QĐND - Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945/2-9-2015), Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu một số ý kiến đánh giá của các nhà ngoại giao nước ngoài về những thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước cũng như tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những năm qua...

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Tét Ô-xi-ớt (Ted Osius):

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Tét Ô-xi-ớt.

Chúng ta hiểu rằng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ không bị áp đặt bởi những gì đã xảy ra, mà là bởi những gì có thể làm. Hai nước chúng ta đã hòa giải, và điều đó phải mang lại cho tất cả chúng ta niềm hy vọng lớn lao cho tương lai... Việt Nam ngày nay rõ ràng đã nhìn thế giới một cách rất khác. Các bạn coi thế giới là nơi luật pháp quốc tế phải được tôn trọng. Hơn thế nữa, luật pháp quốc tế phải được đặt lên hàng đầu. Trong ASEAN, Việt Nam được coi là quốc gia bảo vệ những nguyên tắc căn bản về giải quyết cách tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những căng thẳng ở Biển Đông.

Tôi tin rằng Việt Nam sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong ngoại giao khu vực và quốc tế trong thế kỷ tới. Đối với Việt Nam, con đường phía trước là rõ ràng: Hội nhập toàn cầu thành công, gia tăng thịnh vượng cho công dân của nước mình, và đóng một vai trò trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định cho khu vực, và còn hơn thế nữa.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam V. Qua-qua (V. Kwakwa):

Giám đốc WB tại Việt Nam V.Qua-qua.

Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1945, Việt Nam đã luôn chứng tỏ khả năng kháng cự trước các mối đe dọa từ bên ngoài, các sức ép từ bên trong và khó khăn về kinh tế. Đặc điểm chủ yếu này cùng với phương pháp ngoại giao khôn khéo chính là cơ sở giúp Việt Nam tạo nên thành công vang dội trong giai đoạn từ khi giành độc lập đến nay. Vậy những đóng góp của Việt Nam vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực là gì? Chúng ta đều biết câu ngạn ngữ “Từ thiện bắt đầu từ trong nhà”. Vì vậy có thể nói, đóng góp của Việt Nam trước hết và trên hết là đảm bảo thành công hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho chính mình. Việt Nam ngày nay là một đất nước hòa bình và có bản sắc dân tộc mạnh mẽ. Việt Nam đã tạo dựng và tiếp tục duy trì ổn định chính trị-một yếu tố cơ bản hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã thành công trong việc mang lại thịnh vượng kinh tế cho đa số người dân và bản thân điều đó đã là một đóng góp cho thịnh vượng khu vực.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng:

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng.

Trong 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, tích cực tìm tòi con đường phát triển phù hợp tình hình của nước mình, sự nghiệp đổi mới đã đạt được thành tựu rõ rệt. Việt Nam ngày nay có chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Trong thập niên 1980, Việt Nam lần lượt gia nhập các cơ chế đa phương quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEAN, đóng vai trò mang tính xây dựng ngày càng quan trọng trong các diễn đàn nói trên. Việt Nam luôn kiên trì đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, thi hành chính sách đối ngoại mở cửa, đa phương hóa và đa dạng hóa. Trên phạm vi toàn cầu, rất ít có hai nước có nhiều điểm tương đồng như Trung Quốc và Việt Nam. Không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện là phù hợp lợi ích căn bản của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phồn thịnh của khu vực.

Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Giưn Y-a-na-di (Jun Yanagi):

Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Giưn Y-a-na-di.

Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội là vào năm 1994, khi tôi được tháp tùng Thủ tướng Nhật Bản Mu-ray-a-ma Tô-mi-chi (Murayama Tomichi) sang thăm Việt Nam. Trở lại Việt Nam 20 năm sau đó với tư cách là một nhà ngoại giao, tôi thực sự ấn tượng trước sự phát triển của đất nước các bạn cũng như tính cách lôi cuốn không hề thay đổi của con người Việt Nam. Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là một quốc gia đóng góp cho sự ổn định của khu vực cũng như trong việc bảo vệ tính đoàn kết và trung tâm của ASEAN. Nhật Bản cũng tự hào được đóng góp cho sự thịnh vượng và phát triển của Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Việt Nam là nước nhận nhiều ODA nhất từ Nhật Bản, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn trong lĩnh vực hỗ trợ người dân, chuyển giao công nghệ. Chúng tôi xác định sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp với Việt Nam trong các lĩnh vực này. Việt Nam ngày nay cũng có vai trò ngày càng lớn trên toàn thế giới, chẳng hạn như các bạn là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Phranh Giét-xen (Franz Jessen):

Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Phranh Giét-xen.

Trước hết, tôi muốn nói rằng, Việt Nam ngày nay là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế và là một trong những quốc gia đi đầu tại khu vực. Những bước phát triển to lớn của Việt Nam trong 70 năm qua một phần là nhờ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ với các đối tác quốc tế. Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực của nhiều thể chế đa phương quốc tế và là thành viên của 63 tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ, ASEAN, WTO... Với tư cách một thành viên của ASEAN, Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tăng cường các cấu trúc, thể chế khu vực cũng như phát triển cách tiếp cận chung đối với các vấn đề của khu vực. Quan điểm xử lý các thách thức ở khu vực thông qua đàm phán, đồng thuận và tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam cũng chính là điều mà các quốc gia khác mong đợi. Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẵn sàng và có quyết tâm tiếp tục nâng cao chỗ đứng của mình trong cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Giăng Nô-en Poa-ri-ê (Jean Noel Poirier):

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Giăng Nô-en Poa-ri-ê.

Trong khoảng 25 năm qua, Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong hội nhập khu vực, cải cách đất nước. Hiện nay, Tổng thư ký ASEAN là người Việt Nam và Việt Nam cũng là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Ngoài ra, Việt Nam còn được coi là một trong những trụ cột của hòa bình ở khu vực. Khi tôi hỏi các nhà đầu tư của chúng tôi là tại sao họ lại đến Việt Nam, họ nói rằng hòa bình và ổn định là một trong những lý do chính để chọn Việt Nam làm đích đến đầu tư. Chính sách đối thoại để giải quyết các xung đột và căng thẳng với các nước láng giềng của Việt Nam cũng được ca ngợi trên toàn thế giới. Quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp là nhằm giúp Việt Nam duy trì hòa bình, cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực trong tương lai, và chúng tôi sẽ bám chắc vào đường lối này trong những năm tới.

ANH VŨ