QĐND - Trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng vũ trang (LLVT) của Đảng tổ chức, lãnh đạo đã phát huy vai trò, đóng góp to lớn làm nòng cốt cùng toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền, đưa đến thắng lợi của cách mạng. Công tác chuẩn bị LLVT cách mạng đã được Đảng ta quan tâm, chăm lo xây dựng, hình thành, phát triển, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu sau này...
Ngay từ khi thành lập (ngày 3-2-1930), trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đã đề ra một trong những nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam là “tổ chức ra đội quân công nông”. Tiếp đó Luận cương chính trị (10-1930) của Đảng ngoài việc xác định “lập đội quân công nông”, còn đề ra nhiệm vụ “tổ chức đội tự vệ của công nông” và khi vũ trang giành chính quyền là “vũ trang cho công nông”. Với chủ trương đó, trong Phong trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh, các đội “Tự vệ đỏ” đã ra đời làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh của đông đảo quần chúng.
Từ các đội vũ trang nhỏ lẻ ban đầu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT từng bước lớn mạnh. Từ các cuộc khởi nghĩa, LLVT địa phương lần lượt ra đời. Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) dẫn tới sự ra đời của Đội du kích Bắc Sơn và phát triển thành các đội Cứu quốc quân; Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) dẫn tới sự xuất hiện nhiều tổ chức vũ trang với tên chung là quân du kích Nam Kỳ; Đội du kích Ba Tơ,... Trên cơ sở sự ra đời của các LLVT địa phương, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941), nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang” (1), vì thế chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta.
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử xây dựng LLVT cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự ra đời của lực lượng này dẫn tới sự ra đời của hệ thống tổ chức LLVT cách mạng gồm ba thứ quân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-quân chủ lực; các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, huyện và các đội quân địa phương; các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng xã, xí nghiệp, đường phố-lực lượng bán vũ trang địa phương.
Ngày 15-5-1945, trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện mới do sự biến chuyển mau lẹ của tình hình trong nước và quốc tế, lễ hợp nhất các LLVT cách mạng Việt Nam được tổ chức. Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân.
Từ những “đội tự vệ” đầu tiên được tổ chức ở Nghệ-Tĩnh những năm 1930-1931, từ một trung đội du kích quân (Cứu quốc quân) đầu tiên ra đời ở Bắc Sơn cuối năm 1940 và từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ở Cao Bằng cuối năm 1944, đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã chuẩn bị được một LLVT cách mạng khá lớn và rộng rãi. Cùng với sức mạnh áp đảo về chính trị, LLVT đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp khởi nghĩa vũ trang của toàn dân đến thắng lợi.
XUÂN VŨ
-----------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.129