QĐND - Nhận rõ yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến cứu nước cũng như khả năng, sức mạnh to lớn của tuổi trẻ Việt Nam, ngày 15-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên. Chỉ sau hai năm thành lập, đội đã phát triển từ 225 đội viên lên đến hàng vạn người. Ngay sau khi được thành lập, lực lượng TNXP đã có mặt trên khắp cả nước và có những đóng góp rất quan trọng trong các chiến dịch. Những thành tích của lực lượng TNXP luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm theo dõi và đánh giá cao. Người cho rằng: “Không có lực lượng TNXP thì không thể bảo đảm được việc vận chuyển trong các chiến dịch”. Người chỉ thị: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Người trực tiếp giao cho đồng chí Vũ Kỳ và Tạ Quang Chiến tổ chức Đội TNXP kiểu mẫu, gồm những thanh niên có tuổi đời từ 18 đến 25, có sức khỏe, lý lịch tốt, tự nguyện phục vụ lâu dài. 

Thanh niên xung phong mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trước khi bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, TNXP Trung ương đã có gần một vạn đội viên, biên chế thành 8 đội, chia thành 50 đại đội và được lệnh gấp rút tuyển quân ở các địa phương Liên khu Việt Bắc, Liên khu IV, Liên khu III để phát triển thành những đơn vị lớn. Trong quá trình tham gia chiến dịch, lực lượng TNXP có lúc lên tới 2,2 vạn người. Ở giai đoạn này, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng TNXP là phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả trên mặt trận chính và mặt trận phối hợp; cả trong nước và ở nước bạn. TNXP là lực lượng phục vụ từ ngày đầu chuẩn bị chiến dịch cho đến khi kết thúc chiến dịch, thu dọn chiến trường, giải quyết công tác thương binh, tử sĩ… Trong đó, nhiệm vụ cơ bản và thường xuyên là sửa chữa, làm mới đường, làm cầu phà.

Mặt trận Điện Biên Phủ nằm cách xa hậu phương, địa hình hiểm trở nên rất bất lợi trong việc cung cấp hậu cần. Việc tiếp tế cho chiến dịch chủ yếu được thực hiện bằng phương thức vận chuyển bộ. Ngoài đường 41 và đường 13, để tiếp tế kịp thời lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch, ta phải mở nhiều tuyến mới đáp ứng yêu cầu vận chuyển bằng xe thồ, xe trâu, người gánh bộ. Những nơi địa hình cho phép thì mở cả tuyến vận chuyển đường thủy. Các tuyến đường đều được yêu cầu làm nhanh chóng và bí mật, lực lượng tham gia chủ yếu là TNXP. Thực hiện chủ trương của cấp trên, từ đầu năm 1954, TNXP đã huy động một lực lượng lớn, cùng bộ đội và dân công tổ chức sửa chữa một số con đường từ Việt Bắc lên Tây Bắc; làm mới một số con đường qua các sườn núi xung quanh Điện Biên Phủ.

Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, TNXP đã sửa chữa và mở rộng 3.300km đường, bảo đảm giao thông ở 60 bến phà, làm thêm con đường kéo pháo dài 63km. Họ cùng với công binh và dân công trụ lại ở những nơi ác liệt, hiểm trở, khó khăn. Những địa điểm như: Đèo Lũng Lô, phà Tạ Khoa, đèo Chẹn, đèo Chiềng Đông, cầu Yên Châu, cua Hát Lót, đèo 800, đèo Pha Đin, đèo Sơn La, ngã ba Cò Nòi, ngã ba Tuần Giáo là những nơi rất gian khổ, địch đánh phá vô cùng ác liệt. Tuy vậy, lực lượng TNXP vẫn không quản khó khăn, gian khổ và hy sinh, đẩy mạnh thi đua lao động với khí thế “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Thi đua mở đường nhanh nhất”… Nhiều sáng kiến hay, nhiều kinh nghiệm tốt của TNXP đã được phổ biến đến toàn lực lượng trong sửa chữa cầu, đường, xây dựng bến phà và phá bom, mìn, bảo đảm thông tuyến, thông xe, phục vụ việc cơ động lực lượng của các đơn vị.

Ngoài lực lượng lớn phục vụ ở trung tuyến, TNXP còn có nhiều bộ phận phục vụ hỏa tuyến như trực tiếp tải đạn, tải thương, canh giữ tù binh, làm liên lạc… Chiến trường ngày càng ác liệt, các cơ quan chỉ huy của các đơn vị liên tục di chuyển, TNXP lại đảm nhiệm thêm việc xây dựng và bảo vệ khu vực an toàn cho các cơ quan. Bên cạnh đó, còn bổ sung hơn 8000 cán bộ, chiến sĩ cho các đơn vị quân đội, 600 đội viên cho các ngành giao thông, vận tải, ngoại giao, quân y, hội đồng cung cấp.

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 60 tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân chương và hàng nghìn cán bộ, đội viên được các cấp khen thưởng, tuyên dương. Vinh dự nhất là lực lượng TNXP đã hai lần được Bác Hồ trao cờ Đơn vị thi đua khá nhất.  

THU HÀ (tổng hợp)