QĐND - Mấy năm gần đây sức khỏe giảm sút, ông Vũ Cao Xuân, 87 tuổi, ngụ tại TP Biên Hòa không đi kể chuyện về những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 cho thế hệ trẻ được nữa, nhưng sự kiện lịch sử trọng đại ấy mãi vẹn nguyên trong tâm trí ông. Biên Hòa 70 năm trước hừng hực khí thế cách mạng, toàn dân nhất tề đứng lên giành tự do, chào mừng chiến thắng. Đã nhiều năm nay ông tự nguyện “truyền lửa” để bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay. Nói về việc làm của mình, ông kể:

- Trước đây, tôi thường đi tuyên truyền cho các cháu học sinh, sinh viên về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ở Đồng Nai. Tôi kể về khí thế cách mạng sục sôi năm ấy mà tôi là một thành viên trong tổ chức Thanh niên Tiền phong của tỉnh…

Di tích Quảng trường Sông Phố, nơi ra mắt chính quyền cách mạng đầu tiên ở Biên Hòa.

Ấy là ông Xuân nói về đêm 23-8 của 70 năm trước khi chàng thanh niên Vũ Cao Xuân cùng 10 đồng chí khác được giao nhiệm vụ đến các khu vực công cộng hướng dẫn nhân dân treo cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, dán khẩu hiệu khắp các phố chợ. Công việc diễn ra thuận lợi nhờ có sự giúp sức của các anh chị lao công trên các tuyến đường. Đêm 24-8, Ủy ban khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít-tinh, công khai kêu gọi đồng bào tham gia Mặt trận Việt Minh, đứng dậy khởi nghĩa cướp chính quyền. Suốt đêm đó, nhóm của ông Xuân liên tục đi tuần tra trên các đường phố. Sáng sớm 25-8, ông cùng nhiều thanh niên được cử ra ga Biên Hòa bảo vệ chuyến xe lửa đầu tiên đưa hơn 500 người tới Sài Gòn tham gia khởi nghĩa.

Trong ngày hôm ấy, Sài Gòn nổi dậy giành thắng lợi, cổ vũ khí thế cách mạng ở Biên Hòa. Sáng 26-8, đoàn người biểu tình tiến vào dinh tỉnh trưởng vây ép, buộc tên tỉnh trưởng cùng viên chức đứng đầu các công sở trong tỉnh bàn giao chính quyền cho cách mạng. Vẻ tự hào, ông kể tiếp:

- Theo đà thắng lợi, chúng tôi cùng bà con tiến đến bao vây trụ sở cảnh sát Biên Hòa. Tên sở trưởng ngoan cố chống cự liền bị thanh niên xung kích áp chế, buộc phải hạ lệnh đầu hàng. Chúng tôi tịch thu 40 khẩu súng các loại của bọn lính mã tà và nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ cơ quan, công sở. Biên Hòa hoàn toàn thuộc về chính quyền cách mạng trong ngày 26-8.

Đến sáng hôm sau, tại Quảng trường Sông Phố, một cuộc mít-tinh lớn được tổ chức với sự tham gia của hàng vạn người mang theo băng, cờ, khẩu hiệu rợp các ngả đường nội ô. Chính quyền cách mạng ra mắt trong niềm hân hoan chào đón của toàn thể nhân dân. Kết thúc cuộc mít-tinh, hơn một vạn người thay mặt cho 15 vạn đồng bào trong tỉnh đã long trọng tuyên thệ, sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản, kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngay sau đó, lực lượng Thanh niên Tiền phong được lệnh chuẩn bị tham gia mít-tinh chào mừng Chính phủ cách mạng lâm thời ra mắt. Sớm ngày 2-9-1945, dòng người từ khắp nơi trong tỉnh đổ về trung tâm hành chính để được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nhưng do không tiếp sóng được với Hà Nội, nên đại diện Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa lên nói về ý nghĩa của ngày Quốc khánh. Đồng bào mừng vui, cảm động rơi nước mắt đón chào cuộc đời mới!

Địa điểm Quảng trường Sông Phố năm xưa giờ là một "địa chỉ đỏ "giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay.

Bài và ảnh: YẾN LONG