QĐND - Chúng tôi có mặt trên bãi tập của Trung đoàn 88 (Sư đoàn 302, Quân khu 7) ngay sau khi cán bộ, chiến sĩ kết thúc nội dung huấn luyện đánh bộc phá mở cửa. Trung úy Trương Văn Tiến, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 phát lệnh tập trung đơn vị. Anh rút kinh nghiệm với tổ đánh bộc phá vừa luyện tập đã đặt lệch hướng. Nói rồi, Trung đội trưởng Tiến vừa làm mẫu lại động tác, vừa nêu những điểm chú ý thường mắc phải và khéo léo kể tình huống mở cửa của Tiểu đoàn 23 (Trung đoàn 88) tại trận đánh đồi Độc Lập trong Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ngày 15-3-1954.
Dưới mưa rừng và đạn pháo, bộ đội đã cởi áo che bộc phá khỏi bị ướt tiến vào trận địa. Đại đội trưởng Đào Đình Xung dẫn bộ đội đánh bộc phá mở cửa, bị thương vong lớn, chỉ còn lại 6 đồng chí. Song, các chiến sĩ đã kiên cường đánh 30 quả bộc phá nhưng vẫn chưa mở được đột phá khẩu. Ngay lúc đó, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Ty lợi dụng ánh chớp lửa đạn pháo quan sát phát hiện ta đã mở cửa chệch hướng. Đồng chí Ty và Nguyễn Bá Tuệ đánh tiếp 10 quả bộc phá mở thông cửa mở, tạo thế các đơn vị tiêu diệt đồi Độc Lập.
Chuyện kể của anh Tiến vừa dứt, không khí luyện tập sôi nổi hơn. Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay: “Tôi chưa một lần được đến Điện Biên, song qua câu chuyện, tôi hiểu mức độ ác liệt, sự hy sinh trong chiến đấu mở cửa. Với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, thế hệ ông cha đã lập nên chiến thắng vĩ đại. Phát huy truyền thống của trung đoàn, chúng tôi không quản gian khổ, tích cực tập luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Binh nhất Tạ Hoàng Thắng tâm sự: “Trong huấn luyện chính khóa, động tác đánh bộc phá của em còn lúng túng nên giờ tự học như thế này giúp em khắc phục hạn chế”.
 |
Giờ luyện tập đánh cửa mở của Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88.
|
Trung tá Phùng Xuân Bình, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 88 cho biết: Nhằm khắc phục hạn chế ở từng người, ngoài huấn luyện chính khóa, đơn vị phát động: “Mỗi ngày, mỗi cán bộ, chiến sĩ dành một giờ tự học”. Theo đó, giờ cuối mỗi ngày huấn luyện, các đơn vị tổ chức hội thao. Thông qua hội thao, từng cán bộ, chiến sĩ còn yếu nội dung nào thì đăng ký học thêm nội dung đó. Căn cứ vào quân số, đối tượng học thêm, đơn vị tổ chức thành các lớp, bố trí vào giờ thứ tám, ngày nghỉ… Bằng cách này, từng cán bộ, chiến sĩ khắc phục ngay hạn chế".
Để truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, trung đoàn tóm tắt các trận đánh, gương chiến đấu của đơn vị thành tài liệu ngắn gọn để giáo viên kết hợp trong huấn luyện chiến sĩ. Những ngày lễ, Tết, kỷ niệm truyền thống, trung đoàn mời cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử đến kể chuyện chiến đấu và giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ thông qua tham quan di tích lịch sử, thi tìm hiểu… Nhờ đó, bộ đội không chỉ yêu mến đơn vị mà còn tích lũy kinh nghiệm vận dụng trong huấn luyện, diễn tập, xử lý tốt các tình huống đặt ra, góp phần vào thành tích 5 năm liền (2009-2013), Trung đoàn 88 được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN