QĐND - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (trước đây), hiện sống tại số K17/4 đường Trần Quý Cáp (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ông là một trong số những người từng cầm cờ Việt Minh, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tuy ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông còn rất minh mẫn. Qua hai cuộc kháng chiến, tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên chiến trường Quảng-Đà, Thừa Thiên-Huế, song với ông, khí thế sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.
Ông kể: "Năm 15 tuổi, tôi tham gia lực lượng Thanh niên cứu quốc của thôn Đa Hòa (thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang). Mùa thu năm ấy, không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa sục sôi khắp các vùng quê, đội thanh niên, thiếu niên cứu quốc của chúng tôi được bí mật giao nhiệm vụ tập luyện quân sự, chuẩn vũ khí... tại một khu rừng bí mật dưới chân núi Hải Vân.
 |
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phúc Ngôn (bên phải). |
Chấp hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, chiều ngày 15-8-1945, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam phát lệnh khởi nghĩa. Mặc dù một số nơi quân Nhật đầu hàng phe đồng minh, nhưng địa bàn các tổng Khánh Sơn, Đa Phước, Nam Ô (Hòa Vang) chúng còn đóng quân, vì vậy việc đi lại truyền mệnh lệnh của cán bộ Việt Minh trong vùng vô cùng khó khăn. Sáng ngày 18-8-1945, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở quê tôi đã nổ ra. Lực lượng tự vệ, thanh, thiếu niên cứu quốc với vũ khí là gậy, tầm vông, giáo, mác, mã tấu, dao, rựa... hòa vào đoàn người tham gia khởi nghĩa. Hôm ấy, tôi là một trong những người đi đầu, tay cầm cờ Việt Minh cùng mọi người vừa đi vừa hô vang quyết tâm “Thề đem xương máu, quyết hy sinh để giành độc lập. Đánh Pháp, đuổi Nhật, cướp chính quyền về tay nhân dân”... Sau khi giành chính quyền thành công tại các tổng của Hòa Vang, tôi cùng đoàn người háo hức từ tổng Đa Hòa xuống sân vận động Chi Lăng (thành phố Đà Nẵng) dự mít tinh ra mắt chính quyền cách mạng. Tôi nhớ, lúc bắt đầu đi, đoàn người có khoảng 600 người, nhưng về sau thì đông lắm, hàng nghìn người. Trên đường kéo xuống thành phố Đà Nẵng, chúng tôi không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía quân Nhật, vì chúng đang lo lắng, chỉ muốn nhanh chóng về nước…
Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi tham gia đội du kích. Nhiệm vụ chủ yếu của tôi là cảnh giới, bám địch, khiêng thương binh, tải đạn phục vụ Tiểu đoàn 19 (thuộc Trung đoàn 96 Đà Nẵng trước đây) trên chiến trường tây bắc huyện Hòa Vang".
Khí thế sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám đã xây đắp niềm tin tất thắng để ông vững bước trên con đường binh nghiệp đầy gian khổ, hy sinh. Đặc biệt, với cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 487 và 489 (Đà Nẵng), ông chỉ huy hàng trăm trận đánh và tập kích, khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Những trận đánh đã đi vào lịch sử như: Đánh chiếm căn cứ pháo binh Thanh Vinh; trận đèo Ông Gấm; tiêu diệt ấp chiến lược Kim Liên (Hòa Hiệp, Liên Chiểu). Đặc biệt là trận Khe Răm vào cuối tháng 5-1967, ông chỉ huy 4 đồng chí tiêu diệt gọn 1 tiểu đội lính Mỹ... Với những chiến công tiêu biểu trong kháng chiến, cựu chiến binh Hồ Phúc Ngôn được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2012.
Bài và ảnh: QUANG HÙNG