QĐND - Đó là tờ tin do các cán bộ chính trị Cung cấp tiền phương thuộc Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) cho ra đời tại mặt trận, trong thời gian dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đối tượng chủ yếu của Tin Dân công lúc đầu là dân công. Về sau, mở rộng thêm đối với cả bộ đội lái xe và chiến sĩ trực tiếp chiến đấu giết giặc. Hồi đó, dân công rời quê hương đi hàng trăm cây số phục vụ chiến dịch từ tháng 11, tháng 12 năm 1953, đến tháng 5, tháng 6 năm 1954 mới về. Khi ở nhà, chỉ quần nâu áo vải xuềnh xoàng, khi đi chiến dịch cũng chỉ 2 bộ áo quần đơn sơ. Bộ mặc, bộ buộc cạnh bồ. Dãi nắng, dầm mưa, vải bở bục, rách bươm. Rách thì vá. Rách nữa, lại vá. Không có mụn để vá, xé dần, áo dài tay thành áo cộc tay, quần dài thành quần lửng, rồi thành quần đùi. Khổ nhất là chị em phụ nữ. Chủ nhiệm Cung cấp tiền phương phải ra lệnh cho thu mua từ các chợ; gom số vải dự trữ từ các kho, chuyển ngay lên mặt trận. Hiềm một nỗi, số người thì đông, số vải lại có hạn. Thế là anh chị em nhất trí đề xuất may cho mỗi người 2 cái quần đùi để thay đổi. Vẫn không đủ, lại vui vẻ nhận quần áo chiến lợi phẩm, vải dày cộp, nhiều túi lỉnh kỉnh (gọi là túi bắt gà)…
 |
Đại tá Lê Trọng Khánh-Chiến sĩ Điện Biên Phủ, thường xuyên quan tâm theo dõi, tự hào về tờ báo Quân đội nhân dân hôm nay.
|
Cái mặc thì như vậy. Cái ăn của dân công cũng vô cùng đạm bạc, khắc khổ. Thức ăn phổ biến là mắm kem, muối rang, rau rừng; là nắm đậu xanh ngâm giá. Mong muốn được ăn một bữa rau xanh, có chút thịt, cá mà rất khó thực hiện.
Bộ phận Tuyên huấn Tổng cục Cung cấp đi Chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức mua, thu gom giấy (làm từ rơm, màu vàng đất) để ra những bản thông tin tình hình hoạt động của các ngành vận tải, quân nhu, quân y, quân khí. Nội dung chủ yếu là thông tin động viên. Tin tức lấy từ báo cáo của các đơn vị, Báo QĐND từ mặt trận gửi tới. Khi chiến dịch mở ra, được sự giúp đỡ của Cục Tuyên huấn tiền phương cùng với Nhà in Báo Quân đội nhân dân, tờ Tin Dân công ra đời.
Trong khá nhiều nội dung phản ánh, Tin Dân công đăng tải những câu chuyện hừng hực hơi thở cuộc sống ở mặt trận. Tin Dân công thuật lại chuyện Đại đội vận tải 200 chở đạn qua đèo Chẹn (nằm giữa đoạn đường Tạ Khoa - Cò Nòi) gặp lúc có bom nổ chậm mà công binh chưa phá kịp. Ngay lập tức, anh Tần - Đại đội trưởng cởi áo cầm ở tay, đứng ngang trên miệng hố bom nổ chậm ra lệnh cho từng xe ô tô lần lượt lăn bánh. Trời lạnh, sương mù mà anh Tần vã mồ hôi, trán ướt đầm. Anh em lái xe thận trọng nhích lên từng mét. Các chiến sĩ công binh đứng quanh đó hồi hộp, vừa lo lắng, vừa khâm phục. Đoàn xe qua khỏi, anh Tần bình tĩnh mặc áo như không có chuyện gì xảy ra, vẫy chào công binh rồi đuổi theo xe.
Tin Dân công đưa tin chị Nguyễn Thị Xuân quê huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) lập công, được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng ba (gương chị Nguyễn Thị Xuân đã được Báo QĐND xuất bản tại mặt trận viết khá kỹ). Khi ấy chị Xuân 18 tuổi, lần đầu đi dân công. Một đêm tháng 2-1954, đoàn dân công Hạ Hòa vượt đèo Lũng Lô. Đến giữa đèo, một quả bom nổ ở tầng trên, đất đá ập xuống, chị Xuân bị vùi kín. Mọi người xúm lại kéo đỡ, còn đang xem chị có bị thương ở đâu không thì chị bỗng kêu to: “Gánh của tôi đâu rồi, tìm gánh cho tôi”. Hai tay chị bới tung đất, thấy đôi bồ gạo vẫn được buộc chặt ở hai đầu đòn gánh, chị lại kêu: “Xem có còn thiếu ai, có ai bị thương?”. Rồi chị xốc gánh lên vai, hồ hởi: “Không hề gì, khó khăn khắc phục” và đuổi kịp đội hình lên tuyến trước...
Đại tá Lê Trọng Khánh-Chiến sĩ Điện Biên Phủ, cựu cán bộ chính trị Tổng cục Hậu cần, hiện ở nhà số 78, phố Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội) kể rằng, hồi đó, ông là Chính trị viên Đại đội 56, thuộc Tiểu đoàn vận tải 206 của Bộ. Những tờ Tin Dân công giản dị, to gần bằng tờ giấy A4 bây giờ (cũng có những bản nhỏ hơn vì giấy để in mua ở hàng xén, hoặc do dân công mua giúp từ dưới xuôi mang lên, kích cỡ không đều) nhưng nội dung chân thực, rất kịp thời.
Bài và ảnh: PHẠM QUANG CHUNG