QĐND - Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác Hồ, để chuẩn bị cho lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, riêng việc kéo cờ trên lễ đài, Bác gợi ý Ban tổ chức nên chọn thành phần nữ tiêu biểu, như vậy càng thêm ý nghĩa của ngày Độc lập... Lĩnh hội ý kiến của Bác, một cô gái dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng từ buổi chiều hôm trước (1-9) đã được Chi đội trưởng Giải phóng quân Đàm Quang Trung phân công, hướng dẫn trước, kéo cờ cùng một nữ sinh Thủ đô sẽ được lựa chọn sau.
Đàm Thị Loan sinh năm 1926, ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Học hết bậc tiểu học, cô tham gia Hội Việt Minh, gia nhập Đội tuyên truyền “Nước Nam mới”. Cô đẹp người, đẹp nết, nói giỏi, hát hay. Ngày 16-12-1944, được lệnh của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) mọi người về tổng Hoàng Hoa Thám để tham gia thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Chiều 22-12-1944, đội ra mắt, gồm 34 đội viên. Đàm Thị Loan và hai cô nữa lo việc cơm nước, nên không có mặt trong hàng ngũ của đội, để được giơ tay thề dưới Quốc kỳ. Tuy nhiệm vụ được giao là nuôi quân, nhưng trong đầu cô luôn nghĩ, mình sẵn sàng làm mọi việc; nam làm được thì nữ cũng làm được. Do vậy, khi được đồng chí Hoàng Quốc Việt giao việc lập luật mật mã cho vô tuyến điện, cô nhận ngay và làm tốt. Trong 60 ngày đêm Trung đoàn Thủ Đô đánh giặc Pháp xâm lược, cô là đội viên Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, tham gia cầm súng chiến đấu và cùng đơn vị rút khỏi Hà Nội ngày 17-2-1947...
Chiều 2-9-1945, Đàm Thị Loan đại diện cho phụ nữ các dân tộc thiểu số-nữ chiến sĩ giải phóng, đầu đội ca lô lệch, áo nâu thít ngang, quần thâm chẽn gấu, đi giày ba ta, đĩnh đạc từ hàng quân của nữ tự vệ đi thẳng tới phía trái lễ đài. Một cô nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha cũng đã đứng đợi cạnh bậc lên lễ đài. Một đồng chí trong Ban tổ chức ra hiệu cho hai người cùng đi lên cạnh cột cờ và phân công: Cô Loan, người thấp hơn cầm dây kéo cờ, cô nữ sinh cao hơn, hai tay nâng lá cờ, sau đó hai người cùng chung tay kéo cờ lên...
Sau 44 năm, ngày 22-12-1989, tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), Trung tá Đàm Thị Loan được dẫn tới giới thiệu với GS Lê Thi, là cô gái cùng kéo cờ ngày Độc lập. Cô nữ sinh Trường Đồng Khánh (TP Huế) Dương Thị Thoa (tên thật của GS Lê Thi) ngày ấy cảm động, ôm chặt cô gái Tày. Được biết, Lê Thi cùng sinh năm 1926 với Đàm Thị Loan, cùng trốn gia đình đi hoạt động Việt Minh từ tuổi thiếu niên. Ai biết việc đó cũng lo cho cô con gái trong gia đình đại trí thức gia giáo là Giáo sư Dương Quảng Hàm, nhưng giáo sư và gia đình hiểu thấu lòng yêu nước của con, luôn động viên chắp cánh cho con vươn tới. Lời Bác căn dặn: “Việc kéo cờ là vinh dự lắm đấy!” vừa là lời khen, cũng là niềm vinh dự, niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời hai cô gái kéo cờ trong ngày lễ Độc lập.
TRỊNH TỐ LONG