QĐND Online - Trời Điện Biên Phủ những ngày cuối tháng 4 nắng như đổ lửa, cái gió Tây Nam khô khốc từ Lào thổi về khiến không khí càng thêm ngột ngạt. Những cơn mưa đầu mùa hạ ập đến bất ngờ, nước lênh láng làm dịu mát những con đường dẫn về các cứ điểm của Chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước đây. “Điện Biên Phủ giờ đã “thay da đổi thịt” rất nhiều, nhưng cảnh xưa người cũ dường như vẫn còn đây”, cựu chiến binh Đinh Văn Hòa, người từng trực tiếp tham gia 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt trên chiến trường Điện Biên Phủ trầm ngâm khi đứng trước cứ điểm Hồng Cúm, nơi đơn vị ông - Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 (nay là Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) đã giành giật với địch từng mét vuông đất...
Nhớ chuyện xưa...
1- Nhỏ cũng có cái lợi!
17 tuổi đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ là niềm tự hào của cựu chiến binh Đinh Văn Hòa. Ánh mắt sáng ngời, ông kể: “13 tuổi tôi theo các anh bộ đội đi làm liên lạc, sau đó được cử đi học tại Trường Thiếu sinh quân. Khi được phân công về Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi cùng với đồng đội có nhiệm vụ bao vây, kiềm chế pháo binh địch, khống chế sân bay cắt đường tiếp viện của địch bằng đường hàng không ở Hồng Cúm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ phân khu Nam của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”.
 |
Cựu chiến binh Đinh Văn Hòa trầm ngâm nhớ lại kỷ niệm những ngày chiến đấu tại cứ điểm Hồng Cúm. |
“Từ tháng 2-1954, đơn vị được giao nhiệm vụ đào hầm, hào để chặn, vây siết lực lượng của địch từ phân khu Nam lên đồi trung tâm A1 cách đó 4km. Công việc vô cùng vất vả. Hầu hết là tiến hành vào ban đêm để tránh bị địch phát hiện. Những ngày mưa lớn, nước dưới hào dâng cao, trên người anh, em chiến sĩ bê bết bùn đất nhưng không ai tỏ ra khó chịu mệt mỏi, ngược lại, chúng tôi chia nhau từng điếu thuốc lào, kể nhau nghe những mẩu chuyện vui để xua tan khó khăn, vất vả. Nhiều người đã hy sinh khi đang đào hầm, hào do trúng mảnh đạn pháo của địch. Khi mất, trên tay các anh vẫn còn cầm chiếc xẻng xúc đất”, người cựu chiến binh đã bước qua tuổi 80 mắt nhìn xa xăm hồi tưởng lại.
“Chuyện đào hầm, hào vất vả, nguy hiểm là thế nhưng không ai từ chối. Ngược lại, chúng tôi còn tranh nhau giành quyền đào hầm, hào trước. Thường thì chiến sĩ nào đào đầu tiên sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm hơn. Do lúc ấy, đường hầm, hào chưa được hình thành, người đào dễ bị địch phát hiện. Tôi có lợi thế người nhỏ nên luôn giành quyền đào đầu tiên, tạo đường hầm, hào cho các anh lớn đào. Hóa ra, nhỏ con lại có cái lợi bất ngờ của nó”, ông Hòa cười vang.
Theo ông Hòa, càng đào hầm, hào đến gần trung tâm căn cứ địch thì càng căng thẳng vất vả. Do bị chặn đường ra, cũng như tiếp viện vào. Địch đã cho xe tăng ra san ủi, nhưng địch san xong mình lại ra đào tiếp, cứ thế giằng co. Có khi người dưới hầm, hào cứ đào, ở bên trên, anh em làm nhiệm vụ chặn địch, bắn tỉa địch. Gian khó, cam go là thế nhưng không ai chùn bước. Anh em thay nhau đào hầm, hào. Đặc biệt chỉ đào hào vừa cho bộ đội ta đi mà giặc Pháp thì không thể lọt xuống.
2- Những chiến lợi phẩm đặc biệt
Theo cựu chiến binh Đinh Văn Hòa, một trong những nhiệm vụ chính của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 là chiếm đoạt dù, lấy vũ khí địch trang bị cho ta. “Do bị vây chặt, địch chỉ còn cách dùng trực thăng để thả lương thực và vũ khí xuống nhằm cứu viện. Thế nhưng, nằm giữa đồng không mông quạnh giơ lưng chịu đạn, mỗi khi địch dùng trực thăng thả đạn dược và lương thực xuống là anh em xông ra lấy ngay. Địch cũng xông ra lấy, hai bên giằng co nhau. Nó lao ra thì mình bắn. Ai gan thì được. Thế là lấy được đạn dược của nó, "lấy của nó mà bắn nó" - người cựu chiến binh già hào sảng kể lại những ngày tháng chiến đấu.
