QĐND - Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã giải quyết thành công một loạt các vấn đề về chỉ đạo và thực hành khởi nghĩa, trong đó có bước phát triển nhảy vọt, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quân sự, chính trị, tiến hành khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở các địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc.
Đảng ta đã nắm bắt và chọn đúng thời cơ để lãnh đạo lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa. Những ngày đầu tháng 8-1945, tình thế trực tiếp xuất hiện với cách mạng nước ta khi mà quân Nhật bại trận và đầu hàng Đồng minh, chính quyền tay sai hoang mang, dao động; các tầng lớp trung gian lừng khừng, do dự, đã ngả hẳn về phía cách mạng. Trong khi đó, lực lượng vũ trang cách mạng trưởng thành, sẵn sàng cùng toàn dân đứng lên khởi nghĩa. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt thời cơ vô cùng thuận lợi, triệu tập Hội nghị Đại biểu toàn quốc (từ ngày 14-8 đến 15-8-1945), quyết định phát động tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Phương châm tiến hành tổng khởi nghĩa được xác định là phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân sự với lực lượng chính trị, đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành thị hay nông thôn, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta.
 |
Lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trong Ngày lễ Độc lập 2-9-1945. Ảnh tư liệu. |
Chấp hành Lệnh tổng khởi nghĩa, từ ngày 14-8-1945, các lực lượng của cách mạng được huy động gồm những đội quân vũ trang và chính trị hùng hậu, trong đó Việt Nam Giải phóng quân và lực lượng vũ trang các địa phương làm lực lượng nòng cốt, xung kích, hình thành từ các vùng nông thôn, đồng bằng, thành thị đến trung du, miền núi, nhất là lực lượng ở các chiến khu Việt Bắc (Khu giải phóng), Quang Trung (Hòa Bình-Ninh Bình-Thanh Hóa), Trần Hưng Đạo (Đông Triều), Vĩnh Sơn-Núi Lớn (Quảng Ngãi), các thành phố lớn (Hà Nội, Huế, Sài Gòn…) do Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và các đảng bộ từng địa phương lãnh đạo tiến hành khởi nghĩa. Các lực lượng cách mạng tham gia cuộc tổng khởi nghĩa suốt từ miền Bắc đến miền Nam được thống nhất tổ chức thành lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, đồng loạt đánh vào những mục tiêu chủ yếu của địch. Nhờ nhanh chóng huy động, tổ chức được những đội quân vũ trang và những đạo quân chính trị đông đảo, Đảng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến không thể chậm trễ.
Từ thực hành khởi nghĩa từng phần ở các địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa trên quy mô cả nước là sự sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức lực lượng và chủ động phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân sự với chính trị. Trong quá trình tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân sự và chính trị, giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị. Tùy theo từng địa phương, sự phối hợp giữa hai lực lượng quân sự và chính trị được thực hiện với quy mô, mức độ khác nhau, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt, xung kích, đấu tranh vũ trang có tác dụng chế áp lực lượng địch, kết hợp với sách lược mềm dẻo, cô lập và vô hiệu hóa phát xít Nhật và bọn tay sai; còn lực lượng chính trị hùng hậu, đấu tranh chính trị đóng vai trò quyết định, nên giành được thắng lợi nhanh gọn, ít tổn thất.
Lúc này, mục tiêu tiến hành khởi nghĩa của lực lượng vũ trang và nhân dân ta không còn là những đồn bốt, châu lỵ và các vị trí khác của địch ở huyện, xã, mà là những căn cứ chính của địch, các thị xã, thành phố. Với đòn tiến công quân sự của các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân, du kích, tự vệ chiến đấu kết hợp với đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng, ta đã giành chính quyền tại các thị xã: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Ninh Bình, Hải Dương… Ngày 19-8-1945, đông đảo quần chúng nhân dân thành phố Hà Nội có các đội tự vệ làm xung kích đã khởi nghĩa giành được chính quyền. Tiếp đó, ta khởi nghĩa giành chính quyền ở các thành phố Huế (23-8), Sài Gòn (25-8-1945). Tại các địa phương khác, quá trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang cách mạng với lực lượng chính trị hùng hậu của các tầng lớp nhân dân chống sự kháng cự của quân Nhật, bảo an binh, hoặc bọn phản động khác cũng diễn ra sôi nổi và giành thắng lợi nhanh chóng. Chỉ trong vòng nửa tháng (từ ngày 14-8 đến 28-8-1945), Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó chủ động phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân sự với chính trị, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 chứng tỏ rằng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị chu đáo về lực lượng, chọn đúng thời cơ, chủ động tổ chức và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang và chính trị cả ở thành thị và nông thôn, đồng bằng, trung du và miền núi suốt từ Bắc chí Nam, trong đó lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt xung kích, hỗ trợ tích cực cho lực lượng chính trị, tạo ưu thế áp đảo khiến kẻ thù không kịp đối phó, nhanh chóng giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP