QĐND - Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, có lòng trung thành cao độ và niềm tin chính trị vững chắc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đại tá Lăng-le luận giải: “Chiến đấu có nghĩa là phải giành bằng được sự sống còn. Muốn chiến đấu hoặc hy sinh vô tư cho một vật báu như thế, phải có một lý tưởng, một lòng tin. Nhưng cái lòng tin ấy-lòng tin của những người đảng viên tuy rất đơn giản, rất là tự nhiên ở phía đối phương của ta thì lại rất khó tìm thấy trong quân đội chúng ta”. Còn về quân đội bù nhìn, Na-va nhận xét một cách bi đát: “Lính ngụy thì tinh thần chiến đấu tồi”, “những chiến binh loại kém, phải có lính Pháp đi kèm”.
Giáo sư Sử học Cộng hòa Dân chủ Đức, U. Lu-lây (WilJried Lulei) khẳng định: “Quá trình của chiến dịch đã thể hiện các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc được nhân dân ủng hộ đã có tinh thần chiến đấu hơn hẳn so với đạo quân đánh thuê nhà nghề của Pháp. Chiến dịch này cũng thể hiện sự hơn hẳn về đường lối quân sự của Đảng Lao động Việt Nam”(1).
 |
Tướng Đờ Cát (De Castries) và Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ảnh tư liệu.
|
Nhận định về mục tiêu chiến đấu và tinh thần xả thân vì niềm tin chiến thắng của quân đội ta, nhà văn G. Rốt (Jules Rot) viết: “Họ là quân giải phóng Việt Nam và biết rằng, họ chiến đấu vì nền độc lập của mình, chống lại một chủ nghĩa thực dân đang bị xóa sổ trên toàn thế giới”(2). Bại tướng Xa-lăng còn thừa nhận: “Một nhân tố quan trọng cực kỳ, đó là quân đội của họ, một quân đội rất kỷ luật và can trường, sẵn sàng phục vụ đường lối chính trị của Chính phủ, là “đối thủ đáng kính trọng”, là cái bảo đảm cho cả một Đông Dương đỏ”(3).
Sức mạnh vô địch của Quân đội Việt Nam là ở chỗ có nguồn gốc trong nhân dân, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân.
Trong hồi ký của mình, Tướng Xa-lăng đã thừa nhận: “Quân đội Việt Minh là từ nhân dân mà ra. Quân đội và dân tộc là một; mọi nguồn sống của quân đội đều do dân cung cấp”. Nhà văn Gioóc-giơ K Tê-ni-hen nói rõ thêm: “Có cội rễ sâu xa trong dân chúng về chính trị, quen thuộc địa hình, nhân dân cung cấp tình báo cho họ mà người Pháp không thể nào có được hy vọng như thế. Dân thường có thể giúp đỡ họ về tiếp tế, liên lạc, cung cấp nhân lực, đóng thuế lương thực. Họ được che chở còn lính Pháp không thể hòa mình vào nhân dân như lính Việt Minh”(4). Chính nguồn gốc nhân dân, sức mạnh nhân dân của quân đội ta đã làm cho Na-va phải thừa nhận: “Quân đội Việt Minh “nằm trong dân cả về vật chất và tinh thần… như “cá trong nước”(5). Giáo sư U. Lu-lây lại đưa ra kết luận: “Quân đội nhân dân Việt Nam với sự giúp đỡ, ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân đã ngoan cường chống lại kẻ thù được trang bị và kỹ thuật hơn hẳn một cách có hiệu quả và ngày càng giành được chủ động trên chiến trường. Quân đội Pháp bị dồn vào thế bí trong nhiều trận đánh lớn đã nếm mùi thất bại nặng nề”(6).
Quân đội Việt Nam có sự đoàn kết, thống nhất cao, có ý thức kỷ luật nghiêm minh và lòng nhân đạo cao cả.
Nhận định về vấn đề này, Gioóc-giơ K Tê-ni-hen chỉ ra: “Đó là một quân đội gồm những sĩ quan và binh lính tận tụy và gan dạ. Họ sống với nhau chung một hoàn cảnh, cùng chịu đựng và chia sẻ với nhau những gian khó. Nhìn bề ngoài, khó phân biệt binh lính với sĩ quan, họ thật sự chung sức với nhau để thực hiện một lý tưởng”(7). Lột tả sức mạnh tinh thần của quân đội ta xuất phát từ những tế bào cấu thành nên quân đội, G. Rốt miêu tả: “Cứ mỗi tổ ba người, họ gắn bó với nhau thành một tế bào bất khả xâm phạm... Không phải người ta chỉ chấp hành mệnh lệnh. Mỗi người đều thề sẽ luôn luôn phấn đấu tự vượt mình”(8).
