Bài 2: Công trình từ ý chí và quyết tâm của Đảng
Ngay sau Lễ tang viếng Bác, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban phụ trách “Quy hoạch A” gồm các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài... với nhiệm vụ giúp Bộ Chính trị nghiên cứu quy hoạch chung về việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng mộ của Người. Ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người. Cố gắng làm nhanh, làm tốt và sớm xây dựng xong Lăng mộ để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971...”
Nỗ lực và trách nhiệm của Đảng
Ngày 9-2-1971, tại Mát-xcơ-va, thay mặt Chính phủ Liên Xô, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nô-vi-cốp đã ký kết Hiệp định giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người. Ngày 3-11-1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định chính thức thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng (sau này là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) làm Trưởng ban; đồng chí Bùi Quang Tạo, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc làm Phó trưởng ban; đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Ủy viên.
 |
Lễ Khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.
|
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định thành lập Ban Chỉ huy công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy phiên hiệu là Công trường 75808) do Kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, Thứ trưởng Bộ Kiến trúc làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Thượng tá Trần Bá Đặng, Phó tư lệnh Binh chủng Công binh làm Phó Chỉ huy thứ nhất, đồng chí Nguyễn Văn Bé làm Phó Chỉ huy phụ trách kỹ thuật, đồng chí Trung tá Lương Soạn làm Phó Chỉ huy phụ trách vật tư... Thế nhưng, thời điểm này do đế quốc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, sau khi xem xét tình hình, đánh giá mọi mặt, Bộ Chính trị quyết định tạm dừng xây dựng Lăng theo tiến độ.
Ngày 28-1-1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, với nguyện vọng thiêng liêng và quyết tâm không gì sánh nổi của nhân dân cả nước ta trong những ngày này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định lấy ngày 2-9-1973 là ngày khởi công xây dựng Công trình Lăng Bác, ngày 2-9-1975 là ngày hoàn thành và đưa Công trình Lăng vào hoạt động. Thực hiện quyết định đó, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã dồn công sức cùng với cán bộ, chiến sĩ, công nhân trên công trường xây dựng Lăng Bác, quyết tâm hoàn thành việc xây dựng Lăng trước ngày 2-9-1975. Và quyết tâm ấy đã trở thành hiện thực khi ngày 18-7-1975, thi hài Bác từ Công trình K84 được đón về Lăng – “Ngôi nhà vĩnh hằng” của Người. Đến ngày 29-8, Lễ khánh thành Lăng Bác được Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Cũng từ ngày ấy, đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng bạn bè quốc tế được vào thăm viếng Bác tại “Ngôi nhà vĩnh hằng” của Người.
Bắt đầu từ buổi tổ chức Lễ viếng Bác đầu tiên (29-8-1975), nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác chuyển sang một giai đoạn mới với những yêu cầu mới. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 28-12-1975, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 179 chính thức thành lập Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Mính, lấy phiên hiệu là Bộ tư lệnh 969.
 |
Cán bộ, nhân viên Viện 69 nghiên cứu khoa học, vươn lên làm chủ công nghệ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Trung Hiếu.
|
Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác, với tinh thần độc lập tự chủ, tháng 5-1976, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Viện 69. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo chăm sóc bảo vệ giữ gìn thi hài Bác của Quân ủy Trung ương đã làm việc với đồng chí Đỗ Mười xin địa điểm để thiết kế xây dựng một công trình gần khu vực Lăng để đơn vị có nơi làm việc, triển khai công tác nghiên cứu khoa học. Công trình do các kỹ sư thuộc Phòng Công trình Bộ tư lệnh Công binh thiết kế (mang ký hiệu T77). Sau này, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng, biên chế tổ chức của Viện 69 được phát triển và được đầu tư bổ sung thêm nhiều phương tiện, trang bị hiện đại. Nơi đây đã thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài Quân đội làm việc, cộng tác, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng...
“Tự lực, tự cường” gìn giữ lâu dài thi hài Bác
Đầu thập kỷ 90, tình hình chính trị ở Liên Xô thay đổi nhanh chóng, Nhà nước Liên Xô với lý do kinh tế gặp khó khăn, đã cắt giảm chương trình viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, trong đó có Công trình Lăng Bác; thay vào đó là những hiệp định viện trợ theo cơ chế thanh toán. Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 10-7-1991, một hội nghị chuyên đề về Lăng Bác do đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh chủ trì, đưa ra những ý kiến chỉ đạo rất cụ thể đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này.
