Bài 1: Giữ gìn lâu dài thi hài Bác - trách nhiệm thiêng liêng của toàn dân tộc

QĐND Online - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh- Ngày truyền thống của Bộ tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29-8-1975 / 29-8-2015), mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề: “Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Online tổng hợp một số nội dung từ các tham luận tại tọa đàm và trân trọng giới thiệu vệt bài cung cấp thêm nhiều tư liệu lịch sử về quá trình xây dựng Lăng; nêu bật công sức, đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia bảo vệ thi hài của Bác; đồng thời khẳng định ý nghĩa to lớn mang tầm thời đại của công trình được xây dựng từ “ý Đảng, lòng Dân” và tình hữu nghị Việt– Xô.

Một bước chuẩn bị kỹ lưỡng

Tháng 5-1967, sau lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, nhận thấy thực tế về tình hình sức khỏe của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đưa ra quyết định sẽ giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng mộ của Người khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Trên tinh thần đó, Trung ương cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng, Chính phủ Việt Nam sang Liên Xô đàm phán, đề nghị phía bạn giúp đỡ ta chuẩn bị thực hiện ý nguyện này. Đồng thời, hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ hết sức đặc biệt này cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện.

Để công việc được triển khai sớm, đồng chí Lê Thanh Nghị đã rời Hà Nội lên đường sang Mát-xcơ-va đàm phán với Chính phủ Liên Xô. Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác Hồ đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng, Chính phủ Liên Xô khẳng định sẽ ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng mộ của Người.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ tang của Người, ngày 9-9-1969. (Ảnh: tư liệu)

Ngay sau chuyến làm việc thành công của đồng chí Lê Thanh Nghị, ba đồng chí cán bộ: Thiếu tá Nguyễn Gia Quyền, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và bác sĩ Lê Điều được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng Trung ương giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Ngày 2-9-1967 ba đồng chí nêu trên đã bí mật lên đường. Ngày 14-9-1967, đoàn đến Mát-xcơ-va và được đưa ngay đến Viện khoa học giữ gìn thi hài V.I Lê-nin. Đồng chí X.X. Đề-bốp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện trưởng đã tiếp đón và thảo luận chương trình, thời gian học tập của ba đồng chí. Sau 7 tháng miệt mài học tập, đoàn đã nắm được những kiến thức chuyên môn thiết yếu, được phía bạn kiểm tra chặt chẽ và đánh giá cao về kết quả học tập. Đến tháng 4 -1968, đoàn trở về nước.

Tháng 6-1968, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương quyết định thành lập “Tổ Y tế đặc biệt” gồm 6 đồng chí: Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền; Đại úy, Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn; Thượng úy, Bác sĩ Lê Điều; Thiếu úy, Bác sĩ Nguyễn Văn Châu; Y sĩ Đỗ Trung Hát; Hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được chỉ định làm Tổ trưởng. Tổ Y tế đặc biệt thuộc biên chế Quân y Viện 108. Để giữ bí mật, Tổ được sử dụng địa điểm và trang thiết bị của Khoa Giải phẫu bệnh lý (Viện 108). Đây là tổ chức tiền thân của BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Cùng với việc thành lập “Tổ Y tế đặc biệt” khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị về y tế, Quân ủy Trung ương còn chỉ thị cho BTL Công binh tổ chức lực lượng, xây dựng một công trình nhằm phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác về sau. Quân ủy Trung ương quyết định chọn phần phía sau của Nhà tang lễ Quân y Viện 108 để cải tạo thành công trình theo yêu cầu thiết kế công trình. Sau một thời gian thi công khẩn trương, cuối năm 1968, công trình được xây dựng xong (mang mật danh Công trình 75A) và được bàn giao cho “Tổ Y tế đặc biệt” quản lý. Cũng thời điểm này, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định chọn Quảng trường Ba Đình là địa điểm tổ chức lễ tang khi Bác từ trần, đồng thời cũng là nơi đặt thi hài Bác để nhân dân và bè bạn quốc tế đến viếng Bác. BTL Công binh một lần nữa lại được giao nhiệm vụ chuẩn bị những công việc cần thiết để đáp ứng yêu cầu giữ gìn thi hài Bác phục vụ lễ viếng tại đây. Do đó, một công trình nữa (mang mật danh Công trình 75B) được xúc tiến xây dựng.

Lễ ký biên bản hợp tác trong lĩnh vực y tế với những bạn Nga và đối tác quốc tế. Ảnh: Trung Hiếu

Vào khoảng trung tuần tháng 8-1969, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác trực thuộc Quân ủy Trung ương. Ban chỉ đạo gồm các đồng chí: Thiếu tướng Lê Quang Đạo; Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Vũ Văn Cẩn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y; Đại tá Trần Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội. Cuối tháng 8 -1969, Ban Chỉ đạo sau khi kiểm tra mọi mặt công tác chuẩn bị báo cáo với Bộ Chính trị.

Mùa thu năm 1969, tình hình sức khỏe của Bác diễn biến xấu hơn, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã điện thông báo cho Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô yêu cầu cử Đoàn chuyên gia y tế làm công tác giữ gìn thi hài sang Việt Nam. Ngày 28-8-1969, Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô gồm 5 đồng chí do Viện sĩ X.X Đề-bốp làm trưởng đoàn đã đến Hà Nội.

