QĐND - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Phó chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Khi đơn vị vừa kết thúc thắng lợi cuộc tiến quân sang Thượng Lào, đập tan phòng tuyến Luông Phra-băng, trở về Điện Biên Phủ, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng chưa từng thấy: Chiều 13-3-1954, pháo binh ta tập kích dồn dập vào đồi Him Lam, trung tâm Mường Thanh và sân bay địch; khói lửa bao trùm. Chúng tôi reo mừng biết cuộc tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bắt đầu. Trung đoàn 36 được lệnh tiến vào chuẩn bị tiêu diệt đồn Bản Kéo.
Đêm 13-3, Đại đoàn 312 tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam do một tiểu đoàn lê dương chiếm giữ. Tiếp đó, đêm 14 rạng ngày 15-3, Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 phối hợp tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập.
Ngày 16-3, Trung đoàn 36 chúng tôi hoàn thành việc chuẩn bị tấn công cứ điểm Bản Kéo. Cứ điểm này gồm 2 ngọn đồi phía tây bắc thung lũng Điện Biên do tiểu đoàn lính ngụy Thái rút chạy từ Lai Châu về chiếm giữ.
 |
Quân ta tấn công đồi Him Lam gây hoang mang cho địch ở Bản Kéo. Ảnh tư liệu. |
Trong hai ngày trước, những người lính Thái đóng ở Bản Kéo chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của hai trung tâm đề kháng mạnh nhất: Độc Lập và Him Lam do những đơn vị Âu Phi sừng sỏ bảo vệ. Họ cũng tận mắt thấy cảnh lính dù đi cứu viện bị đánh lui, ôm đầu máu chạy về Mường Thanh. Lúc này, Bộ tư lệnh Đại đoàn 308 nhận định: Trung đoàn 36 có khả năng tiến hành địch vận dụ hàng binh lính Thái ở đồi Bản Kéo mà không cần đánh.
Chúng tôi liên hệ với chính quyền địa phương nhờ cử một cán bộ biết tiếng Thái đến giúp tiến hành công tác địch vận. Người được cử đến là một phụ nữ. Chị rất nhanh nhẹn, am hiểu công việc được giao gọi hàng địch. Chị dùng loa kêu gọi binh lính Thái bằng tiếng địa phương: “Hãy quay về với bố mẹ! Quay về với bản mường! Không chết thay cho Pháp!”. Nghe lời kêu gọi, binh lính Thái trong đồn im lặng. Cùng lúc ấy, có hai đồng chí cán bộ địch vận đến gặp tôi. Đó là đồng chí Duy Liêm, Trưởng ban Địch vận Đại đoàn 308 và đồng chí Lê Đôi, Trưởng ban Địch vận Trung đoàn 88. Hai đồng chí thông báo: Theo chỉ thị của trên, Trung đoàn 88 đã chuẩn bị xong việc trao trả tù binh An-giê-ri bị thương trong trận Độc Lập. Hai đồng chí cán bộ địch vận giới thiệu một tù binh An-giê-ri tên là Mê-đi-en, có nhiệm vụ cầm thư báo tin cho chỉ huy Bản Kéo: Đúng 17 giờ, ngày 16-3, cử đại biểu và 20 cáng thương ra bờ suối phía đông bắc đồn, nhận 20 thương binh của tiểu đoàn 5 An-giê-ri được phía Việt Nam trao trả. Kèm theo bức thư là lời kêu gọi binh lính đồn Bản Kéo hãy ra hàng để tránh bị tiêu diệt trong một ngày sắp tới.
Đúng hẹn, 17 giờ, ngày 16-3, viên trung úy đeo phù hiệu Hồng thập tự và 40 lính Thái mang cáng đến nơi đã hẹn. Số binh lính An-giê-ri bị thương được băng bó cẩn thận. Khi chia tay chúng tôi, họ hô to: “Vive Ho Chi Minh!” (Hồ Chí Minh muôn năm), “Merci!” (Cám ơn).
Cùng lúc này, chị cán bộ người Thái gặp các lính Thái nói chuyện, kêu gọi những người lầm đường hãy quay về với Tổ quốc. Chị đưa cho lính Thái một tập truyền đơn để tán phát trong đồn. Mặt khác, cùng chiều 16-3, Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận gửi đến cho chúng tôi một bức tranh khổ lớn, vẽ cảnh binh lính Thái bỏ đồn chạy về với nhân dân, kèm theo dòng chữ: “Quay về với Tổ quốc, với đồng bào, các anh sẽ được tiếp đón tử tế”.
Sáng 17-3, đồn Bản Kéo xôn xao do một cuộc phản chiến: Từng đoàn binh lính Thái kéo tới gặp chỉ huy đòi phát hết khẩu phần lương thực và giải tán đồn cho binh lính về quê hương làm ăn. 15 giờ, ngày 17-3, pháo binh ta bắn 20 phát vào đồn Bản Kéo. Lợi dụng lúc bọn chỉ huy Pháp chui vào hầm ẩn nấp, binh lính Thái mở cổng đồn ào ào chạy về phía rừng nơi đang vang lên tiếng loa kêu gọi. Hai đại đội lính Thái chạy ra hàng với toàn bộ vũ khí. Pháo binh địch ở Mường Thanh bắn chặn, nhưng không cản được bước chân của binh lính Thái phản chiến. Pháo binh ta lập tức phản pháo yểm hộ cho họ chạy tới vị trí an toàn trong rừng.
Trung đoàn 36 không cần nổ súng đã chiếm được đồn Bản Kéo và thừa thắng tiến vào chiếm các ngọn đồi phía Bắc sân bay Mường Thanh.
Với hai trận tiêu diệt Him Lam và Độc Lập, cùng trận bức hàng đồn Bản Kéo, đợt đầu cuộc tiến công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thu được thắng lợi lớn. Cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm bị mở toang, tạo điều kiện cho quân ta tiến vào xây dựng trận địa bao vây và tiến công khu trung tâm tập đoàn, giành thắng lợi cuối cùng.
Trung tướng PHẠM HỒNG CƯ