Ngày trước, khu vực kỳ đài Huế trước cửa Ngọ Môn ngày đêm luôn có trung đội lính khố vàng bảo vệ nghiêm ngặt. Người lạ lọt vào đây rất khó, chưa nói đến việc phải mang theo lá cờ đỏ sao vàng kích thước lớn để treo lên Kỳ đài với độ cao 29,52m. Vậy nhưng với lòng dũng cảm, ý chí sục sôi tinh thần cách mạng, những chiến sĩ của ta đã làm được điều này...
QĐND - Ngày trước, khu vực kỳ đài Huế trước cửa Ngọ Môn ngày đêm luôn có trung đội lính khố vàng bảo vệ nghiêm ngặt. Người lạ lọt vào đây rất khó, chưa nói đến việc phải mang theo lá cờ đỏ sao vàng kích thước lớn để treo lên Kỳ đài với độ cao 29,52m. Vậy nhưng với lòng dũng cảm, ý chí sục sôi tinh thần cách mạng, những chiến sĩ của ta đã làm được điều này.
 |
Kỳ đài Huế hôm nay. Ảnh tư liệu
|
Sáng 20-8-1945, đồng chí Trần Hữu Dực bí mật lệnh cho tổ treo cờ, gồm ba đồng chí: Đặng Văn Việt, Nguyễn Thế Lương (Cao Pha) và Nguyễn Kèn (Nguyễn Thế Lâm) bàn cách hạ cờ quẻ ly, kéo cờ đỏ sao vàng lên lấy khí thế để ngày 23-8 tổ chức mít tinh tại sân vận động rồi tỏa đi giành chính quyền giống như tại Hà Nội ngày 19-8. Cả ba người trong bộ binh phục ka-ki vàng gấp nếp, đội ca-lô sừng bò lệch, giày sắng đá ghệt bóng nhoáng, tay đeo băng đỏ, mượn súng ngắn Barillet đeo xệ hông để qua mặt đồn bốt, quân lính Nhật và Nam Triều Tiên. Kèn và Lương mỗi đồng chí dắt một chiếc xe đạp, ở giữa là cây tre to bó gọn lá cờ giống như cáng thương, tới điểm hẹn thì đứng ngoài đường đợi. “Quan ba” Việt cao to, dáng bệ vệ vào trạm gác dập gót giày đinh đánh rốp, rút súng lên đạn, ra lệnh cho tên đội: "Nhân danh Ủy ban Cách mạng khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế, tôi ra lệnh từ hôm nay 21-8 treo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài. Các anh cho hạ cờ quẻ ly và kéo cờ cách mạng lên". Tên đội cúi rạp người run như cầy sấy:
- Dạ bẩm quan, để con… để con xin ý kiến.
- Không được! Ra ngay kỳ đài lệnh cho lính chuẩn bị. Đúng giờ Ngọ sau 3 phát súng thần công nổ thì kéo cờ lên.
Và thế là cờ đỏ sao vàng được kéo lên theo đúng kế hoạch dự kiến. Đây là câu chuyện tôi được nghe ông Đặng Văn Việt kể lại cách đây đã gần chục năm. Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1950, ông Đặng Văn Việt từng giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 khi mới 27 tuổi. Với sự gan dạ, can trường trong chiến đấu, giặc Pháp khiếp sợ gọi ông là “Hùm xám Đường 4”. Ông từng tâm sự: Trong những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi trong cuộc đời, quãng thời gian tham gia Cách mạng Tháng Tám luôn là một dấu ấn không thể phai mờ…
TRỊNH TỐ LONG