QĐND - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi do nhiều nguyên nhân, trong đó chọn đúng thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền là một trong những nguyên nhân rất cơ bản, đã trở thành nghệ thuật độc đáo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng yếu tố thời cơ. Người chỉ rõ: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”(1). Nghĩa là, khi tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền mà nắm được thời cơ, thì dù lực lượng nhỏ sẽ hóa thành lớn, sẽ giành được thắng lợi; và ngược lại, nếu không nắm và chọn đúng thời cơ, thì lực lượng mạnh sẽ trở nên yếu, sẽ thất bại. Chính vì vậy, khi thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, chưa chắc giành thắng lợi, Đảng ta đã hoãn cuộc khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng, khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là sự sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nắm và chọn thời cơ khởi nghĩa.
Nhận thức sâu sắc về vấn đề thời cơ cách mạng, nó không tự đến, nó phụ thuộc vào nhân tố chủ quan và khách quan. Chính vì vậy, ngay từ khi lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta đã chú trọng lãnh đạo xây dựng lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa, thúc đẩy thời cơ chín muồi. Bằng các chủ trương: Thành lập Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc giải phóng, Ủy ban Giải phóng toàn quốc để đưa quần chúng rèn luyện thông qua đấu tranh cách mạng trong 3 cao trào lớn (1930-1931; 1936-1939; 1939-1945); thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944)… Qua đó, đã xây dựng được một đạo quân chính trị to lớn cho cách mạng, với khí thế “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Đồng thời, Đảng ta đã trưởng thành cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, về nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức đấu tranh cách mạng, nhất là nghệ thuật thúc đẩy thời cơ cách mạng chín muồi từ việc chăm lo xây dựng, phát huy sức mạnh của các lực lượng cách mạng.
Cùng với tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình, nhất là tình hình kẻ thù để xác định thời cơ khởi nghĩa chính xác. Bước sang năm 1945, tình thế cách mạng chuyển biến hết sức mau lẹ theo hướng có lợi cho ta. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, Đảng ta nhận định: “Đây là thời cơ để đẩy mạnh mọi hoạt động của cách mạng”. Nhưng lúc này thời cơ khởi nghĩa chưa thật sự chín muồi, vì Pháp tuy tan rã, nhưng Nhật chưa hoang mang đến mức cực độ; các tầng lớp trung gian chưa ngả hẳn về phía cách mạng; nạn đói ghê gớm cướp đi sinh mạng 2 triệu đồng bào, đã đẩy quần chúng nhân dân vô cùng oán ghét quân cướp nước... Cho nên, Đảng ta đã phát động Cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, gấp rút chuẩn bị mọi mặt, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi đủ điều kiện.
Ngày 8-5-1945, phát xít Đức đầu hàng Liên Xô không điều kiện, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão và đánh bại đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật. Trong tình thế đó, tại Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào (14 và 15-8-1945), Đảng đã chỉ rõ “thời cơ cho ta giành quyền độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Nắm chắc, chọn và phát lệnh tổng khởi nghĩa đúng thời cơ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng để Đại hội quốc dân toàn quốc họp ở Tân Trào (16-8-1945) tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (sau đó chuyển sang làm nhiệm vụ của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch). Chính những điều kiện đó đã tạo động lực to lớn để khi lệnh Tổng khởi nghĩa phát ra, toàn dân ủng hộ và kiên quyết, hăng hái đấu tranh đến cùng để giành độc lập dân tộc.
Nắm và chọn đúng thời cơ phát lệnh toàn dân Tổng khởi nghĩa là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo cách mạng của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghệ thuật ấy không chỉ góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn có ý nghĩa to lớn trong suốt quá trình kháng chiến chống xâm lược giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 326.
(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 595-596.
TS NGUYỄN SỸ HỌA