Vào khoảng Quý III (năm 1992), Việt Nam đã không còn được nhận dung dịch để chuẩn bị làm thuốc lớn thi hài Bác vào dịp tu bổ định kỳ. Tổ chuyên gia Liên bang Nga do Giáo sư Rô-ma-cốp, Viện phó Viện thi hài Lê-nin dẫn đầu cũng thông báo sẽ không sang Việt Nam theo kế hoạch. Do vậy, Thường vụ, Bộ tư lệnh đã hạ quyết tâm giao cho Viện 69 đảm nhận chủ trì làm thuốc lớn thi hài Bác trong tu bổ định kỳ tháng 9-1992. Đây là lần làm thuốc lớn đầu tiên sau 23 năm kể từ ngày Bác mất, đánh dấu bước phát triển mới của Viện 69.
 |
Thực hiện Nghi Lễ chào cờ hằng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung Hiếu.
|
Tháng 12-1992, theo chỉ thị của đồng chí Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (sau này là Thủ tướng Chính phủ), phụ trách trực tiếp Ban Quản lý Lăng, một đoàn cán bộ của Ban Quản Lý Lăng do đồng chí Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban, kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã sang làm việc với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga. Nhiệm vụ của Đoàn là phải đưa về Việt Nam số dung dịch ta đã đặt hàng và hoàn trả tiền cho phía bạn (từ quý II, năm 1991); đồng thời xây dựng được mối quan hệ trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học thông qua một hiệp định hợp tác, để phía Liên bang Nga giúp đỡ ta lâu dài.
Trong thời gian làm việc tại Mát-xcơ-va, Đoàn công tác đã gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự chân thành, sẵn sàng giúp đỡ của các nhà khoa học Liên bang Nga, khó khăn đã được tháo gỡ. Ngày 28-12-1992, Lễ ký kết Hiệp định hợp tác lâu dài giữa Ban Quản lý Lăng và Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (nay là Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va) được tiến hành, có sự chứng kiến của đại diện Sứ quán Việt Nam tại Mát-xcơ-va. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, tiến tới làm chủ khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.
Thực hiện nội dung hiệp định, năm 1993, bác sĩ Đỗ Văn Dai, Viện trưởng và Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Phó Viện trưởng Viện 69 đã được Bộ tư lệnh cử sang Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va học tập 2 tháng. Những năm tiếp theo cán bộ của Viện tiếp tục thay nhau sang học tập và phối hợp cùng phía bạn, nghiên cứu những đề tài khoa học, nội dung của các đề tài nghiên cứu, ta và bạn cùng bàn bạc thống nhất.
Đầu năm 1994, Thường vụ và Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tu sửa, chỉnh trang lại công trình T77, phấn đấu để năm 1995 công khai với Nga cơ sở nghiên cứu của ta. Đó cũng là giải pháp nhằm thống nhất với bạn việc cử cán bộ của Nga sang giảng dạy cho cán bộ y tế của Viện 69, như vậy đông đảo cán bộ ta sẽ được tham gia học tập, tiết kiệm chi phí hơn. Cũng trong năm 1994, Việt Nam đề nghị Nga bỏ chế độ chuyên gia thường trực việc chăm sóc thi hài Bác, đồng thời, công việc này sẽ do cán bộ Viện 69 đảm nhiệm.
 |
Tọa đàm “Cán bộ, sĩ quan trẻ phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” tại Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung Hiếu
|
Để giữ gìn lâu dài thi hài Bác, dung dịch bảo vệ thi hài giữ một vị trí chủ yếu, mang tính quyết định. Từ năm 1969, khi bạn giúp ta thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác đến khi Liên Xô tan rã tháng 9-1991, dung dịch được phía Liên Xô đưa từ Mát-xcơ-va sang Hà Nội. Bắt đầu từ năm 1993, thực hiện hiệp định hợp tác giữa ta và bạn, hằng năm Nga cung cấp cho ta số lượng dung dịch cần thiết, được pha chế sẵn tại Mát-xcơ-va. Thế nhưng do nhiều yếu tố khách quan, cộng với chủ trương chủ động làm kỹ thuật pha chế dung dịch, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp hợp tác trên lĩnh vực này. Đến năm 2004, Nga đã cử hai chuyên gia sang Việt Nam để cùng Viện 69 pha chế lô dung dịch đầu tiên tại cơ sở ở Việt Nam. Sau khi pha chế xong, dung dịch được phân tích, kiểm tra cho thấy chất lượng tốt, cho phép dùng ướp giữ thi hài Bác. Đây là thành công to lớn của Viện 69 nói riêng, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung trên con đường tự lực, tự cường.
Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày Bác ra đi, hôm nay, ngắm nhìn dòng người vào Lăng viếng Bác trải dài bất tận, lòng mỗi chúng ta lại càng vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước đã có quyết định đúng đắn giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người, để hôm nay và mai sau, nhân dân ta và bầu bạn quốc tế mãi mãi được vào Lăng chiêm ngưỡng chân dung của Người. Chúng ta vô cùng biết ơn các thế hệ lãnh đạo, các cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trải qua nhiều năm tháng đã vượt qua biết bao khó khăn, chung sức, chung lòng, góp sức giữ yên giấc ngủ của Người.
NGUYỄN TẤN TUÂN (tổng hợp)
Bài 1: Giữ gìn lâu dài thi hài Bác - trách nhiệm thiêng liêng của toàn dân tộc
Bài 3: Tất cả vì “ngôi nhà vĩnh hằng” của Bác