QĐND - Một ngày đầu tháng 4-1961, người dân xã Tiền An, huyện Yên Hưng, tỉnh Hồng Quảng (nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) phát hiện thấy một chiếc thuyền có cả mái chèo ai đó đã bỏ lại trong khu rừng ngập mặn. Sự việc được báo cáo lên chính quyền địa phương và cơ quan công an đã vào cuộc để xác minh chiếc thuyền. Cùng thời điểm đó, ở vườn nhà ông Phạm Ốc (xã Tiền An), vào lúc nhá nhem, người dân phát hiện có một người lạ mặt đang ngồi với khá nhiều quần áo xung quanh. Mọi chi tiết của sự việc đều không lọt qua tai mắt của nhân dân và cơ quan chức năng.

Cho đến một ngày, cơ quan chức năng bắt quả tang Phạm Ốc đang đi tiếp tế cho một ai đó và trong hành lý Phạm Ốc mang theo còn có cả điện đài. Sự việc nhanh chóng được làm sáng tỏ và cơ quan chức năng đã bắt được Phạm Chuyên (anh trai Phạm Ốc) khi hắn đang lẩn trốn trên núi gần nhà. Qua khai thác, ta biết Phạm Chuyên là một điệp viên được Mỹ đào tạo khá bài bản và đã cho đột nhập miền Bắc với biệt danh Ares-“Hạ Long” để nằm vùng và xác định tọa độ các mục tiêu ở Hải Phòng cho máy bay Mỹ đánh phá. Chuyên cũng được giao xây dựng cơ sở, căn cứ để tiếp nhận vũ khí, trang bị, vật chất phục vụ cho việc thành lập lực lượng vũ trang nhằm hỗ trợ quân Mỹ. Từ lúc đột nhập miền Bắc cho đến lúc bị bắt, Phạm Chuyên đã dùng điện đài liên lạc 8 phiên, gửi 19 lần bưu thiếp báo cáo trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn.

Biết kế hoạch của Chuyên và tình báo Mỹ, đồng thời việc bắt giữ Chuyên vẫn được giữ kín, nên sau khi có báo cáo của cơ sở, Bộ Công an quyết định “tương kế tựu kế”, sử dụng đòn “gậy ông đập lưng ông” để đối phó với cơ quan tình báo Mỹ. Chuyên án mang bí số BK63 được thành lập với con mồi là Phạm Chuyên. Theo sự chỉ đạo của Ban chuyên án, Phạm Chuyên dùng điện đài liên lạc với trung tâm chỉ huy của y, cung cấp cho trung tâm này một số tin giả, hoặc tin chính thức, nhưng đã được công bố công khai trên đài, báo ở miền Bắc. Từ tháng 8-1961 đến cuối năm 1969, ta đã để Chuyên cung cấp cho trung tâm chỉ huy của y hàng trăm tin giả, trong đó có 56 tin về kinh tế, 20 tin về quân sự và được chúng đánh giá là “có giá trị”. Đổi lại, ta cũng điều khiển Chuyên, yêu cầu trung tâm của Chuyên tiếp tế cho y để “thực hiện nhiệm vụ”. Tổng cộng đã có 6 chuyến hàng phía cơ quan tình báo Mỹ tiếp tế cho Ares-“Hạ Long”. Chuyến thứ nhất thực hiện vào ngày 16-1-1962 với 10 thủy thủ cùng 30 thùng hàng được chuyển tới hang Đầu Gỗ trên Vịnh Hạ Long. Các thùng hàng chứa máy truyền tin, tiền, vàng, lương thực, vũ khí. Khi hàng vừa tập kết lên bãi thì toàn bộ thủy thủ và hàng hóa bị bắt gọn. Trong khi đó, ta vẫn chỉ đạo Ares báo cáo với trung tâm là do gặp bão, tàu không đến được vị trí, yêu cầu tiếp tục tiếp tế. Chuyến thứ hai tiếp tế sau chuyến thứ nhất hơn 1 tháng, với 23 kiện hàng gồm lương thực, vũ khí. Lần này ta để cho thủy thủ ra về. Chuyến thứ ba thực hiện giữa năm 1963. Sau khi hàng hóa đã chuyển hết lên bờ, thủy thủ vừa nhổ neo được ít lâu thì bị công an vũ trang phát hiện, truy đuổi và tiêu diệt.

Ta tiếp tục yêu cầu Phạm Chuyên liên lạc với trung tâm chỉ huy cho tiếp tế bằng đường hàng không vì đường biển đã bị lộ. Kết quả là đã có 3 chuyến tiếp tế cho Chuyên được máy bay Mỹ thả xuống Hoành Bồ (Quảng Ninh), trong đó có 2 chuyến hàng và 1 chuyến thả người (6 tên biệt kích, 1 tên chết do bị rơi vào ngọn cây, 5 tên còn lại bị tóm gọn). Qua gần 10 năm thực hiện chuyên án BK63, ta đã tóm được 15 tên biệt kích, thu về nhiều hàng hóa có giá trị, cung cấp cho địch 300 tin giả, đặc biệt là đã cung cấp sai tọa độ các mục tiêu quan trọng trên địa bàn Hồng Quảng, khiến máy bay Mỹ ném bom không chính xác. Có một điều quan trọng là cho đến khi kết thúc chiến tranh, đối phương vẫn không hiểu Phạm Chuyên là người như thế nào.

KIM HÀ