QĐND - LTS: 60 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Điện Biên hôm nay đã có sự phát triển vượt bậc, quốc phòng-an ninh được giữ vững; tiềm lực chính trị, kinh tế, quốc phòng trong khu vực phòng thủ (KVPT) ngày càng được tăng cường. Những ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân phần nào phản ánh kết quả xây dựng KVPT của địa phương thời gian qua.   

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 741 cùng đơn vị kết nghĩa vui văn nghệ động viên bộ đội luyện tập.

“Thế trận lòng dân” trên địa bàn chiến lược                         

Tại Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ-Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh đã khẳng định: “Trong suốt 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn một lòng, một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng. Địa phương luôn chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới…”.

Khơi dậy truyền thống, bồi dưỡng niềm tin

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc, có dân số hơn 50 vạn người, với 19 dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào Thái, Mông. Nơi đây thường xuyên đối mặt với các hoạt động xâm nhập, móc nối, vượt biên trái phép, di cư tự do, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, bọn phản động đội lốt dân tộc, tôn giáo luôn tìm cách lôi kéo, tập hợp lực lượng, âm mưu thành lập "Vương quốc Mông", phá hoại an ninh, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mà vụ việc ở Mường Nhé năm 2011 là một ví dụ. Do vậy, việc xây dựng “thế trận lòng dân” luôn đươc cấp ủy, chính quyền LLVT địa phương quan tâm. Trong đó, yếu tố truyền thống Điện Biên Phủ năm xưa luôn được khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi người dân.

Những ngày này về Điện Biên, tới thăm các di tích lịch sử Mường Phăng, Tượng đài Chiến thắng, Đồi A1 hay hòa mình vào Lễ hội “Hoa ban khoe sắc”, Liên hoan Tuyên truyền lưu động toàn quốc “Về với Điện Biên”, chúng tôi đã cảm nhận thật đầy đủ cả bề nổi và chiều sâu trong giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hóa của Điện Biên. Thượng tá Hòa Quang Toại, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Nhắc tới Chiến thắng Điện Biên Phủ là khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây. Cùng với cấp ủy, chính quyền, LLVT địa phương luôn chủ động giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân về truyền thống quê hương nói chung và truyền thống Điện Biên Phủ nói riêng bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú…”.

Để xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần trong KVPT, từ năm 2008 đến nay, các LLVT trên địa bàn đã tổ chức tuyên truyền hơn 6.700 buổi cho gần 300.000 lượt người. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đã về các thôn, bản kết hợp hành quân dã ngoại và tuyên truyền; tổ chức hơn 100 buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim cho hơn 300.000 người xem; xây dựng gần 200 chương trình truyền hình trên các chuyên mục Quốc phòng toàn dân, An ninh Điện Biên Vì chủ quyền biên giới để giáo dục QP-AN cho đồng bào... Những việc làm cụ thể, thiết thực ấy đã góp phần tăng cường mối quan hệ máu thịt quân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc. Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà ghi nhận: Hoạt động tuyên truyền của bộ đội giúp người dân địa phương càng thêm tự hào với truyền thống lịch sử quê hương; nâng cao cảnh giác với những luận điệu kích động, xuyên tạc của kẻ xấu; tin ở cấp ủy, chính quyền, giữ vững ổn định địa bàn...

Cán bộ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) giáo dục truyền thống gắn bó quân dân cho chiến sĩ mới.

Bồi dưỡng kiến thức QP-AN là một trong nhiều biện pháp để Điện Biên nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó bồi dưỡng niềm tin vào Đảng và chế độ. Riêng năm 2013, toàn tỉnh đã tổ chức 48 lớp cho gần 3000 người từ đối tượng 2 đến 5; giáo dục QP-AN cho hơn 37.000 học sinh, sinh viên tại 32 trường. Đến thăm Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Biên Biên, nơi được ví là “chiếc máy cái” của ngành giáo dục-đào tạo địa phương, chúng tôi thấy, giáo dục QP-AN cho sinh viên được nhà trường rất coi trọng. Đặc biệt, ở đây không còn  tình trạng "thầy đọc trò ghi" trong giáo dục QP-AN. Nhà trường ưu tiên đầu tư trang thiết bị dạy học cho môn giáo dục QP-AN nhiều hơn các môn học khác. Quá trình học tập, sinh viên được trang bị trang phục thống nhất, tập luyện trên thao trường riêng của trường… điều mà ít địa phương làm được.

Bồi dưỡng tiềm lực chính trị, tinh thần

Với vai trò nòng cốt tham mưu xây dựng KVPT, cấp ủy, chỉ huy các cấp của Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trước hết là tham gia xây dựng củng cố tổ chức cơ sở Đảng TSVM, thông qua công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên và kết nạp đảng viên mới, xóa thôn bản "trắng đảng viên" ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh Điện Biên kết nạp được gần 10.000 đảng viên, kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của LLVT. Theo Thượng tá Vương Kim Ánh, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh, để có kết quả đó, cấp ủy cơ quan quân sự các cấp đã phối hợp với các Ban xây dựng Đảng địa phương làm tốt công tác phát triển đảng trong DQTV và DBĐV. Đến hết năm 2013, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV của tỉnh Điện Biên là 19,2% và DBĐV là 9,14%, qua đó đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, xóa các địa bàn trắng đảng viên… Vai trò tham mưu của Bộ CHQS, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh trong công tác xây dựng cơ sở chính trị địa bàn ở Điện Biên được thể hiện khá rõ nét. Trong 5 năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã tổ chức xây dựng cơ sở chính trị tại 259 cơ sở; cử 247 cán bộ tham gia, 469 cán bộ tăng cường về cơ sở. Nhiều đồng chí cán bộ của Bộ CHQS và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trực tiếp về đảm nhiệm công tác lãnh đạo, quản lý tại các xã vùng cao, biên giới.

Sau khi giải thể các Đội xây dựng cơ sở, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo ban CHQS các huyện tăng cường cán bộ theo dõi, nắm tình hình, giúp đỡ địa phương. Thượng tá Võ Mạnh Tú, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mường Chà cho biết: "Chúng tôi phân công các đồng chí trong Ban chỉ huy theo dõi, nắm tình hình theo từng cụm xã, các đồng chí trợ lý nắm tình hình từng xã. Hoạt động nắm bắt thông tin từ cấp ủy, chính quyền, già làng, trưởng bản, người có uy tín… được chúng tôi duy trì thường xuyên. Nhờ đó, chúng tôi luôn chủ động giữ vững ổn định địa bàn”. Các đồng chí trong Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Mươn dẫn chứng: Đầu tháng 3-2014 vừa qua, nhờ báo tin của DQTV xã Ma Thì Hồ, đơn vị đã kịp thời ngăn chặn một số người vi phạm quy chế quản lý biên giới...

Tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền; cán bộ, đảng viên, tổ chức đoàn thể và LLVT  luôn gần dân, sát dân, chăm lo giúp đỡ nhân dân có cuộc sống, sinh hoạt ngày càng tốt hơn sẽ củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Có thể khẳng định Điện Biên đã xác định đúng thế trận “cốt lõi” trong xây dựng KVPT nơi phên giậu Tổ quốc.

Bài và ảnh: VŨ XUÂN DÂN

Bài 2: Lực lượng vũ trang thực sự là nòng cốt