 |
Cựu chiến binh Đinh Văn Hòa (mặc lễ phục trắng) thăm lại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng. |
Những chiến lợi phẩm lấy được của địch cũng để lại nhiều câu chuyện vui, ông Hòa chia sẻ: “Khoảng nửa tháng trước khi chiến dịch kết thúc, anh em trong trung đoàn có đoạt được một chiếc dù đặc biệt. Trong dù là cặp quân hàm Thiếu tướng của Đờ-cát, thư của vợ hắn và rất nhiều bánh kẹo, sâm-panh. Sau khi báo cáo lại với cấp trên, cặp quân hàm Thiếu tướng và thư của vợ gửi cho Đờ-cát được giao lại cho cấp trên còn sâm-panh và bánh kẹo thì để lại cho anh em đơn vị liên hoan”.
Người cựu chiến binh già cho rằng, chính nhờ vào những chiến lợi phẩm lấy được từ địch, bộ đội ta đã bớt đi phần nào khó khăn. Anh em cũng vì thế mà hăng hái hơn, sẵn sàng quyết chiến, quyết thắng. Những mẩu chuyện nhỏ từ việc đào hầm, hào đến đoạt đồ tiếp viện của địch được ông Hòa kể lại chi tiết, tỉ mỉ, như những câu chuyện vừa mới xảy ra hôm qua mà thôi.
...gặp người cũ
Theo chân người cựu chiến binh già đi thăm lại cứ điểm Hồng Cúm, rồi vượt mấy chục cây số về thăm lại Sở chỉ huy của chiến dịch đặt tại Mường Phăng, tôi thấy ông tuy đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn khỏe mạnh, đặc biệt rất giỏi giấu cảm xúc. Dù kể về những hy sinh mất mát của ta trên chiến trường, về những đồng đội của ông đã mãi nằm lại nơi này nhưng ông không khóc. Ấy vậy mà khi đứng trước những ngôi mộ vô danh ở Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập, người cựu chiến binh già ấy lại khóc như một đứa trẻ. Những ngày tháng giành nhau với địch từng tấc đất, truy kích địch trong những ngày cuối của chiến dịch như một thước phim quay chậm trước mắt người lính già. “Sau khi quân ta giành chiến thắng, chúng tôi nhận nhiệm vụ truy đuổi địch chạy về phía Lào. Trong lúc truy đuổi, anh em cũng bị thương vong nhiều, có những người mãi nằm lại nơi đây dù chúng ta đã giành chiến thắng”, ông ngồi lặng trước một ngôi mộ vô danh.
 |
Những người cựu chiến binh lặng lẽ thắp hương cho những ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao. |
Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao chiều cuối tháng 4, những ngôi mộ vô danh nằm tiếp nối nhau trầm mặc. Nghe như trong gió có tiếng các anh linh vọng về. “Có chiến thắng nào mà không có mất mát, tôi may mắn hơn các đồng đội khi lành lặn trở về sau chiến tranh. Nhưng còn biết bao nhiêu người mẹ, người vợ đã mãi mãi mất đi người con, người chồng mình. Về lại Điện Biên, không chỉ để thăm lại chiến trường xưa mà còn để gặp người cũ, những người đã mãi mãi nằm lại nơi đây cho hòa bình của dân tộc hôm nay”, ông Hòa vừa nhặt cỏ trên một ngôi mộ vừa nói thì thầm. Cạnh đó, những người cựu chiến binh khác cũng lặng lẽ đi thắp nén nhang thơm cho những người lính đã mãi mãi ngã xuống trên mảnh đất này.
 |
Một ngôi mộ vô danh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Độc lập. |
Đêm xuống ở Nghĩa trang Độc Lập, sau cơn mưa rào chập tối, trời cao và trong lạ thường. Những người cựu chiến binh già từng một thời vào sinh ra tử cầm hoa đăng thắp sáng từng ngôi mộ-nơi đồng đội của họ đang yên nghỉ. Ánh sáng bàng bạc hắt lên những ngôi mộ không có một dòng chữ, chỉ có lá Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng đỏ thắm. Hơn 2.000 ngôi mộ ở đây là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phần đa là những ngôi mộ vô danh. Trong sự tĩnh mịch của đêm, tiếng cầu siêu rì rầm, tiếng nấc nghẹn nhỏ khiến những ai có mặt nơi đây không kiềm được xúc động.
Khuôn mặt đã bạc màu sương gió, cựu chiến binh Đinh Văn Hòa bưng mặt khóc như một đứa trẻ trước một ngôi mộ bia trắng xóa chỉ có ánh nến vàng cháy le lói. Có lẽ, ông đã gặp lại được người xưa...
Bài, ảnh: THU THỦY