QĐND - Giêm Rốt (James Rhodes), một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, sau này đã dành nhiều tình cảm cho dải đất hình chữ S. Giêm Rốt đã dành riêng cho Báo Quân đội nhân dân bài viết nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh 2-9. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Trước hết, thay mặt gia đình và bạn bè, tôi xin gửi tới toàn thể người dân Việt Nam lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chúc các bạn vui vẻ và ngập tràn hạnh phúc!
Thật lấy làm tiếc rằng nhiều người phương Tây nói chung và người Mỹ nói riêng không hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của ngày lễ này của các bạn, cũng như việc này chưa được phổ biến rộng rãi trong môi trường học thuật, mặc dù đó là việc nên làm.
Người Mỹ rất ngưỡng mộ những câu chuyện về những kẻ yếu thế vượt qua những khó khăn và nguy hiểm để vươn tới đỉnh điểm vinh quang bằng chiến thắng của dân tộc mình: Như trường hợp của G. Ga-ri-ban-đi (Giuseppe Garibaldi) thống nhất I-ta-li-a khi trục xuất người Áo và những kẻ thù thực dân khác; hay B. Hu-a-rết (Benito Juarez) thống nhất Mê-hi-cô bằng việc xây dựng quân đội từ nông dân chống lại lực lượng quân sự tinh nhuệ châu Âu; và nổi bật nhất phải kể đến việc X. Bô-li-va (Simon Bolivar) tập hợp một lực lượng quân đội từ những người nông dân khắp Nam Mỹ giải phóng Vê-nê-du-ê-la, Ê-cu-a-đo, Bô-li-vi-a, Pê-ru và Cô-lôm-bi-a thoát khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha.
Chủ tịch Hồ Chí Minh của các bạn xứng đáng đứng vào hàng ngũ của những vị anh hùng dân tộc này. Thật lấy làm tiếc vì còn nhiều khác biệt và thiên lệch về văn hóa nên điều này vẫn chưa thành hiện thực. Đa số người Mỹ chưa thấu hiểu được sự áp bức mà người Việt Nam đã trải qua sau 1000 năm Bắc thuộc; ách thống trị từ thực dân Pháp; sự cai trị quân sự từ đế quốc Nhật Bản; sự quay trở lại xâm lược của chế độ thực dân Pháp lần hai với sự hỗ trợ của người Mỹ trong khu vực… Và thật đáng tiếc là sau Chiến thắng Điện Biên Phủ của các bạn trước thực dân Pháp, chính quyền Mỹ thời đó đã dựng lên một chính quyền bù nhìn tại miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện các chính sách kinh tế toàn cầu, bảo đảm đa lợi ích của các tổ hợp công nghiệp quân sự và những tập đoàn đa quốc gia, là những thế lực thường xuyên thao túng các thành viên Quốc hội và Thượng viện Mỹ thời đó. Đó là thời kỳ đen tối của chính quyền Mỹ, thời kỳ mà chúng tôi vẫn châm biếm một cách chua cay là thời của “chính quyền tốt nhất mà tiền có thể mua”.
Tổng thống Ai-xen-hao (Eisenhower) đã từng cảnh báo người dân Mỹ về sự ảnh hưởng và sức ép đến từ các tổ hợp công nghiệp quân sự. Cựu Đại tướng X. Bắt-lơ (Smedley Butler) cũng đã cảnh báo công chúng về chủ nghĩa tư bản tàn bạo và những lợi ích kinh tế đã hoàn toàn thao túng các chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây chính là những bằng chứng xác thực được Đ. Eo-xbớc (Daniel Ellsberg) công bố từ tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Rõ ràng, “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” là cái cớ nhằm che đậy sự dối trá của chính quyền Tổng thống Giôn-xơn (Johnson) trong việc “chống chủ nghĩa Cộng sản”, nhưng mục tiêu thực sự là nhằm tiếp tục khai thác các lợi ích kinh tế từ những quốc gia được coi là yếu.
Chính bộ máy Quốc hội Mỹ thời kỳ đó đã gia tăng quyền lực cho Tổng thống Giôn-xơn trong cuộc chiến tranh chống lại người Việt và làm leo thang quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Hãy nhớ rằng, người Việt chưa từng có hành động thù địch nào cho đến khi các cố vấn quân sự Mỹ đặt chân lên đất nước Việt Nam.
Truyền thông đại chúng Mỹ chưa bao giờ đưa thông tin về sự việc Hồ Chí Minh đã từng gửi thư cho Tổng thống Mỹ ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nhằm nỗ lực ngăn chặn một cuộc xung đột tại Việt Nam và bị từ chối. Thông tin này hoàn toàn bị “giấu nhẹm” trước công chúng Mỹ từ lúc đó cho đến khi các tài liệu được công bố.
Ngoài ra, qua trao đổi cá nhân với tôi và trong cuốn sách của Eo-xbớc cũng đề cập đến quãng thời gian sau khi người Nhật xâm chiếm Việt Nam thay thế thực dân Pháp. Vào khoảng thời gian này, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Việt Minh trợ giúp Cục phục vụ Chiến lược của Mỹ (OSS) trong việc giải cứu các phi công của Mỹ và Đồng minh. Khi người Nhật đầu hàng vô điều kiện, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Việt Nam giành độc lập. Người Mỹ đã cố tình phớt lờ thực tế khi ủng hộ cho việc quay trở lại Việt Nam của thực dân Pháp. Trên thực tế, không nhiều người Mỹ nhận ra những điểm tương đồng trong "Tuyên ngôn Độc lập" của Việt Nam so với "Tuyên ngôn Độc lập" của Mỹ và "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của Pháp. Lịch sử ghi nhận một thực tế rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ, dưới sự thao túng của lợi ích kinh tế đã khoác lên mình danh nghĩa của người giải phóng sự áp bức và ngang nhiên xâm lược một đất nước Việt Nam độc lập tự do.
“Tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ” cũng chỉ ra rằng, chính quyền Mỹ thời đó biết rõ “chính quyền bù nhìn” tại miền Nam Việt Nam là một chính quyền của sự tham nhũng và không nhận được sự ủng hộ từ người dân. Một minh chứng lịch sử chính là việc nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối các chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm đàn áp dã man tầng lớp nông dân, báo chí, học sinh sinh viên và Phật tử.
Chúng tôi đã có một chuyến đi đầy ý nghĩa tới Côn Đảo. Chúng tôi đã may mắn được tham quan rất nhiều đền thờ, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm, biểu tượng và trải nghiệm về thế giới tâm linh của người bản địa. Hòn đảo này vẫn lưu giữ rất nhiều bí ẩn và tôi hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ lại có cơ hội được khám phá và nghiên cứu kỹ hơn về những người anh hùng đã anh dũng hy sinh để khai sinh ra một đất nước Việt Nam độc lập tự do ngày nay.
Xin một lần nữa chào mừng Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với tất cả sự chân thành, đặc biệt xin ngỏ lời tri ân tới những người đã anh dũng hy sinh nhằm bảo vệ ý nghĩa thực sự của Tự do và Độc lập!
QĐND