QĐND - Đất nước đã trải qua mấy ngàn thu. Mấy ngàn mùa thu ấy, mùa thu năm 1945 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi nhất. Mùa thu ấy, nhân dân Việt Nam từ kiếp lầm than nô lệ đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất”, sau hơn 80 năm ròng chìm đắm trong ách thống trị của thực dân ngoại bang.
Khi những tia nắng vàng trải khắp nẻo đường phố phường, làng quê; khi sắc cờ đỏ tung bay phấp phới dưới trời thu xanh biếc, lòng người lại rạo rực, bồi hồi nhớ về hào khí những ngày thu đã xa. Nhớ hình ảnh vị Cha già dân tộc Hồ Chí Minh ngồi bên căn lán Nà Nưa đơn sơ, đôi mắt hõm sâu vì bao đêm thao thức, suy nghĩ trước thời khắc quyết định vận mệnh dân tộc. Tại đây, một quyết định lịch sử ra đời: Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Ngày 16-8-1945, 60 đại biểu ưu tú của Tổ quốc đã tề tựu dưới mái đình Hồng Thái, bên cây đa Tân Trào, mở Đại hội Quốc dân, quyết định chủ trương giải phóng dân tộc. Cũng tại mảnh đất thiêng này, Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố, cờ đỏ sao vàng được chọn làm Quốc kỳ, bài hát "Tiến quân ca" được chọn làm Quốc ca. Lãnh tụ Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Lệnh Tổng khởi nghĩa và lời kêu gọi của Bác như lời hịch non sông thúc giục lòng người ra trận. Phong trào quần chúng do Việt Minh lãnh đạo sục sôi như bão táp, "kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Theo tiếng gọi của Đảng, hơn hai mươi triệu đồng bào trong cả nước, từ nông dân, thợ thuyền, đến viên chức, trí thức, học sinh, sinh viên, với giáo, mác, tầm vông, gươm, súng trong tay, nhất tề vùng lên như nước vỡ bờ, sức mạnh như triều dâng thác đổ. Ngày 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy Giải phóng quân từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu Cách mạng Tháng Tám; ngày 19-8, Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 28-8-1945, hầu hết các địa phương trong cả nước giành được chính quyền. Ngày 2-9-1945, giữa trời thu Hà Nội, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Giữa không gian như “muôn triệu tim chờ, chim cũng nín”, Bác ân cần hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Triệu trái tim cùng chung nhịp đập, biển người hô vang: "Có!", tựa như “Trường Sơn say sóng Biển Đông”…
Nghĩ về mùa thu năm ấy, càng hiểu thêm giá trị của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Mùa thu 1945 là điểm tựa lịch sử, tạo sức bật cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước tiến lên, giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, non song thu về một mối, đất nước trọn niềm vui. Mùa thu nay đã thay áo mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những làng mạc nghèo xơ xác năm xưa, nay đã trở thành những miền quê trù phú. Giặc đói đã bị diệt trừ, lúa gạo không chỉ đầy bồ mà còn xuất khẩu. Giặc dốt cũng được đẩy lùi, trí tuệ Việt Nam đã vươn ra tầm thế giới… Đất nước hội nhập rộng mở, thế nước đi lên. Công trường, nhà máy, khu đô thị mọc lên khắp nơi. Những con đường cao tốc như dải lụa, kết nối các tam giác, tứ giác kinh tế, đánh thức những vùng quê nghèo khó. Và những dòng sông xưa nay đã dần vắng bóng những con đò, bến phà, thay vào đó là những cây cầu nối nhịp bờ vui…
Mùa thu ghi mốc son lịch sử, vui say trong nắng thu vàng, nhưng không quên những tháng ngày phong ba, bão tố. Sống trong độc lập, tự do không quên những năm tháng gông xiềng, nô lệ. Công cuộc dựng xây đất nước, chống nghèo nàn, lạc hậu, tiêu cực hôm nay vẫn còn lắm chông gai, đòi hỏi Đảng ta, nhân dân ta không một phút lơ là, mất cảnh giác. “Thái bình nên gắng sức, non nước ấy nghìn thu!”.
CAO DÂN