Thừa nhận về tính kỷ luật và chính sách nhân đạo của Việt Minh, Đa-vít Hôn-béc-xtơn - hạ sĩ quan trong quân đội Pháp đã từng bị bắt làm tù binh ở Đông Dương viết: “Hiện ra trước mắt một sự thật khác và đáng ngạc nhiên hơn về kỷ luật của Việt Minh!… Sau tiếng súng cuối cùng một chốc, tôi thấy một sự chu đáo kỳ lạ-lập lại trật tự hoàn toàn, không hề tự phụ là những người chiến thắng... Không thể nhận ra một nét khoe khoang nào ở họ-không có lễ chiến thắng. Ở chỗ kia, binh lính mang tiểu liên dồn tù binh lại, tập hợp họ thành hàng ngũ và dẫn họ đi. Mọi việc tiến hành không có một hành động dã man, tàn bạo nào và cũng không có sự thương hại. Như vậy, mọi sự phải làm với lòng nhân đạo. Thế là họ đang ở trong một thế giới với những giá trị mới. Tôi đang đối diện với những người địa phương thuộc trật tự của Cộng sản. Đây là một cái gì có bản chất tuyệt đối, một nghìn lần hơn bất cứ cái gì mà chúng tôi gọi là kỷ luật. Đáng lẽ họ đánh vào đầu mọi người, Việt Minh lại săn sóc những người bị thương khi tiếp nhận tù binh. Đó là một chính sách không thể thất bại, không thể chống lại được, mà kết quả lại càng tốt hơn khi áp dụng vào những kẻ địch xấu nhất, ác độc nhất, kể cả thực dân. Đó là việc giáo huấn và cải tạo những tâm hồn xấu xa”(9)…
Cuộc tranh luận về “Con người Việt Nam” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vẫn còn được nhiều người nước ngoài giải mã. Còn không ít những tư tưởng, quan điểm thực dân lỗi thời, cực đoan hằn học, bôi nhọ hay phủ nhận những nhân tố chính trị-tinh thần cao đẹp của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập đó. Đáp lại những tiếng nói lạc lõng đó, Ph. Mít-tơ-găng (Francois Mitterand)-nguyên lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp, nguyên Tổng thống nước Cộng hòa Pháp đã viết: “Ta hãy khoan nói những lời quá khích. Người ta không thể nói về Việt Nam như nói về bất cứ ai. Nhân dân Việt Nam đã đề cao danh dự của thời đại chúng ta. Nếu có ai hỏi tôi, tôi sẽ trả lời rằng, nhân dân Việt Nam là vĩ đại nhất”(10).
Đại tá, TS Nguyễn Văn Quang - Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, Bộ Quốc phòng
Bài 1: Cuộc chiến tranh chính nghĩa
(1) WilJried Lulei, Điện Biên Phủ 1954 - Thất bại có tính chất quyết định của thực dân Pháp ở Đông Dương, Tạp chí LSQS, số 41, 5-1989, tr. 5, 6.
(2) Jules Rot, Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt của người Pháp, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1994, tr. 209, 389.
(3) Nxb QĐND, Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, Hà Nội, 1994 tr.175-176.
(4) Gioóc-giơ K Tê-ni-hen, Chiến tranh cách mạng của Cộng sản, New York, 1963.
(5) Hăng-ri Na-va, Thời điểm của sự thật, Nxb Pờ-lông Pari, 1979, tr.285.
(6) WilJried Lulei, Điện Biên Phủ 1954 thất bại có tính chất quyết định của thực dân Pháp ở Đông Dương, Tạp chí LSQS, số 41, 5-1989, tr.5.
(7) Gioóc-giơ K Tê-ni-hen, Chiến tranh cách mạng của Cộng sản, New York, 1963.
(8) Jules Rot, Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt của người Pháp, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1994, tr.146.
(9) Nxb QĐND, Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, Hà Nội, 1994, tr.171-172.
(10) Trần Trọng Trung, Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, tập 2, Nxb QĐND, tr.316.