Để Bác mãi gần gũi với chiến sĩ, đồng bào

Và cái ngày không ai mong đợi cũng đến. Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi lại thời khắc lúc 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969 - ngày mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bầu bạn trên khắp thế giới từ giã Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại và muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Ngay sau khi Bác mất, đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam trong Tổ Y tế đặc biệt đã kìm nén đau thương tột độ, phối hợp cùng với các chuyên gia Liên Xô tiến hành công tác y tế với thi hài của Bác. Sau gần 3 giờ làm việc liên tục, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm thi hài Bác được giữ gìn lâu dài. Đúng 20 giờ ngày 5-9, thi hài Bác được đưa về Hội trường Ba Đình (Công trình 75B). Người được nằm trên chiếc giường gỗ trải nệm trắng trong chiếc hòm kính trong suốt trên bục Lễ đài giữa hội trường. Các đồng chí lãnh đạo thay nhau túc trực bên thi hài Người.

6 giờ sáng ngày 6-9, các đồng chí trong Bộ Chính trị cùng cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đều có mặt đông đủ bên linh cữu Bác. Mắt người nào cũng đẫm lệ. Sau Lễ viếng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan, ban nghành Trung ương, đến lượt nhân dân vào viếng Bác. Dòng người nối nhau nhích dần từng bước tưởng chừng như vô tận trên Quảng trường lịch sử. Ngày 9-9, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước cử hành rất trọng thể. Đến 21 giờ cùng ngày, thi hài Bác được đưa về Công trình 75A, chuẩn bị cho việc giữ gìn lâu dài, kết thúc những ngày tang lễ đau thương, có một không hai trong lịch sử.

Khu di tích lịch sử K9 hôm nay là “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử truyền thống cho bộ đội. Ảnh: Trung Hiếu.

Khi Bác qua đời, với lòng kính trọng, yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, xét thấy Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới nóng ẩm, Việt Nam lại đang phải tiến hành cuộc kháng chiến, thiếu thốn nhiều thứ nên Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô đề nghị với Ban Chỉ đạo: Sau Lễ truy điệu cần đưa thi hài Bác sang Liên Xô để gìn giữ bảo vệ lâu dài. Ban Chỉ đạo nhận thấy, ý kiến của bạn là thẳng thắn, chân tình và rất thực tế, nhưng đó là điều không thể được, không hợp với đạo lý, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của toàn dân, và chắc chắn nhân dân ta sẽ không thể chấp nhận... Do đó, Ban Chỉ đạo báo cáo ngay với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và trao đổi trực tiếp với các đồng chí chuyên gia y tế Liên Xô về sự cần thiết phải tiến hành công việc giữ gìn thi hài Bác ngay tại Việt Nam dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo đã tổ chức một cuộc họp rộng rãi với các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ hàng đầu của đất nước để tìm cách bảo vệ tốt nhất thi hài của Bác. Ý kiến kết luận của hội nghị được kịp thời báo cáo với Bộ Chính trị. Nhất trí với tinh thần của hội nghị, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trao đổi trực tiếp ngay với đồng chí A.N.Kô-xư-ghin, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đang có mặt tại Hà Nội dự Lễ viếng và truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí A.N. Kô-xư-ghin đã đồng ý sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ, cùng Việt Nam tìm mọi cách giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam.

Cũng chính trong những ngày ấy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã có thêm một quyết định trọng đại: Bên cạnh việc hết sức tranh thủ dựa vào sự giúp đỡ của Liên Xô, phải bí mật triển khai ngay công tác nghiên cứu khoa học của Việt Nam để bảo vệ và giữ gìn thi hài Người. Theo đó, một Tổ tư vấn giúp Ban Chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học được thành lập và đi vào hoạt động. Cùng với đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương còn chỉ thị phải tìm chọn một vị trí xa Hà Nội để xây dựng một công trình, khi cần thiết phải đưa thi hài Bác ra khỏi Hà Nội. Sau nhiều lần khảo sát, Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xin chọn Khu vực K9. Được trên chấp thuận, Quân ủy Trung ương đã giao ngay nhiệm vụ cho BTL Công binh tổ chức thực hiện, công trình được khẩn trương triển khai. Đến ngày 15-12-1969, Công trình K9 được hoàn thành vượt mức thời gian quy định 10 ngày. Để giữ bí mật, Công trình K9 được đổi tên thành K84 (K9 + K75).

Cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên Lăng Bác. Ảnh: Trung Hiếu

Đúng 23 giờ ngày 23-12-1969, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát từ Công trình 75A. Sau hơn 4 giờ hành quân, đoàn xe đã đến K84. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ thi hài Bác, ngày 16-2-1970, theo đề nghị của Ban Chỉ đạo, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định thành lập Đoàn 69 (trực thuộc Bộ Tổng tham mưu), đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giữ gìn, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi Đoàn 69 được thành lập, Trung ương và cán bộ, chiến sĩ quân đội đều mong muốn và tin tưởng: Đoàn 69 sẽ ổn định tại một địa điểm và sẽ giữ gìn thi hài Bác cho đến ngày thống nhất đất nước. Thế nhưng, do nhiều biến cố khách quan, trong 6 năm (1969 -1975), từ K84 thi hài Bác đã phải 5 lần di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau trong điều kiện chiến tranh, khí hậu mưa nắng thất thường, điều kiện vật chất khó khăn vất vả..., nhưng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn, lâu dài thi hài của Người. Sau cuộc di chuyển lần thứ 5 đưa thi hài Bác trở lại K84 an toàn, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã nghĩ ngay tới cuộc di chuyển lần thứ 6 với hy vọng sẽ là lần đưa Người về với thủ đô Hà Nội - nơi yên nghỉ vĩnh hằng, để Người được gần gũi với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào muôn vàn yêu quý.

NGUYỄN TẤN TUÂN (tổng hợp)

Bài 2: Công trình từ ý chí và quyết tâm của Đảng