QĐND - Ngày này 70 mươi năm về trước, Cách mạng Tháng Tám thành công, một trang mới trong lịch sử xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam đã được mở ra. Và câu đầu tiên trong một bài học ở trường phổ thông mà tôi vẫn nhớ nằm lòng, dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, là: “Ngày 2-9-1945, trên quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa". Đó cũng là kiến thức lịch sử sơ khai của tôi về Nhà nước do Bác Hồ sáng lập. Kiến thức lịch sử ấy cùng tôi lớn dần theo thời gian, từ khi hoạt động trong Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam - nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, đến Ðoàn Thanh niên Lao động Việt Nam - nay là Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tham gia Đội và Đoàn, tôi có cơ hội được nâng cao hơn nữa kiến thức của mình, càng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa vô cùng to lớn của sự kiện trọng đại này. Cũng qua đó tôi mới hiểu về Nhà nước kiểu mới đầu tiên được thiết lập trên Tổ quốc mình, đem lại quyền lợi cho mọi người, đặc biệt là nhân dân lao động. Sự ra đời của Nhà nước dân chủ, cộng hòa ở Việt Nam cũng là sự khởi đầu cho quá trình tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Những bài học lịch sử trên ghế nhà trường, đặc biệt các tiết học về cuộc kháng chiến trường kỳ chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giúp tôi hiểu rằng, để bảo vệ Nhà nước non trẻ, hàng triệu người Việt Nam đã không chỉ đóng công sức, tài sản cho sự nghiệp kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo, mà đã xung phong ra trận, hy sinh cả tính mạng của mình vì nền độc lập.
 |
Tác giả Hồ Ngọc Thắng trong chuyến thăm đảo Trường Sa Lớn, tháng 4-2015. Ảnh: Mỹ Hạnh
|
Đầu năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang giai đoạn mới, hàng vạn học sinh, sinh viên đã tình nguyện nhập ngũ. Và tôi cũng vinh dự trở thành “Bộ đội cụ Hồ”, cùng đoàn quân hào hùng vượt Trường Sơn ra trận. Trong Chiến dịch Xuân - Hè tại mặt trận Trị - Thiên, là chiến sĩ của Sư đoàn 325, tôi đã chứng kiến lòng quả cảm, sự xả thân vì Tổ quốc của đồng đội tôi trong các trận đánh ác liệt ở Thành Cổ Quảng Trị, Cửa Việt… Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt đó, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” không phải là khẩu hiệu hay lời thề hình thức mà là thực tế diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Cuộc sống là cái quý nhất mỗi người có được nhưng không vì thế nhiều đồng đội của tôi chùn bước, mà đã hy sinh cả tính mạng, chiến đấu để biến khát vọng độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc trở thành hiện thực. Tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã ba lần cùng đồng đội kỷ niệm Quốc khánh 2-9 trong một không gian đặc biệt là trong chiến hào mặt trận. Nguy hiểm cận kề, cuộc sống vật chất rất thiếu thốn nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ vẫn không hề nao núng. Nhiệt huyết cách mạng và sự tin tưởng vào tương lai đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ là nguồn động lực lớn giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ mà dân tộc giao phó. Để mọi người có cuộc sống hạnh phúc như hôm nay, mấy thế hệ người Việt Nam đã hy sinh cả những năm tháng tuổi trẻ, nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi.
Sau khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, tôi may mắn được học và tốt nghiệp một trường đại học về luật ở châu Âu. Qua những môn học như lý thuyết nhà nước và pháp quyền, lịch sử pháp quyền, luật quốc tế… tôi đã hoàn thiện kiến thức chuyên môn của mình và từ đó nhận thức đúng đắn rằng, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước kia và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay là nhà nước của dân, do dân, vì dân và tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Đó chính là bản chất chân chính về phương diện pháp lý của thể chế chính trị ở Việt Nam. Tất nhiên, trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nhiều bất cập cần được điều chỉnh. Nhưng tất cả những thành tựu to lớn đạt được đến hôm nay, đặc biệt từ khi có chính sách đổi mới toàn diện, là cơ sở cho niềm tin thắng lợi trên con đường xây dựng và hoàn thiện một nhà nước hiện đại.
Vì lý do của gia đình, hơn 20 năm qua tôi sống và làm việc tại CHLB Đức. Làm việc đúng ngành học, tôi có điều kiện đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử Việt Nam, đặc biệt tài liệu liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Một câu hỏi tôi bận tâm là tại sao trong quá khứ, một số nước phương Tây không công nhận Nhà nước của chúng ta? Qua nghiên cứu tôi đã tìm được câu trả lời: Lý lẽ phi lý của họ chỉ nhằm vào mục đích biện bạch cho việc tiến hành cuộc chiến tranh bẩn thỉu chống lại một dân tộc yêu nước, không chịu khuất phục trước bạo lực, không chịu làm nô lệ của ngoại bang. Nhưng cùng với thời gian, tính chính nghĩa của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng khối đoàn kết toàn dân tộc đã thuyết phục nhân loại, nhận được sự trân trọng; đến hôm nay, Nhà nước Việt Nam đã được cả cộng đồng quốc tế công nhận. Là một thành viên tích cực, đáng tin cậy của Liên hợp quốc, Việt Nam được đánh giá là một tấm gương trong việc xây dựng, phát triển đất nước và đã đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Thời gian gần đây, một số cá nhân, tổ chức thù địch hoặc thiếu thiện chí đăng tải lên mạng nhiều bài viết về Cách mạng Tháng Tám. Đặc điểm cơ bản của những bài viết này là luận điệu xuyên tạc nhằm làm giảm ý nghĩa to lớn của hai sự kiện có tính bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam hiện đại là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9. Đó không phải là việc gì mới, vì nhiều năm qua họ đã dùng mọi thủ đoạn để “xét lại lịch sử”, để từ đó “hạ bệ thần tượng, giải thiêng lãnh tụ” của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Nhưng họ đã thất bại thảm hại.
70 năm là quãng thời gian rất ngắn với lịch sử dân tộc, nhưng rất dài với một đời người và cũng đủ điều kiện để cho chúng ta thấy rằng bảo vệ, kế tục và tiếp tục phát triển sự nghiệp bắt đầu từ “cách mạng mùa thu” năm xưa là một vinh dự, là trách nhiệm của mọi con dân Việt và tôi sẽ tiếp tục đóng góp một phần nhỏ bé của mình.
HỒ NGỌC THẮNG (CHLB ĐỨC)