QĐND - Tỉnh Hòa Bình là cửa ngõ phía tây bắc của thủ đô Hà Nội, nối Việt Bắc với Tây Bắc và Thượng Lào, nơi đây chính quyền thực dân cùng với bọn “lang, đạo” phong kiến ra sức kìm kẹp, đàn áp, bóc lột đồng bào. Do vậy, việc xây dựng và tổ chức phong trào cách mạng có những khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Hòa Bình đã chủ động, kiên trì triển khai nhiều biện pháp, tập trung vận động các chức sắc phong kiến “lang, đạo” có tư tưởng tiến bộ, tranh thủ uy thế, ảnh hưởng của họ làm nền tảng để tập hợp quần chúng. Đến đầu năm 1945, Tỉnh ủy đã xây dựng phong trào Việt Minh phát triển mạnh tại căn cứ huyện Lạc Sơn, Mai Châu; Cao Phong-Thạch Yên, Hiền Lương-Tu Lý, Mường Khói và Mường Diềm; các đội tự vệ chiến đấu, các đội vũ trang được thành lập, sẵn sàng hành động. Đầu tháng 7-1945, khi phong trào cách mạng của ta lên cao, bọn tay sai thân Nhật tổ chức mít tinh tại thị xã Hòa Bình hòng xuyên tạc uy tín của cách mạng, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo cấp ủy Đảng “tương kế tựu kế”: Sử dụng phụ nữ, trẻ em làm mất trật tự; dùng diễn đàn để vạch trần bộ mặt phản động của chúng, qua đó cổ động phong trào, biểu dương lực lượng, tập dượt quần chúng chuẩn bị cho khởi nghĩa. Cùng với đó, Tỉnh ủy lệnh cho các đội vũ trang đột nhập kho lương thực của Nhật tại phố Đúng, lấy lương thực, thực phẩm cứu dân nghèo.

Thời cơ cách mạng đã xuất hiện, Tỉnh ủy chủ trương khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa. Theo đó, ngày 20-8-1945, lực lượng khởi nghĩa từ căn cứ Mường Khói kết hợp biểu tình thị uy với vũ trang tuyên truyền chiếm châu Lạc Sơn. Thắng lợi này là cơ sở để Tỉnh ủy rút kinh nghiệm, tổ chức lực lượng khởi nghĩa hùng hậu từ các hướng theo Đường 12A tiến về thị xã Hòa Bình. Trước sức mạnh của quần chúng, quân Nhật án binh bất động. Ngày 23-8-1945, quần chúng và tự vệ cứu quốc giành chính quyền tại thị xã Hòa Bình, châu Kỳ Sơn. Ở châu Lương Sơn (huyện Lương Sơn), phát hiện tên tri châu Lương Sơn gửi thư mật báo và xin chi viện lên Hòa Bình. Tỉnh ủy Hòa Bình phái một đơn vị vũ trang đóng giả làm bảo an binh xuống "chi viện" và đã giành chính quyền nhanh chóng ở Lương Sơn.

Với chủ trương lãnh đạo đúng đắn, phương pháp linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa biểu tình thị uy của quần chúng với bạo lực cách mạng, đặc biệt là phương pháp tổ chức tập hợp quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc; khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa, đến ngày 26-8-1945, các châu, huyện trong tỉnh đã giành được chính quyền về tay nhân dân.

MAI HÒA