QĐND - Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, mở đường cho dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới.

Từ mùa Xuân 1930, ngay khi Đảng ta mới thành lập, trong Cương lĩnh của Đảng đã ghi rõ: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng”, “nhằm đánh đổ đế quốc chủ nghĩa thực dân Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”(1).

Trải qua thực tiễn cách mạng, đường lối trên đã phát triển lên một tầm cao trí tuệ mới, phù hợp thực tiễn mới của đất nước. Dự đoán về hệ quả và thời cơ cách mạng xuất hiện do chiến tranh đế quốc, lãnh tụ Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5-1941). Với cách đánh giá bao quát và sâu sắc tình hình quốc tế và trong nước, lần đầu tiên trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta khẳng định: “Quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”(2). ­Và nếu “không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(3).

 Như vậy, suốt quá trình tìm tòi chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, từ Hội nghị Trung ương VI (năm 1939), Hội nghị Trung ương VII (năm 1940), đến Hội nghị lần thứ VIII (năm 1941), Trung ương đã dứt khoát quyết định “thay đổi chiến lược” cho phù hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân, phù hợp với tình hình thay đổi, rằng cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”. Quyết định trên thể hiện sâu sắc tinh thần chủ động, năng động, bám sát thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng ta.

Thực hiện nhiệm vụ “cần kíp” là giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh xác định phương thức của cuộc cách mạng sắp tới là “khởi nghĩa vũ trang”(4), do vậy Đảng chỉ đạo tập trung xây dựng lực lượng về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang (LLVT).

Để tập hợp, thu hút rộng rãi mọi giai tầng, đảng phái, lứa tuổi vào một tổ chức yêu nước, tập trung mọi nguồn lực chống thực dân, phát xít, Nghị quyết Trung ương VIII chủ trương lập ra Mặt trận Việt Minh, để “làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân Việt Nam”. Việt Minh lấy làng, đường phố, nhà máy làm cơ sở tổ chức, thu hút các tổ chức đoàn thể cả nước thành thật đánh đuổi Pháp-Nhật.

Mít tinh ngày 2-9-1945 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Ngày 6-6-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có thư kính cáo đồng bào, kêu gọi các bậc phú hào yêu nước, công, nông, binh, phụ nữ, công chức, tiểu thương… cần nhận rõ trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết, phải đoàn kết lại đánh đổ đế quốc và Việt gian cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng… Người chỉ rõ, việc lớn chưa thành vì cơ hội chưa chín và dân ta chưa hiệp lực đồng tâm (5).

Mục tiêu cách mạng xác đáng, sự chân thành cùng những quy định rộng mở, sự phân minh về tổ chức giữa Đảng và Việt Minh, vừa đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, vừa tôn trọng tính độc lập, tự chủ, khuyến khích Mặt trận hoạt động có hiệu quả. Đảng đã thật sự “hóa thân” vào Mặt trận. Mặt trận Việt Minh phát triển nhanh, có nơi hội viên tăng 6 lần trong thời gian ngắn; chỉ trong mấy tháng, các hội cứu quốc đã kết nạp hàng vạn hội viên.

Cùng với lực lượng chính trị, LLVT cách mạng, cứu quốc được củng cố, mở rộng từ các đơn vị ra đời trước và xây dựng các tổ chức mới. Tháng 10-1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị tổ chức “Đội tự vệ vũ trang tập trung”; tiếp đó, chọn những đội viên ưu tú từ các đội tự vệ tổ chức ra các tiểu tổ du kích, dần tiến lên đội du kích chính thức. Sớm nhận rõ vai trò chiến lược của bộ đội chủ lực và tình thế cách mạng giải phóng dần xuất hiện, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng ra đời. Tháng 5-1945, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và các đơn vị Cứu quốc quân thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Chỉ 3 tháng sau, các LLVT đã làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp; tiếp đó, việc Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, trong khi quân Đồng minh chưa kịp vào Đông Dương giải giáp quân Nhật. Đúng vào thời cơ khách quan vô cùng thuận lợi đó, Đảng ta đã phát động tổng khởi nghĩa. Phương châm lãnh đạo của Đảng là phát huy khí thế của lực lượng chính trị, của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thế áp đảo cùng uy lực, sự hỗ trợ của LLVT, chĩa mũi nhọn vào chính quyền bù nhìn, kết hợp vận dụng sách lượng mềm dẻo vô hiệu hóa sự phản ứng của quân Nhật. Cách mạng Tháng Tám nhanh chóng giành thắng lợi, nhờ chọn đúng thời cơ và có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và đấu tranh ngoại giao, giữa lực lượng chính trị và LLVT, giữa lực lượng của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân, cả ở thành thị và nông thôn.

Từ việc “bắt mạch” đúng yêu cầu lịch sử của dân tộc, điều chỉnh mục tiêu phù hợp từng thời đoạn, động viên, tổ chức, huy động được sức mạnh toàn dân tộc, đến việc sáng tạo phương thức đấu tranh, phát huy sức mạnh tổng hợp…, đã khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh là cội nguồn thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

(1)Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2005, tr.2.

(2), (3), (4) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2005, tr.113, 129.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, 2000, tr.197.

Thiếu tướng, PGS, TS TRỊNH VƯƠNG HỒNG