QĐND - Dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hằng năm từ lâu với đồng bào trên mọi miền Tổ quốc không chỉ là ngày lễ Quốc khánh thiêng liêng mà còn là một ngày Tết đặc biệt - Tết Độc lập. Độc lập, tự do là tài sản vô giá mà thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để bảo vệ. Đời sống ngày càng được nâng cao, nhân dân mong muốn Tết Độc lập sẽ ngày càng bổ ích, vui tươi hơn nữa. Đó là ghi nhận từ một số ý kiến của bạn đọc Báo Quân đội nhân dân nhân dịp "Tết Độc lập" năm nay.
Độc lập, tự do là tài sản vô giá
Năm 1940, khi đó tôi chưa tròn 16 tuổi đã lên ấp Chợ số 8 thuộc tổng Miêu Duệ (nay là xã Kim Long), huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc để làm tá điền cho địa chủ. Trong thời gian chuẩn bị diễn ra Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi là cán bộ ở xã Kim Long. Ngày ấy, chúng tôi đã thuyết phục một số địa chủ ở địa phương mở kho thóc để chia cho nông dân. Đúng ngày 2-9-1945, tôi chỉ huy đơn vị bảo vệ mít tinh mừng ngày độc lập tại sân Đình làng Phú Thị (xã Kim Long).
 |
Cụ Đàm Quang Chí.
|
70 năm qua, mỗi lúc nhớ lại thời khắc lịch sử năm 1945, tôi luôn cảm thấy vinh dự, tự hào được góp phần nhỏ bé của mình để làm nên cuộc cách mạng vĩ đại. Những năm gần đây, dịp nghỉ lễ 2-9 thường được Nhà nước tổ chức thành kỳ nghỉ dài ngày, mọi nhà đều hân hoan, khí thế đúng như ngày “Tết Độc lập” mà báo đài thường gọi. Tôi năm nay đã 91 tuổi, luôn mong muốn và tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng để đất nước ngày càng đổi mới, phát triển, Tết Độc lập ngày càng vui hơn. Tôi cũng luôn nhắc nhở con cháu và những người thân trong gia đình phải khắc sâu những giá trị to lớn của độc lập, tự do. Đó là tài sản vô cùng quý báu của mỗi người dân đất Việt.
Cụ Đàm Quang Chí (18/55, ngõ Tiến Bộ, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội
Từ ngày Quốc khánh đến Tết Độc lập
Chúng tôi là những người trẻ sinh ra trong hòa bình, chưa từng biết đến chiến tranh, đều có chung niềm tự hào, xúc động về ngày Quốc khánh 2-9. Để có được ngày độc lập ấy, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng biết bao máu, xương, mồ hôi và trí tuệ. Chính vì giá trị thiêng liêng đó mà có một thực tế là không biết từ bao giờ, ngày lịch sử trọng đại này đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, được bà con chờ đón, nhiều địa phương tưng bừng tổ chức như ngày Tết lớn thứ hai trong năm và gọi là Tết Độc lập. Tết Độc lập có ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Cái "Tết" giúp con người Việt Nam thoát khỏi lầm than, nô lệ, áp bức, được hưởng độc lập, tự do. Tôi từng được đọc đâu đó lời một nhà nghiên cứu lịch sử rằng, Tết Độc lập đã giúp nở hoa, kết trái bao niềm hạnh phúc, bao cái Tết khác.
 |
Cô giáo Đinh Thị Hiền.
|
Là một giáo viên lịch sử có nhiều năm đứng lớp và tìm đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu, tôi thấy sự chuyển biến này rất tự nhiên và có giá trị giáo dục rất lớn. Sự kiện ngày độc lập ấy đã là quá khứ nhưng luôn sống động, gần gũi khi trở thành nét văn hóa thường niên, giúp nhắc nhở thế hệ sau đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc.
Cô giáo Đinh Thị Hiền (Trường THPT Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Tổ chức Tết Độc lập – cách làm độc đáo ở Sơn La
Những ngày này về Mộc Châu (Sơn La), mọi người sẽ vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng, bởi nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông trong ngày vui đón Tết Độc lập. Với đồng bào Mông ở Mộc Châu, việc tổ chức Tết Độc lập đã trở thành một thông lệ từ nhiều năm nay. Từ đêm 31-8 đến 2-9, chính quyền địa phương sẽ tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu gồm có thi kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, múa xòe, đánh tu lu, giã bánh dầy, tung còn, thi văn hóa ẩm thực các dân tộc... Bên cạnh đó là những chương trình văn nghệ như biểu diễn dân ca, dân vũ, tấu nhạc cụ dân tộc...
 |
Chị Điêu Thị Cúc.
|
Những năm gần đây, dịp nghỉ lễ 2-9 thường được nghỉ dài, tuy nhiên không nhiều địa phương tổ chức được một kỳ nghỉ lễ thực sự có ý nghĩa. Tôi nhận thấy, mô hình tổ chức Tết Độc lập của đồng bào Mông vô cùng độc đáo, hướng mọi người tới một kỳ nghỉ lễ lành mạnh, vui tươi. Cách tổ chức này cũng khiến giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền tốt hơn. Bởi lẽ, một số bà con từ Lào Cai, Yên Bái ngoài xuống dự Tết Độc lập ở Mộc Châu còn đem theo các sản vật, vải vóc sang trao đổi, mua bán làm nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu cùng đủ loại trang phục dân tộc anh em, thắm thêm tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc. Mô hình Tết Độc lập cần nhân rộng nữa để ngày vui lớn của dân tộc ngày càng lan tỏa.
Điêu Thị Cúc (thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La)
Mong có nhiều sân chơi hấp dẫn
Những năm qua, mỗi khi đến Tết Độc lập, Đảng và Nhà nước thường tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng hòa bình, cổ vũ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
 |
Sinh viên Phạm Tiến Thành.
|
Tuy nhiên, tôi thấy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí tập thể có nơi còn đơn điệu, chưa có nhiều hình thức hấp dẫn. Học sinh, sinh viên vào những dịp này thường được nghỉ lễ dài ngày, chúng tôi muốn tìm một địa điểm để vui chơi giải trí cũng thật khó. Những lúc như vậy, chúng tôi rất mong nhà trường cũng như các đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động, những sân chơi bổ ích dành cho sinh viên. Ví dụ dịp đầu xuân, nhiều nơi đã diễn ra “Lễ hội Xuân Hồng” không chỉ để người tham gia có thể hiến tặng những giọt máu cứu giúp người bệnh, mà qua đó còn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sống với nhau. Mong rằng, không chỉ ở các đô thị lớn mà ở các vùng nông thôn sẽ ngày càng có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, nhiều sân chơi hơn nữa trong những dịp nghỉ lễ dài ngày của đất nước.
Phạm Tiến Thành (sinh viên Lớp 53-CTL2, Khoa Công trình, Trường đại học Thủy lợi)
KIÊN THÁI, ANH TÚ, HUYỀN TRANG, ĐỨC THỊNH (ghi)