh niên, sinh viên, trí thức Sài Gòn-Gia Định được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp là Xứ ủy Nam Kỳ, phát triển mạnh, đỉnh cao là sự ra đời của tổ chức Thanh niên tiền phong (tháng 5-1945). Chỉ sau 3 tháng thành lập, lực lượng Thanh niên tiền phong phát triển lên đến hơn 1,2 triệu thành viên trong tất cả các tỉnh, thành phố ở Nam Bộ. Riêng ở Sài Gòn-Gia Định, số thành viên của Thanh niên tiền phong có hơn 200.000 người. Các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… đều có cơ sở của Thanh niên tiền phong.

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đại diện của Thanh niên tiền phong đã yêu cầu quân đội Nhật không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa sắp tới tại Sài Gòn-Gia Định. Tối 17-8-1945, hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam Kỳ đã được tổ chức ở chợ Đệm (huyện Bình Chánh) quyết định ngày, giờ Tổng khởi nghĩa và chỉ định thành lập Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Từ ngày 18 đến 20-8-1945 đã diễn ra những hình thức đấu tranh công khai như treo cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ… ở nhiều nơi.

Thông tin Hà Nội khởi nghĩa thành công ngày 19-8-1945 vào đến miền Nam, ngày 21-8-1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị ở chợ Đệm lần thứ hai, quyết định tỉnh Tân An (Long An ngày nay) sẽ khởi nghĩa trước. Tối 22-8-1945, các đội xung kích vũ trang cùng nhân dân Tân An đã chiếm các cơ quan chính quyền ở tỉnh. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, quân đội Nhật không can thiệp. Sáng 23-8-1945, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị tại chợ Đệm lần thứ ba quyết định tối 24-8-1945 sẽ khởi nghĩa ở Sài Gòn-Gia Định. Trong cuộc khởi nghĩa, mỗi đội Thanh niên tiền phong tự giành chính quyền tại công sở, cơ quan của mình theo phương án đã thông qua. Các đội Thanh niên tiền phong xung kích gồm hàng nghìn đội viên, nhận nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị khác và nhân dân chiếm lĩnh các cơ sở quan trọng như: Kho bạc, nhà máy điện, nhà máy nước, sở bưu điện, dinh Thống đốc Nam Kỳ, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bốt cảnh sát… Đến gần 22 giờ cùng ngày, mọi việc chiếm giữ đều hoàn thành. Sáng 25-8-1945, nhân dân Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh lân cận tiến hành cuộc biểu tình, tuần hành trên các đường phố và tại các cơ quan chủ chốt, khẳng định vai trò của chính quyền cách mạng.

Sứ mệnh lịch sử của Thanh niên tiền phong kết thúc khi Nam Bộ giành được chính quyền, nhưng đây là tổ chức quan trọng khẳng định sự sáng tạo về nghệ thuật tập hợp lực lượng trên một mặt trận rộng lớn, giữ vai nòng cốt làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn-Gia Định và Nam Bộ.

LÊ KHOA