QĐND - Một ngày cuối tháng Tám, chúng tôi đến thăm Giáo sư Lê Thi. Bà là một trong hai người kéo cờ tại Quảng trường Ba Đình vào ngày Quốc khánh 2-9-1945. Bà đã kể lại một kỷ niệm sâu sắc về "đội quân áo dài" trong những ngày Tổng khởi nghĩa: “Tháng 8-1945, được lệnh của cấp trên, Hội phụ nữ Cứu quốc quận Hoàn Kiếm tham gia chiếm trại Bảo an binh ở phố Hàng Bài (Hà Nội). Điều đặc biệt là “đội quân áo dài” của chúng tôi không gậy gộc, vũ khí… tay không rầm rầm đi thành đoàn tiến về trại Bảo an binh. Khi đoàn đến cổng trại, mọi người giơ tay hô vang “Mở cửa ra, hạ súng xuống!”, "Quân Nhật đã thua trận rồi!”. Lúc đó, hai tên lính Nhật mặt dữ tợn, tay lăm lăm khẩu súng chĩa về chúng tôi, nhưng mọi người đều không sợ, vẫn hô vang khẩu hiệu đòi quân Nhật đầu hàng. Mỗi lúc đoàn người biểu tình càng thêm đông, cuộc đấu tranh giằng co kéo dài… Khoảng gần hai giờ thì quân Nhật mở cửa".

Hằng ngày, GS Lê Thi miệt mài nghiên cứu, viết sách.

Nữ sinh Lê Thi thời gian học ở trường Đồng Khánh. Ảnh do nhân vật cung cấp.

 “Khi cánh cổng mở, cả đoàn phụ nữ kéo vào chiếm lĩnh trận địa, phân công chị em gác những mục tiêu quan trọng trong trại. Một bộ phận tiếp xúc với lính Bảo an binh để thuyết phục họ đi theo cách mạng. Với tài dẫn dụ, thuyết phục của “đội quân áo dài”, cuối cùng họ cũng tự nguyện giao nộp súng đạn, vũ khí cho quân ta. Ở đây, chúng tôi quen ông Đinh Ngọc Liên chỉ huy đoàn quân nhạc của trại Bảo an binh. Ngay từ đầu, ông này đã rất ủng hộ Việt Minh, chủ động chỉ huy quân luyện tập các bài: Tiến quân ca, Diệt phát xít, Du kích quân… Sau này có lần gặp lại, ông Đinh Ngọc Liên cho biết: Chúng tôi rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi thấy đội quân áo dài vào chiếm trại chứ không phải đội quân có súng ống đeo bên mình!” - Giáo sư Lê Thi nhớ lại.

Năm nay đã ở  tuổi 89 nhưng ký ức về mùa thu lịch sử trong Giáo sư Lê Thi vẫn vẹn nguyên. Bà thường kể lại cho con cháu và mọi người câu chuyện về "đội quân áo dài", một dẫn chứng sinh động của truyền thống "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

Bài và ảnh: KIÊN THÁI-HOÀNG NHƯỠNG