QĐND Online - Những ngày này trong căn nhà nhỏ ở số 16 phố Điện Biên Phủ, Hà Nội, của Đại tá Nguyễn Bội Giong-nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Tổng Tham mưu khách ra vào tấp nập. Mặc dù đang bộn bề với việc chuẩn bị sửa chữa ngôi nhà cổ đang bị mối xông và thường xuyên phải di chuyển, nhưng người lính già đã bước sang tuổi 90 ấy vẫn cố gắng thu xếp để trò chuyện với tất cả các vị khách. Giọng nói hào sảng, khỏe khoắn như chưa hề bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, giây phút được có mặt trong khoảnh khắc lịch sử của đất nước trong những ngày mùa Thu lịch sử cách đây 70 năm trở lại với ông rõ ràng hơn bao giờ hết...

Đại tá Nguyễn Bội Giong say sưa kể chuyện .

Năm 1944, tốt nghiệp tú tài Trường Bưởi nhưng mặc cho liên tiếp có giấy gọi của nhà cầm quyền Pháp, tôi kiên quyết không đến nhận quyết định để phản đối những chính sách bất công của chính quyền thực dân. Tôi về quê ở làng Giáp Tứ (nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Lúc này dù chưa có phong trào “hẳn hoi” nhưng thanh niên quê tôi đã hăng hái tham gia hoạt động chống phá chính quyền như rải truyền đơn, biểu tình, bãi công... Sau này được nghe cán bộ Việt Minh-chính là đồng chí Vũ Oanh, được tổ chức cử về tuyên truyền, vận động, hoạt động của chúng tôi dần có tổ chức và bài bản hơn. Tôi cũng phải nói thêm rằng vì đồng chí Vũ Oanh vốn cũng là học sinh Trường Bưởi dưới tôi một khóa, anh em cũng biết và hiểu nhau nên việc định hướng phong trào cũng có nhiều thuận lợi.

Ban đầu hoạt động tuyên truyền của Việt Minh ở quê tôi chỉ là những buổi nói chuyện nhỏ, sau mở rộng dần thành những cuộc hội họp lớn. Những cuộc họp ấy vừa là cổ vũ phong trào vừa là để thử trình độ, lòng nhiệt tình của anh em với cách mạng. Từ sau khi Nhật đảo chính Pháp, những hoạt động này diễn ra sôi nổi và dần có quy mô hơn. Lúc này tôi đã được giác ngộ và là tổ trưởng tổ thanh niên cứu quốc của địa phương, do đồng chí Minh Đăng phụ trách. Cũng phải nói thật, tôi đã rất bất ngờ khi không hề biết Minh Đăng tham gia cách mạng từ lúc nào. Là đồng chí phụ trách, nhưng Minh Đăng chính là em cùng cha khác mẹ với tôi. Thật tự hào và sung sướng. Tất cả chúng tôi đang chuẩn bị cho một ngày lịch sử.

Tôi nhớ, khoảng thời gian dài tôi được giao nhiệm vụ vào nội thành rải truyền đơn. Tận dụng những lần ra vào đó, tôi làm quen với một tên lính Pháp và “gạ” mua được một khẩu súng Sanh-tê-chiên (Saint-étienne). Một số đồng chí khác cũng bằng nhiều cách “kiếm” được tổng cộng khoảng 10 khẩu súng. Ngày 17-8, tập hợp xong lực lượng, chúng tôi bừng bừng khí thế tiến về trụ sở xã. Ai có gì cầm nấy, người có súng được đi đầu hùng dũng tiến về phía trước. Mỗi lúc đoàn người một đông, tôi nhẩm tính có khi đến hàng nghìn người. Bọn Tây thấy khí thế đó không tên nào dám kháng cự, tự buông súng đầu hàng. Chúng tôi thu thêm được 16 khẩu súng. Quê tôi giành chính quyền thành công mà không có bất kỳ tổn thất nào.

Ngay sau khi tiếp quản các khu vực hành chính, đội vũ trang của thôn do tôi làm đội trưởng được thành lập. Sau ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội thành công, tôi đề nghị tổ chức cho về nội thành Hà Nội hoạt động trong Tự vệ thành Hoàng Diệu mới được thành lập. Tôi được giao là người phụ trách khu vực chợ Đồng Xuân sau này gọi là Trung đội Tự vệ chiến đấu Đồng Xuân. Bước đường đến với cách mạng rồi trở thành người lính Bộ đội Cụ Hồ cho đến ngày hôm nay của tôi bắt đầu như thế. Dù nay tuổi đã già, nhưng với tôi, tinh thần cách mạng của mùa Thu Tháng Tám mãi rực cháy trong tất cả những người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mãi mai sau.

BÍCH TRANG (Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Bội Giong)