QĐND - Ông Lò Văn Hặc là người thủ lĩnh dân tộc Thái vùng Điện Biên đã sớm giác ngộ cách mạng, đi theo Đảng, theo Bác Hồ để bảo vệ "làng trời", chống lại ách thống trị của thực dân Pháp và tộc trưởng Đèo Văn Long tàn ác. Cuộc đời ông gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm và đấu tranh của các dân tộc Tây Bắc, để có một vùng đất tươi đẹp như ngày hôm nay... Lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Lai Châu còn ghi lại câu chuyện…

Ông Lò Văn Hặc, Chủ tịch Khu tự trị Thái - Mèo (người đứng thứ 2 từ trái sang) đón Bác Hồ lên thăm Thuận Châu năm 1959. Ảnh tư liệu

 

… Sơn La một buổi chiều mùa đông tháng 12-1945, rét táp cỏ cây, rét cháy chuối rừng… Trời đã xẩm tối, ông Ký Phúc, Chủ nhiệm Việt Minh thị xã Chiềng Lề cầm đèn pin lên trại Vệ quốc đoàn tìm gặp đồng chí Ty Nhạ (tức Trần Quý Kiên), đại diện Chính phủ lâm thời hai tỉnh Sơn La – Lai Châu để báo cáo: Ông Lò Văn Hặc ở Điện Biên cùng đoàn tùy tùng 5 người có võ trang vừa tới nhà "Dây thép" xin gặp để báo cáo tình hình quân Pháp về Điện Biên và xin tiếp viện… Buổi sáng hôm sau, tại cuộc làm việc đầu tiên ông Lò Văn Hặc đã nói rõ tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tàn quân Pháp ở Lào về. Sau khi thống nhất phương án đưa ra là: Đoàn ông Hặc về ngay Điện Biên, bàn cách tổ chức dạy tiếng dân tộc thông dụng cho anh em bộ đội, phổ biến phong tục tập quán và những điều kiêng kỵ khi tiếp xúc với dân. Tới địa phương, yêu cầu ông Hặc tuyển chọn, bổ sung cho mỗi tiểu đội một đồng chí để làm giáo viên dạy tiếng, phiên dịch và liên lạc… Kể từ nay ông Lò Văn Hặc coi như người đại diện chính quyền cách mạng lâm thời huyện Điện Biên (Lai Châu). Mọi công việc ông Hặc sẽ cùng bàn bạc với Ban chỉ huy đại đội Vệ quốc đoàn giải quyết, lãnh đạo nhân dân làm ăn, đánh giặc bảo vệ địa phương, nuôi dưỡng quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, phòng chống giặc Pháp và thổ phỉ cướp phá…  Sau một thời gian hoạt động tại Lào, ông Lò Văn Hặc về Việt Bắc, tham gia kháng chiến và được giao nhiều trọng trách, thủ lĩnh của cộng đồng người Thái ở Điện Biên.

Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi ổn định ở vị trí mới tại Mường Phăng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang đã tổ chức cuộc họp với đại diện các cơ quan của tỉnh Lai Châu (gồm 12 người), đứng đầu là ông Lò Văn Hặc, Chủ tịch Khu tự trị Thái - Mèo. Hai bên đã thống nhất cách chỉ đạo, điều hành công tác huy động lực lượng tối đa bảo đảm hậu cần, đặc biệt là với địa phương tổ chức ngay cho các đơn vị dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm, đạn dược, thuốc men với những phương tiện là xe thồ, ngựa, gồng gánh phục vụ theo yêu cầu chiến dịch. Sự phối hợp nhịp nhàng, tin cậy lẫn nhau giữa chỉ huy của hai lực lượng Hậu cần quân sự và Hậu cần nhân dân và giữa hai ông Đặng Kim Giang, Lò Văn Hặc trở nên thân thiết, mẫu mực trong hơn 90 ngày diễn ra và kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Hặc sau này đã làm đến Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của  Quốc hội… Ông về nghỉ hưu và qua đời vào năm 1984 trong sự thương tiếc vô hạn của đồng bào các dân tộc Điện Biên - Lai Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung.

GIANG ANH