QĐND - Buổi sáng đầu thu, chúng tôi đến thăm di tích nhà Tổng Thận, ở phường 1 (TP Tân An, tỉnh Long An). Bên cạnh nét cổ kính, hiền hòa của một công trình kiến trúc độc đáo phong cách Pháp, ngôi nhà mang lại cho du khách những cảm xúc bồi hồi khó tả khi là địa điểm chứng kiến nhiều đổi thay của lịch sử mảnh đất Tân An (Long An ngày nay) trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ông Trần Khắc Thận, xuất thân từ một gia đình quý tộc thân Pháp theo Công giáo, gốc người Quảng Nam di cư vào vùng Cù Lao Giêng (Long Xuyên). Cuối thế kỷ XIX, ông được thực dân Pháp bổ nhiệm về tỉnh Tân An làm cai tổng, tổng Thạnh Hội Thượng, quận Châu Thành. Giai đoạn năm 1892 -1893, ông Thận xây dựng ngôi nhà, kể từ đó, người dân Tân An thường gọi đây là “nhà Tổng Thận”. Ngôi nhà có một trệt, một tầng, được bố trí tám phòng riêng biệt, nền và hành lang lót gạch hình lục giác.
 |
Khu di tích nhà Tổng Thận tại TP Tân An, tỉnh Long An. |
Sau này, khi gia đình ông Thận sa sút, ngôi nhà được chuyển giao cho chính quyền thuộc Pháp quản lý. Tháng 7-1941, quân Nhật tràn vào; đến Tân An, tại nhà Tổng Thận, quân Nhật xây thêm bên trái ngôi nhà một dãy ba căn làm nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng của ta. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thắng lợi liên tiếp dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Tân An. Chính quyền lâm thời đã trưng dụng nhà Tổng Thận và hoạt động công khai. Trong phiên họp đầu tiên, Tỉnh ủy lâm thời đã biểu quyết bổ sung, phân nhiệm về nhân sự Đảng và chính quyền. Sau đó, Ban chấp hành Đảng bộ đã bắt tay vào làm việc ngay ngày 2-9-1945. Nửa đầu tháng 9-1945, hội nghị lần hai diễn ra tại đây, nhằm hợp nhất các quận ủy, trả tự do cho phần lớn công chức chế độ cũ. Cuối tháng 9-1945, hội nghị lần thứ ba được tổ chức để chuyển hướng nhiệm vụ chiến lược từ xây dựng chính quyền sang củng cố, bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Phó giám đốc Ban Quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa tỉnh Long An, nhà Tổng Thận trong thời gian được Tỉnh ủy Tân An chọn làm trụ sở làm việc đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Long An. Với những giá trị quý báu, nhà Tổng Thận đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1998. Đầu năm 2013, di tích nhà Tổng Thận được nâng cấp với nhiều tư liệu, mô hình phục dựng cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy Tân An, các hình ảnh, hiện vật về lối sống, sinh hoạt của người dân Tân An xưa… Thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá khu di tích để nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau và thu hút khách tham quan.
Bài và ảnh: NGÂN HỒNG